Hình ảnh chị Lan với giỏ sơ-ri bên góc ngã tư đã trở nên quen thuộc với nhiều người |
3 năm nay, hình ảnh chị Trần Thị Lan đứng bán sơ-ri ngay góc đường Pasteur – Lý Tự Trọng (quận 1) đã không còn xa lạ đối với nhiều người. Thế nhưng, ít ai biết rằng đằng sau hình dáng ấy là tấm lòng của một người mẹ đang từng ngày nuôi dưỡng giấc mơ cho con. 7 năm trước, ngày mà con trai chị rời miền quê Phù Cát, Bình Định vào TP.HCM học tập cũng là ngày chị lặng lẽ khăn gói đi theo…
“Nam tiến” cùng con
Ngày ấy, niềm vui khi con trai Võ Đại Tùng (SN 1984) đậu vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM còn chưa kịp dứt thì chị Lan đã phải suy tư với bài toán kinh tế: làm sao để có thể nuôi con ăn học khi mỗi ngày, thu nhập từ công việc dệt chiếu của gia đình vốn đã không đủ chi tiêu? Hoàn cảnh khó khăn, nhiều lần chị muốn khuyên con chọn một hướng đi khác, nhưng khi thấy Tùng phấn khởi với kết quả đạt được, người mẹ ấy không nỡ chặt đứt niềm vui của con. Sau bao đêm trằn trọc, người phụ nữ này quyết tâm “Nam tiến”, dù trong lòng vẫn còn nhiều bất an không biết sẽ làm gì để sống và có thể giúp con nuôi dưỡng giấc mơ của mình.
Vào Sài Gòn, ban đầu chị Lan bán trái cây dạo qua khắp các con đường, ngõ hẻm. Chị nhớ lại: “Hồi ấy, cứ nghĩ làm sao phải có tiền để đóng học cho con nên nhiều bữa… tôi không dám ăn cơm, chỉ uống nước lã”. Ròng rã mấy năm trời vất vả – ban ngày quảy gánh đi bán, đêm về ngủ trong căn phòng tập thể giá 11.000 đồng/ người/ đêm quanh khu vực chợ Cầu Muối (quận 1), song với chị Lan, bài toán kinh tế cho con đã giải được phần nào.
Năm 2007, sau khi hoàn tất khóa học ngành điện tử hệ cao đẳng, Tùng ngần ngại xin mẹ học liên thông đại học. Cùng lúc này, người em gái của Tùng là Võ Thị Thoa (SN 1987) cũng đậu vào Khoa Kinh tế, Trường Đại học Quốc gia TP.HCM, quang gánh trên đôi vai chị Lan vì thế trở nên nặng trĩu, đôi chân vì thế cũng phải len lỏi xa hơn qua các ngõ đường trong thành phố…
Mong đến ngày về quê
Để tăng thêm thu nhập trang trải cho việc học của hai con, chị Lan thường tranh thủ dậy từ lúc 2 giờ sáng, đạp xe ra chợ Bình Tây tìm mua đủ loại trái cây về bán. Nhiều bận thấy trên quang gánh của mình, sơ-ri được đa số khách chọn mua so với các loại quả khác nên chị chuyển sang bán độc nhất loại trái cây này. Dù vậy, chị cho biết vẫn phải dậy thật sớm mới có thể “xí” được những giỏ sơ-ri mập bóng để làm hài lòng người mua. Chị khoe: “Thu nhập từ việc bán sơ-ri được hơn 100.000 đồng/ ngày, tằn tiện một chút cũng đủ đóng học phí cho cả hai con”.
Không phụ công lao của mẹ, hai người con của chị Lan luôn nỗ lực hết mình trong học tập. Bây giờ Tùng đã ra trường và đang làm cho Công ty VINEX ở Bình Dương, Thoa cũng đang là sinh viên năm cuối. Nói về mẹ, Tùng xúc động: “Vì ước mơ học tập của con cái mà mẹ chịu nhiều vất vả. Thương mẹ, tụi em chỉ biết âm thầm cố gắng học thật giỏi, mong đến ngày ra trường để mẹ không còn nhọc nhằn nữa”. Thấy mẹ sống cơ cực, tạm bợ và chật chội trong những căn phòng tập thể, nước mắt Tùng nhiều bận chảy ngược vào trong. Thế nhưng, có lẽ với người phụ nữ quê mùa này, sự thành công của các con đã làm ngắn lại những chuỗi ngày vất vả nơi xứ người. Chị Lan cho biết: “Giờ tôi ở Sài Gòn bán sơ-ri vài năm nữa thôi, thêm thằng út Thuận sắp vào đây học trung cấp, lo cho nó xong tôi về quê được rồi”.
Bài, ảnh: Ngân Du
Ở cái tuổi 50, ấn tượng về chị Lan là gương mặt hiền lành, chất phác và nụ cười giòn tan, đon đả mời khách luôn khiến khách hàng phải… chú ý, ghé mua. Với chị, bán sơ-ri không hẳn vì bài toán mưu sinh như nhiều người vẫn nghĩ, “Tôi chỉ đang góp phần nuôi dưỡng giấc mơ vào giảng đường của con. Chừng nào giấc mơ kia vẹn toàn, tôi sẽ lại về quê dệt chiếu. Tôi mong đến ngày ấy vô cùng!” – chị Lan chia sẻ. |
Bình luận (0)