Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Người nuôi cá tra… kiệt sức

Tạp Chí Giáo Dục

Nếu như mọi năm vào dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch, tình hình xuất khẩu cá tra diễn ra nhộn nhịp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh của thị trường thế giới thì năm nay lại trái ngược khi cá tra rớt giá. Đầu ra tắc, đẩy hàng loạt hộ nuôi cá tra vào cảnh nợ chất chồng…

Hết chịu nổi

Trở lại Đồng Tháp vào những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân rầu lo chuyện thua lỗ do nuôi cá tra. Bà Đinh Thị Hường, chủ 10 công đất nuôi cá tra ở xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, ngao ngán: “Thông thường cuối năm cá tra hút hàng, tăng giá; thế nhưng không hiểu sao giá cá tra gần đây rớt thảm hại. Hiện cá tra loại 1 trọng lượng 650g/con giá chỉ 21.000 đồng/kg; cá loại 2 trọng lượng 0,9 – 1kg/con trở lên giá 19.000 – 20.000 đồng/kg, trong khi giá thành dao động từ 23.000 – 24.000 đồng/kg, tính ra lỗ nặng”. Hầm cá của bà Hường còn 700 tấn, mỗi ngày phải tốn 300 triệu đồng thức ăn, muốn bán ngay phải chịu lỗ nặng, còn để càng lâu lại không lo nổi thức ăn.

Do cá rớt giá, người nuôi phải “giảm cho ăn” nhằm giảm lỗ.

Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự thừa nhận, người nuôi đã chịu hết nổi vì thua lỗ kéo dài suốt 2 năm qua. Lúc này thời điểm thị trường thế giới đẩy mạnh “ăn cá tra”, vậy mà giá vẫn thấp dưới giá thành.

“Chúng tôi đã quá mỏi mệt với cá tra, càng nuôi nhiều càng lỗ. Lúc vào vụ thu hoạch rộ, doanh nghiệp nói cá dư thừa nên giảm giá. Nay có đến 80% số hộ bỏ nghề, cộng với thời điểm cuối năm, thế giới có nhu cầu ăn cá tra nhiều hơn, vậy nhưng giá cá nguyên liệu lại giảm mạnh hơn. Người nuôi bây giờ không còn biết tin ai…”- ông Võ Văn Đệ ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) thất vọng.

Không chỉ người dân, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng lo. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, nhìn nhận, giá xuất khẩu cá tra thấp nên nhà máy hoạt động không hiệu quả. Doanh nghiệp chủ động được vùng nuôi cá nguyên liệu nhưng phải “giảm cho ăn” để cá chậm lớn, bởi càng xuất nhiều càng lỗ.

Vốn vay: Ngân hàng nói có, người nuôi nói không

Nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL tỏ ra bức xúc khi giá cá thấp kéo dài và tắc đầu ra. Những hộ bán được cá vẫn bị nhà máy nợ 30 – 45 ngày mới lấy được tiền, trong khi đa phần dân nuôi thiếu vốn trầm trọng.

Có thể nói, vài năm qua các ngân hàng không còn tha thiết với người nuôi cá tra. Ngân hàng hô hào sẵn sàng cung ứng vốn nhưng thực tế ngược lại. Chuyện thua lỗ- thiếu vốn khiến người nuôi bỏ nghề hàng loạt là thực trạng ảm đạm đang diễn ra ở ĐBSCL.

Bà Trần Thị Ngoặt ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), bức xúc: “Nghe Ngân hàng Nhà nước nói doanh số cho vay nuôi và chế biến cá tra ở ĐBSCL lên đến 38.218 tỷ đồng, thế nhưng người nuôi cá khó vay được. Để duy trì nuôi cá, người dân phải mua thiếu ở các đại lý thức ăn và chấp nhận lãi 20%/năm”. Theo ông Nguyễn Khắc Phục ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), có 3 nguồn vốn để nuôi cá tra là “vốn tự có, vốn vay ngân hàng và vốn hỗ trợ của đại lý thức ăn”.

Hiện vay ngân hàng rất khó, trong khi vốn tự có đã cạn do thua lỗ liên miên. Giải pháp duy nhất là trông vào vốn hỗ trợ từ các đại lý thức ăn. Nghĩa là người nuôi mua thiếu thức ăn cho cả vụ và chịu lãi 18%- 20%/năm. Tuy nhiên, chỉ những hộ nuôi uy tín và là “mối” lâu năm mới được các đại lý thức ăn đầu tư. Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN thức ăn Cỏ May, cho biết đã đầu tư thức ăn khoảng 400 tỷ đồng cho hơn 150 hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL nhưng phải chọn lọc đối tượng chứ không đầu tư đại trà.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Công thương chi nhánh Đồng Tháp, tính đến giữa tháng 12-2012 đã giải ngân cho lĩnh vực cá tra 847 tỷ đồng, hiện ngân hàng vẫn đầu tư cho doanh nghiệp và hộ nuôi cá tra bình thường. Kể cả doanh nghiệp, người nuôi gặp khó khăn, nay có hướng sản xuất, phát triển trở lại vẫn được xem xét hỗ trợ vốn. Vấn đề ở chỗ đối tượng vay phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả để ngân hàng thẩm định cho vay.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cho biết đến nay các tổ chức, tín dụng trên địa bàn đã giải ngân khoảng 5.240 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản, chủ yếu là nuôi trồng và chế biến xuất khẩu cá tra. Về cơ bản các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ vốn doanh nghiệp và người nuôi cá; song không phải ai cũng được giải ngân, bởi các ngân hàng có sự lựa chọn đối tượng đáp ứng được những điều kiện cần thiết.

Theo Bộ NN-PTNT, ĐBSCL có khoảng 5.470ha nuôi cá tra, trong đó 3.844ha đã thu hoạch với năng suất trung bình 279 tấn/ha, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái 26 tấn/ha. Do thị trường xuất khẩu gặp trở ngại nên giá giảm, sức tiêu thụ chậm, từ đó ảnh hưởng giá cá nguyên liệu trong nước giảm theo.

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết thêm, hiện nay chỉ khoảng 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, giảm 30% số lượng so năm 2011. Trong số này, chỉ chừng 20% doanh nghiệp duy trì được xuất khẩu ổn định, các doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng.

Huỳnh Phước Lợi

(SGGP)

Bình luận (0)