Tỉ lệ gien loài người khác cực kỳ "đậm đặc" của người dân đảo quốc này đã được bảo tồn qua 50.000 năm cô lập di truyền.
Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên Nature Communications, các gien từ loài người cổ Denisovans đã giúp người dân Papua New Guinea có khả năng chống lại một số bệnh tật vượt trội và thích nghi với một số môi trường có thể khiến người bình thường ngạt thở.
Người dân Papua New Guinea thừa hưởng một số ưu thế về khả năng miễn dịch, thích ứng với độ cao nhờ gien của loài người cổ Denisovans. Ảnh: SHUTTERSTOCK
Papua New Guinea là một đảo quốc thuộc châu Đại Dương, nằm trên một hòn đảo ngoài khơi Thái Bình Dương.
“Người Papua New Guinea rất độc đáo vì họ đã bị cô lập kể từ khi định cư ở đây hơn 50.000 năm trước” – đồng tác giả François-Xavier Ricaut, nhà nhân chủng học sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), nói với Live Science.
TS Ricaut và các cộng sự đã phân tích bộ gien của 54 người dân từ Núi Wilhelm, sống ở độ cao 2.300 – 2.700 m trên mực nước biển và 74 người dân từ Đảo Daru sống ở độ cao dưới 100 m so với mực nước biển.
Họ phát hiện ra rằng những đột biến có lẽ được thừa hưởng từ người Denisovan đã thúc đẩy số lượng tế bào miễn dịch trong máu của người dân vùng đất thấp.
Ví dụ, các biến thể gen Denisovan có thể ảnh hưởng đến chức năng của một loại protein có tên GBP2 giúp cơ thể chống lại một số mầm bệnh hay gặp ở vùng đất thấp, ví dụ ký sinh trùng sốt rét.
Nhóm nghiên cứu cho biết, những gien này có thể đã được chọn lọc trong quá trình tiến hóa.
Điều này có giá trị đặc biệt lớn ở quốc đảo bị cô lập này, nơi bệnh truyền nhiễm gây ra tới 40% số ca tử vong trong cộng đồng.
Trong khi đó, người dân vùng cao đã tiến hóa các đột biến làm tăng số lượng tế bào hồng cầu, giúp giảm tình trạng thiếu oxy ở độ cao mà người bình thường chúng ta thường cảm thấy khó thở.
Thực tế, người dân ở nhiều quốc gia khác, nhất là ở các nước châu Á bao gồm chúng ta, cũng mang gien loài người cổ Denisovans trong cơ thể.
Tuy vậy, tỉ lệ gien khác loài này ở người Papua New Guinea cực cao, lên tới 5%. Đa số người ở các quốc gia khác chỉ mang gien Neanderthals hoặc Denisovans khoảng 2% hoặc thấp hơn.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy người Homo sapiens – tức loài chúng ta – đã di chuyển từ châu Phi đến vùng đảo này khoảng 50.000 năm trước. Đó có thể là thời điểm họ gặp gỡ và nảy sinh giao phối dị chủng với cộng đồng Denisovans tại đây, rồi bảo tồn dòng máu đó nhờ việc ít giao lưu với các cộng đồng khác trên thế giới.
Người Denisovans cũng như người Neanderthals là những loài người cổ gần với Homo sapiens nhất. Do vậy, các loài này có thể giao phối xen lẫn với nhau ở nhiều nơi trên khắp thế giới.
Cả hai loài tổ tiên dị chủng này đều đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước.
Theo Anh Thư/NLĐO
Bình luận (0)