Gần đây tại ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đã lên xấp xỉ 17.000 đồng/kg, tăng khoảng 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng nhiều nông dân vẫn tiếp tục bỏ ao. Vì sao?
Mặc dù giá cá tăng nhưng nhiều trang trại ở vùng nuôi cá tra xuất khẩu tại Mỹ Phú, Châu Phú (An Giang) tiếp tục bỏ hoang – Ảnh: Đức Vịnh
|
Thu hoạch bán cá từ trước tết, nhưng tới nay nhiều hộ ở Thốt Nốt (Cần Thơ) vẫn chưa cải tạo ao để đầu tư nuôi lại. Không ít trang trại của các “đại gia” ở vùng nuôi này vẫn tiếp tục bỏ hoang.
Diện tích nuôi giảm nhanh
Theo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, nếu như năm 2008 toàn tỉnh có 1.800ha mặt nước nuôi cá tra thì hiện đã có 50% diện tích nói trên chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển qua cho thuê. Còn tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh, cũng có khoảng 50% trong số 1.400ha mặt nước nuôi cá tra phải chuyển mục đích sử dụng.
|
Nhiều người dân ở Thốt Nốt cho biết suốt hai năm qua, giá cá tra nguyên liệu hầu như lúc nào cũng thấp dưới giá thành khiến họ thua lỗ liên tục. “Mỗi ký cá lỗ 500-1.000 đồng, thậm chí có lúc lỗ 2.000 đồng. Qua nhiều đợt lỗ lã như thế dần cạn vốn, giờ còn tiền đâu nữa mà nuôi” – bà Lê Thị Thủy, ấp Thạnh Lộc 2, xã Trung An, than thở.
Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) được xem là nơi cung ứng chủ yếu lượng cá tra giống cho toàn vùng ĐBSCL, nhưng gần đây hàng loạt cơ sở đã bán đổ bán tháo đàn cá bố mẹ, dẹp bồn chứa, trang thiết bị ương giống…
Ông Khương Minh Khuẩn, trưởng chi hội nghề cá xã Long Thuận, cho biết trước đây toàn xã có trên 20 cơ sở chuyên sản xuất cá bột, hiện nay chỉ còn vài điểm hoạt động cầm chừng, 300 hộ chuyên cung cấp cá giống nay chỉ còn lại hơn phân nửa vẫn tiếp tục nuôi. Vùng chuyên làm cá giống ở huyện Tân Châu (An Giang) cũng tương tự.
“Mấy năm trước trung bình mỗi tháng tôi bán ra hơn triệu con giống. Vậy mà đầu năm tới nay mới có vài hộ đặt mua tổng cộng vài chục ngàn con. Nhiều hộ ở đây lần lượt bỏ nghề bởi lượng con giống đặt mua giảm hẳn, sản xuất không đủ bù đắp chi phí” – ông Lê Văn Nghĩa, ấp 1, xã Vĩnh Xương, lo lắng.
Chi phí nuôi tăng cao
Nhiều người nuôi cá cho hay mặc dù giá cá nguyên liệu được doanh nghiệp thu mua công bố là 17.000 đồng/kg, tuy nhiên theo người dân, giá đó là đối với cá thịt trắng loại một, còn thực tế chỉ ngoài 16.500 đồng/kg. Và giá cá tuy tăng nhưng ngay sau đó giá thức ăn chăn nuôi lại tăng liên tục. Từ đầu năm tới nay thức ăn viên công nghiệp đã “nhảy” giá năm lần (tương đương mức tăng 1.000 đồng/kg), loại 26% đạm hiện 8.700 đồng/kg.
Bên cạnh đó, do hàng loạt cơ sở cung cấp giống ngưng sản xuất nên cá tra giống hiện nay khá khan hiếm, hiện ở mức 25.000 đồng/kg. Chưa kể gần đây điện, thuê nhân công, thuốc men phòng trị bệnh… cũng đồng loạt tăng giá. Theo ông Dương Nghĩa Quốc – phó giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, nếu cộng hết các khoản chi phí thì giá thành nuôi đã vượt 17.000 đồng cho mỗi ký cá nguyên liệu. Do đó nông dân chưa thể có lãi.
Chi phí nuôi tăng đòi hỏi vốn đầu tư cao, trong khi nông dân cho biết họ rất khó vay ngân hàng. Số bị thua lỗ liên tục chưa trả hết nợ nên ngân hàng không cho vay đã đành, nhưng số đã trả nợ rồi cũng khó vay lại. Hộ nào có đất đai tài sản lớn được vay rất hạn chế.
Ngoài ra, những đại lý thức ăn, thuốc thú y không còn bán thiếu như trước. “Chi phí đầu tư cao, khả năng khó có lời. Đã vậy, nông dân bị thua lỗ kéo dài lại đang khó khăn về vốn nên 50% diện tích nuôi ở Cần Thơ vẫn chưa thả lại con giống” – ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc Sở NN&PTNT Cần Thơ, cho hay.
Thiếu nguyên liệu
Không chỉ nông dân, chi phí sản xuất cao khiến các doanh nghiệp đầu tư các vùng nguyên liệu cũng đang than trời. Giám đốc một đơn vị ở Cần Thơ tiết lộ trước đà giá thức ăn cùng các chi phí khác đều tăng vọt, ông đang tính đến phương án giảm diện tích nuôi. “Trước kia để có 5.000 tấn cá vốn đầu tư chưa tới 70 tỉ đồng, nhưng nay vọt lên 80 tỉ đồng” – vị giám đốc này cho hay.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep), năm 2010 kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi nên dự báo xuất khẩu sản phẩm cá tra, cá ba sa sẽ có mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, với tình hình nông dân tiếp tục bỏ ao hiện nay sẽ dẫn tới khả năng thiếu nguồn nguyên liệu cung ứng cho chế biến xuất khẩu.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, cho biết hiện nhiều nhà máy thủy sản trong tỉnh phải giảm 30-50% công suất do thiếu nguồn cá chế biến. Do đó, ông Thạnh đề nghị cần phải quản lý chặt giá thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng giá thức ăn tăng quá nhanh như thời gian qua, đồng thời nên khoanh nợ, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận vốn vay…
ĐỨC VỊNH / TTO
Bình luận (0)