Giá khoai lang tím tại Vĩnh Long từ 1 triệu đồng/tạ thời điểm cuối quý II/2012 đã rớt xuống còn 250.000 đồng/tạ chỉ sau hơn 1 tháng; giá dừa quả lao dốc từ 150.000 đồng/12 trái xuống còn 15.000 đồng/12 trái chỉ sau một thời gian ngắn… Đây chỉ là hai ví dụ cụ thể nhất về những hậu quả khôn lường khi các thương nhân nước ngoài tự tung tự tác thu mua nông sản tại Việt Nam.
Vì vậy, việc tìm ra giải pháp toàn diện và mang tính căn cơ để quản lý hoạt động của các thương nhân nước ngoài; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ nông sản của nông dân là đòi hỏi cấp thiết.
Đâu là nguyên nhân của tình trạng thương nhân nước ngoài mua vét nông sản trong nước? Ảnh: Internet.
Hậu quả khôn lường
Tại Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan đến quy định về hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài (TNNN) tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa khẳng định: Từ tháng 5/2011 đến nay, hiện tượng TNNN vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua nông sản ngày càng diễn ra trên diện rộng và đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp.
Bên cạnh mặt tích cực của các TNNN là góp phần tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các nông sản có sản lượng lớn và thời vụ thu hoạch ngắn, tạo việc làm cho người lao động thì mặt tiêu cực chính là gây ảnh hưởng (thậm chí phá vỡ) các quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến; gây bất ổn thị trường; tác động xấu đến môi trường, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên do đánh bắt, nuôi trồng, khai thác, tận thu trong thời gian ngắn và gây thiệt hại lớn với người sản xuất.
Thêm vào đó, việc các TNNN hoạt động trái pháp luật Việt Nam không chỉ gây thất thu thuế cho nhà nước mà còn dẫn tới tình trạng mất ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại các địa phương có TNNN vào Việt Nam tiến hành hoạt động thu mua trái phép nông sản.
Lý giải về nguyên nhân của tình trạng này, Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương Võ Văn Quyền đã chỉ ra hai nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Theo đó, nguyên nhân khách quan chính là nhu cầu của thế giới về hàng nông sản của Việt Nam ngày một tăng, đặc biệt đối với Trung Quốc là thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất lớn do dân số đông, lại gần Việt Nam nên rất thuận lợi cho việc mua bán, thu gom, vận chuyển.
Còn nguyên nhân chủ quan chính là sự nhận thức chính sách, luật pháp đến phối hợp tổ chức quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động thương mại của các TNNN tại từng địa bàn cụ thể còn nhiều hạn chế trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về TNNN hoạt động thu mua nông sản tại Việt Nam chưa đầy đủ, chưa phù hợp với từng đối tượng.
Bên cạnh đó, vì lợi ích riêng trước mắt, một bộ phận thương nhân Việt Nam đã tiếp tay cho hành vi thu mua trái phép nông sản thông qua việc không thực hiện các nghĩa vụ được pháp luật quy định.
Cùng đó, nhiều nông dân đã bán hàng hóa trực tiếp cho TNNN mà không biết đang vô tình tiếp tay cho các đối tượng này vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại liên quan đến hoạt động thu mua nông sản của TNNN nên các hoạt động này đã tạm lắng tại các địa bàn nóng như Bắc Giang, Thái Nguyên, Cà Mau…Tuy nhiên, các hoạt động này lại đang có xu hướng đi vào hoạt động lén lút, bí mật, quy mô nhỏ thay vì công khai và trên phạm vi rộng như trước đây.
Giải pháp phải đồng bộ
Từ trước đến nay, các TNNN cơ bản hoạt động đúng luật pháp Việt Nam; chỉ có một bộ phận nhỏ cá nhân, tổ chức lợi dụng các kẽ hở pháp luật để nhập cảnh vào Việt Nam thực hiện các hoạt động thương mại trái pháp luật. Việt Nam vẫn khuyến khích TNNN vào thu mua nông sản thực hiện theo đúng quy định của pháp luật để góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân và tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhưng cũng kiên quyết xử lý các vi phạm.
Ở một khía cạnh khác, thị trường Trung Quốc cả trước mắt lẫn lâu dài vẫn là thị trường rộng lớn và cần thiết cho xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam. Việt Nam cần thị trường để tiêu thụ nông sản, còn Trung Quốc cần nhập khẩu các sản phẩm nông sản từ Việt Nam phục vụ nhu cầu đời sống nhân dân. Do vậy, việc tổ chức tốt thị trường chính thức cũng như quản lý tốt hoạt động của TNNN sẽ tạo đầu ra quan trọng cho hàng hóa nông sản của Việt Nam .
Theo đó, các giải pháp phải đồng bộ, dài hạn và căn cơ; trong đó, cần tiếp tục tập trung triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động mua bán hàng hóa của TNNN tại Việt Nam. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến từng nhóm đối tượng là rất quan trọng nên Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị lớn tại Cần Thơ vào ngày 27/8 cho khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, ngày 7/9 tại Hà Nội cho khu vực phía Bắc và ngày 12/9 tới đây sẽ tổ chức tại Khánh Hòa cho khu vực miền Trung.
Giải pháp quan trọng khác cần triển khai quyết liệt tiếp theo là rà soát lại hệ thống chính sách luật pháp theo hướng hoàn thiện hơn nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho TNNN hoạt động tại Việt Nam, đồng thời tạo công cụ hiệu quả để tăng cường kiểm tra, kiểm soát toàn diện.
Trong thời gian tới, bên cạnh các hoạt động như tuyên truyền cho thương nhân, nông dân tại địa phương hiểu rõ pháp luật Việt Nam khi thu mua nông sản, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo ra nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam, khắc phục tình trạng lệ thuộc vào một thị trường lớn để rồi bị ép giá, lũng đoạn thị trường. Ngoài ra, việc tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng giúp doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối gần hơn và mang lại lợi ích lớn hơn với nông dân.
Tuy nhiên, việc quản lý hoạt động của TNNN tại Việt Nam chỉ mang lại hiệu quả cao khi có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Theo đó, Bộ Công an cần tăng cường quản lý về hoạt động xuất nhập cảnh, chỉ đạo Công an các địa phương tăng cường quản lý TNNN tại địa phương, nhất là các cá nhân vào Việt Nam bằng con đường du lịch; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, thậm chí có thể dùng các biện pháp mạnh tay như trục xuất và cấm nhập cảnh những lần sau.
Bộ Lao động-Thương binh Xã hội cần tăng cường quản lý công tác sử dụng người lao động nước ngoài tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là các cá nhân lợi dụng vào Việt Nam bằng con đường du lịch, núp bóng lao động nước ngoài để tiến hành hoạt động thương mại trái phép…
Theo số liệu thống kê mà lực lượng công an có được, Việt Nam hiện có trên 78.000 người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, tăng 6% so với năm 2011, trong đó, số được cấp phép lao động là gần 42.000 người, không thuộc diện cấp phép là gần 5.600 người, số chưa được cấp phép là trên 31.000 người (chiếm 39,9%) – số này được coi là không hợp pháp. Số lao động này tới từ khoảng 60 quốc gia trên thế giới, trong đó số lao động các nước và vùng lãnh thổ thuộc châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… chiếm khoảng 58%.
Nguyễn Kim Anh
Theo Báo Tin Tức
Bình luận (0)