Có một thầy giáo người dân tộc Pakoh trên rẻo Trường Sơn đã bỏ 20 năm biên soạn lại bộ chữ của đồng bào mình, để đồng bào có thể sử dụng một cách đơn giản hơn. Một việc làm đầy ý nghĩa, khi dân tộc Pakoh sắp được công nhận là người anh em thứ 55 trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Thầy Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ – người sáng tạo bộ chữ Pakoh đầu tiên
|
Ăn cơm nhà, “vác”… chữ cho đồng bào
Đó là thầy giáo Prung Xuy (hay Trần Văn Xuy) sinh năm 1948 tại thôn PiDuh, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế). Thuở còn đi học, sáng lên lớp nói tiếng Kinh, chiều về nhà lại nói tiếng Pakoh, thầy băn khoăn vì sao người Pakoh không nói, không viết bằng chính thứ tiếng của mình. Cho dù từ lâu, bộ chữ viết của dân tộc Pakôh – Tà Ôi do thầy giáo Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ (hiện đang sống tại thành phố Huế) “sáng chế” không còn xa lạ gì với đồng bào trên rẻo Trường Sơn. Nhưng bộ chữ ấy đã dần mai một, nên khó dùng để giảng dạy. Đến khi dạy học sinh tiểu học, thầy Prung Xuy phát hiện, người dân tộc mình nói tiếng Kinh được nhưng lại hay thiếu dấu. Khi được bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường tiểu học Hồng Quảng vào năm 1969 cũng là lúc thầy bắt đầu nghiên cứu “con chữ” của dân tộc mình.
Quá trình tìm chữ nghĩa, gốc gác dân tộc của thầy gặp muôn vàn khó khăn. Thầy phải gặp từng người để hỏi về từ ngữ của đồng bào mình, sau đó so sánh đối chiếu để chuyển nghĩa và phiên âm. Thầy bỏ công đi “nhặt” từng chữ, gặp các già làng để “lượm” những từ có nguy cơ thất truyền. Ngày nào thầy cũng băng cả chục cây số đường rừng vào tận những bản làng xa xôi để ghi chép vốn từ.
Thầy Prung Xuy, người khôi phục và truyền chữ Pakoh cho đồng bào mình
|
“Vợ con thấy mình “hăng” quá sợ mình bị con ma nhập. Mình thì nghĩ mình làm việc ni Yàng (trời) còn phải ủng hộ nữa là … ma”, thầy dí dỏm. Có nhiều lần trong nhà không còn củ sắn hay bắp ngô mà ăn, không có tiền để đi về những vùng xa xôi của Hướng Hoá (Quảng Trị), thầy định bỏ dở. “Nhưng nghĩ lại tui thấy có lỗi với đồng bào nên lại cố gắng đi tiếp”.
Sau khi gom góp được khoảng hơn 2.000 từ, thầy bắt đầu so sánh chữ Pakoh với chữ người Cơ Tu, chữ Tà Ôi và chữ Việt và tìm hiểu ngữ pháp. Hơn 13 năm xây dựng bộ chữ, đến năm 2002 thầy đã biên soạn nên hai cuốn giáo trình với tựa đề: “Hướng dẫn dạy và kết hợp tiếng Việt và tiếng dân tộc thiểu số”. Bộ giáo trình được chia làm hai lớp do Nhà xuất bản Thuận Hoá (Huế) in, sau đó được Viện ngôn ngữ học chỉnh lý và chuẩn hoá. Tự tin với thành quả của mình, thầy đã mang bộ chữ đi truyền thụ khắp bản làng. Rất nhiều cán bộ các đồn biên phòng, công an đóng trên địa bàn huyện cũng đã học thầy. Giáo trình của Prung Xuy được nhiều người nghiên cứu ngôn ngữ biết đến.
Sáng tạo bộ chữ bản sắc
Thầy Xuy cho biết, bộ chữ của các dân tộc anh em có từ thời chống Mỹ, do cán bộ dưới xuôi soạn ra theo lời nói của người bản địa, viết theo tiếng Việt. Chính thầy Xuy là người kế thừa thành quả mà bộ chữ của thầy Ku Nô (Hồ Ngọc Mỹ) – gần như bị thất truyền. Thầy Xuy đã cất công tái dựng lại từng con chữ cho gần gũi hơn với đồng bào mình. Bộ chữ mang nét đặc sắc truyền thống của người Pakoh mà theo lời thầy thì: “Mỗi đồng bào đều có thể bắt gặp mình trong đó”. Lật cuốn sách ra, độc giả sẽ thấy một công trình khoa học hết sức quy củ. Mỗi cuốn lại chia làm 3 phần gồm 9 bài, bắt đầu là phần Hướng dẫn chung, Hướng dẫn cụ thể và cuối cùng là Bảng đối chiếu so sánh tiếng Việt- Pakoh- Tà Ôi – Cơ Tu. Trong mỗi bài giảng thầy lại chia ra các phần từ vựng về hiện tượng tự nhiên, con số, văn hóa, các quan hệ gia đình – vật nuôi và bộ phận cơ thể người. Còn có phần quan trọng là cách đặt câu hỏi và ngữ pháp, những loại: động từ, tính từ, đại từ…
Bộ giáo trình và tài liệu dạy chữ Pakoh do thầy Prung Xuy tham gia biên soạn
|
Theo thầy Xuy thì ai cũng có thể học tiếng của người Pakoh, tuy nhiên ai cũng “rên” khó trong phần phát âm – tập đọc cũng như cách viết. “Rứa đó nhưng sau 6 tháng học tập thì nhiều học trò của tui còn nói tốt hơn tui”, thầy phấn chấn.
Thầy còn nói thêm rằng trên nhiều tạp chí, bài báo có ghi dân tộc Pa Cô, Pa Kô, Pa-Kô… là chưa đúng với “bản chất” của nó và thầy mong sẽ được sửa lại thành Pakoh hoặc Pakôh. (Pakoh trong bài viết được viết theo cách viết của thầy Prung Xuy).
Hiện đề án nghiên cứu để công nhận dân tộc Pakoh thành dân tộc thứ 55 của nước Việt Nam đang được triển khai. Và bộ chữ do thầy Xuy biên soạn, được Viện ngôn ngữ chỉnh lý sẽ là một cơ sở khoa học hết sức xác thực.
Người giữ lửa
Tuy đã được nghỉ hưu từ năm 2006 nhưng hiện nay thầy Prung Xuy vẫn chưa cho phép mình ngơi nghỉ. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp “truyền chữ” cho anh em cán bộ địa phương, thầy vẫn tìm về từng hộ dân xa xôi, đưa bảng điều tra xã hội học của Viện ngôn ngữ nhằm hoàn thiện bộ chữ.
Trên cơ sở cuốn giáo trình “Học chữ Pakôh – Taôih” của thầy Ku Nô, các giáo trình của thầy Prung Xuy đã cải biên phù hợp hơn với thực tế tiếp thu của đồng bào miền núi A Lưới. Hiện ở A Lưới bộ chữ của thầy Prung Xuy đang được phổ biến rộng rãi và đang trở thành một bộ sách dạy tiếng chính thống.
|
Ở xã biên giới Hồng Quảng này, ngày ngày nhiều người dân vẫn thấy một ông già cẩn thận ghi chép từng chữ. Dù tuổi cao sức yếu, thầy Prung Xuy vẫn mong đóng góp, để ngôn ngữ của người Pakoh không bị thất truyền và cũng để Việt Nam thêm đa dạng bản sắc.
Chia tay thầy, chúng tôi mượn thầy cuốn tài liệu dạy chữ Pakoh để về TP Huế, tìm đến căn nhà số 22, đường Võ Liêm Sơn để gặp thầy Ku Nô – Hồ Ngọc Mỹ.
Cầm trên tay cuốn tài liệu của thầy Prung Xuy, thầy Ku Nô hết sức mừng rỡ: “Nhờ có bộ chữ này mà các dân tộc thiểu số ở A Lưới đoàn kết đánh giặc. Nhưng qua thời gian, bộ chữ đã mai một dần. Tôi thực sự vui mừng vì thầy Xuy đã kế thừa, phát huy bộ chữ của tôi sáng tạo”. Nếu thầy Ku Nô là người “đẻ” chữ thì bây giờ thầy Prung Xuy là người “giữ lửa” và truyền chữ cho đồng bào mình.
Hoàng Sơn (TPO)
Bình luận (0)