Doanh nhân Lã Thị Lan cùng chồng trong ngày đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
|
Ngồi trước mặt tôi là một người phụ nữ có vẻ đẹp mặn mà và nụ cười rạng rỡ. Đã bao năm lập nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn mà chị vẫn giữ nguyên cho mình một giọng nói nhẹ nhàng đậm chất Bắc, nó đằm thắm như mảnh đất đầy ân tình ở một vùng quê nghèo Lý Nhân- tỉnh Hà Nam, nơi chôn rau cắt rốn của chị!
Dẫn tôi đi tham quan nơi sản xuất, lắp ráp xe gắn máy trong 1 khuôn viên sạch sẽ và khang trang rộng 24.000 m2 tọa lạc tại khu công nghiệp Cát Lái, quận 2- TP Hồ Chí Minh với 5 xưởng sản xuất liên hoàn (Xưởng ép nhựa, đúc áp lực, cơ khí gia công chính xác, sơn tĩnh điện, lắp ráp động cơ và lắp ráp xe thành phẩm)…. khi tôi còn chưa hết bất ngờ bởi cái sự bề thế của nó, chị còn tự hào giới thiệu với tôi những người công nhân lành nghề đang miệt mài ngồi bên những cỗ máy, những dây chuyền thiết bị hiện đại nhập từ các nước để cho ra lò những chiếc xe máy mang thương hiệu Việt. Người nữ doanh nhân giỏi giang có trong tay hơn 700 công nhân viên và trên 70 đại lý xe máy phân bố ở khắp các tỉnh thành trong cả nước ấy là chị LÃ THỊ LAN – Tổng Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Tiến Lộc – Người đã có công gây dựng xe máy mang thương hiệu Việt.
Sinh ra và lớn lên tại một làng quê có truyền thống kinh doanh, nhưng ước mơ tuổi thơ của chị năm nào lại là một kỹ sư cơ khí. Sau những tháng năm miệt mài trên ghế giảng đường Đại học, ra trường năm 1984, chị đầu quân về một Công ty du lịch Dịch vụ Dầu khí. Và chính tại môi trường công tác đầy lý tưởng này chị đã tích lũy được cho mình rất nhiều kiến thức về quản lý, kinh doanh… để rồi trong những bước đường kinh doanh tiếp sau của cuộc đời mình, nó là hành trang mà chị mang theo vô cùng quý giá.
Ngày đất nước mở cửa, chị chuyển về Công ty xuất nhập khẩu quận I, phụ trách một công ty kinh doanh. Chính vì công việc mà chị làm lại trực tiếp liên quan đến vấn đề lời- lỗ- thắng thua mà cái tố chất kinh doanh đậm đặc ngày nào được tích tụ trong chị dường như có dịp để bộc lộ hết. Đam mê đến nỗi, năm 1998, khi có Luật Doanh nghiệp ra đời, chị quyết định chuyển hẳn sang kinh doanh bằng việc thành lập một công ty riêng mang tên Tiến Phong, với chức năng ban đầu là làm đại lý cho một số hãng xe máy như Honda, Kawasaki… Một năm sau, Công ty TNHH Tiến Lộc ra đời và cũng khoảng bằng ấy thời gian nữa thì nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy đầu tiên của chị tại Thủ Đức cũng đi vào hoạt động. Năm 2002, thực hiện chính sách nội địa hóa sản phẩm, chị xây dựng nhà máy mới tại Cát Lái, quận 2. Nhà máy của chị giải quyết việc làm cho 700 lao động. Và sản phẩm đầu tiên mà chị trình làng là dòng xe có tên gọi Fashion- Xe máy mang thương hiệu Việt. Thời gian đầu, tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe này là 50% nhưng đến nay đã đạt tới 90%. Và Fashion cũng chính là niềm tự hào của chị.
Nắm bắt được yêu cầu của thị trường, tháng 6/2004, Tiến Lộc đã cho ra đời dòng xe tay ga mang nhãn hiệu Sapphire – Là sản phẩm được phân phối độc quyền của hãng Suzuki tại Việt Nam do nhà máy Đại Trường Giang Trung Quốc sản xuất, Đại Trường Giang là nhà máy uy tín nhất của hãng Suzuki tại Trung Quốc hiện nay. Nhờ chất lượng ổn định, sản phẩm đẹp không thua gì với những hãng xe danh tiếng, đến nay dòng xe này đã là một cái tên quen thuộc với người tiêu dùng trên khắp mọi miền của đất nước. Xe tay ga Sapphire với động cơ kiểu A06 thế hệ mới nhất, công suất cao nhất đạt 6,7Kw, với động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải Erro II; Đặc biệt là đồng hồ có hiển thị thời gian và cảm ứng báo hiệu khi có điện thoại gọi đến, là tính năng mà các dòng xe tay ga khác không thể có được. Một đặc tính nổi bật gắn liền với lợi ích của người tiêu dùng mà dòng xe tay ga Sapphire đi tiên phong quan tâm đến là việc tiết kiệm nhiên liệu, chỉ 2,3 lít xăng/100 km.
Và mới đây là một sản phẩm của Tiến Lộc – Xe máy BELLA- Nhãn hiệu dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp cổ điển, nhẹ nhàng yểu điệu. Và ngay từ khi xuất hiện, Bella đã thực sự là một cơn sốt chinh phục thị trường… Đến nay, các dòng sản phẩm xe gắn máy Sapphire và Bella luôn được đánh giá rất cao trên thị trường, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền sáng chế và đã nhận được rất nhiều bằng khen, Cúp thương hiệu về sản phẩm.
Doanh nhân Lã Thị Lan đón nhận danh hiệu
“Doanh nhận Việt Nam tiêu biểu 2007” do VCCI trao tặng.
|
Khó ai có thể tưởng tượng nổi người đàn bà ấy phải gánh vác nhiều trọng trách đến thế. Cùng lúc, chị tham gia lãnh đạo, điều hành nhiều DN, nhưng với tâm huyết và niềm đam mê của mình, chị vẫn luôn làm tròn trách nhiệm, vai trò của một người đứng đầu… Mỗi DN mà chị tham gia có đặc điểm và bản sắc riêng, nhưng với tài thao lược và khả năng kinh doanh sắc bén, chị đã kết nối được sức mạnh tạo nên dáng vóc của một tập đoàn. Các DN của chị chủ yếu hoạt động trên các lĩnh vực: Sản xuất công nghiệp, Khai thác, chế biến khoáng sản, Xây dựng cảng biển, Trường đào tạo nghề, Kinh doanh hạ tầng khu dân cư, khu công nghiệp, Đầu tư tài chính, Đầu tư kinh doanh du lịch khách sạn, căn hộ, văn phòng.
Chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng Nhà nước sẽ có chính sách ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trong nước, sẽ hiểu được khát khao của chúng tôi: Muốn làm và sở hữu một thương hiệu mang tầm cỡ khu vực”.
|
… Và mới đây, chị lại được anh em tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí Điện TP Hồ Chí Minh. Trách nhiệm nặng trĩu hai vai nhưng thật khó bắt gặp trên gương mặt chị nét ưu tư trăn trở, thay vào đó là một nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt rạng rỡ. Chị chia sẻ: Mình bận rộn quen rồi, nếu chẳng may mà nhàn rỗi thì đó lại chính là bi kịch…
Đã có những lúc công ty của chị cũng gặp không ít những khó khăn trước cơn sốt cạnh tranh của các hãng xe có uy tín trên thị trường. Nhưng đã quyết tâm là phải làm, là không thể nào bỏ cuộc. Chị bảo: “Dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào cũng phải chèo chống…Trước mắt chỉ có con đường đi lên và tự khẳng định mình. Với tôi cạnh tranh cũng chính là động lực để phát triển. Chúng tôi vẫn tin tưởng chắc chắn rằng Nhà nước sẽ có chính sách ủng hộ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trong nước, sẽ hiểu được khát khao của chúng tôi: Muốn làm và sở hữu một thương hiệu mang tầm cỡ khu vực”.
Người nữ doanh nhân thành đạt trên thương trường với thật nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng; Danh hiệu Bông Hồng Vàng; hai năm liền đạt danh hiệu “Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu”; Danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2007” do VCCI trao tặng… ẩn sau cái vẻ bề ngoài – một tính cách quyết đoán trong công việc- lại là tâm hồn của một người phụ nữ vô cùng nhân hậu.
Nhiều năm qua, cùng với việc đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Tiến Lộc đã đặc biệt quan tâm đến những hoạt động vì cộng đồng. Trong năm 2007, Tiến Lộc đã dành 1,5 tỷ đồng để làm từ thiện. Tinh thần vì cộng đồng đã lan tỏa từ ban lãnh đạo đến toàn thể nhân viên, tạo nên nét đặc thù trong văn hóa doanh nghiệp của Tiến Lộc. Chị Lan thường nói: Tôi chưa bao giờ ép mình một ngày phải kiếm được bao nhiêu tiền vì xét cho cùng, tiền bạc cũng chỉ là phương tiện để mỗi người đạt được mục tiêu do chính mình đặt ra. Với tôi, cái tình giữa con người với con người vẫn là điều quan trọng nhất…
Còn nhớ tháng 10 năm 2007- lần đầu tiên tôi gặp chị trên đất Tổ – ngày chị cùng đoàn Doanh nhân tiêu biểu toàn quốc lên dâng hương tưởng nhớ các vua Hùng. Và khi vừa xong việc dâng hương, chị lại cùng các cộng sự trong Công ty của mình vội vàng triển khai kế hoạch tặng quà cho 50 hộ gia đình nghèo thuộc phường Gia Cẩm, TP Việt Trì- Phú Thọ…Cả một ngày dài tất bật đi làm từ thiện, chia tay thành phố Việt Trì trở về Hà Nội để kịp tham dự chương trình trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu, nhìn nét mặt chị đã thấm mệt nhưng tôi biết tâm hồn chị thật thanh thản. Tôi đọc được trong mắt chị đầy niềm vui khi nghe chị chia sẻ triết lý sống của mình: Càng thành công thì trách nhiệm với gia đình, với xã hội càng lớn.
“Đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông luôn có bóng dáng của một người phụ nữ, nhưng với chị thì hình như là ngược lại?”- Tôi hỏi, và chị- Người phụ nữ thành đạt trên thương trường cũng không ngần ngại mà chia sẻ cái cảm giác hạnh phúc của mình: Người cố vấn dễ thương và cũng là người đã đồng hành cùng tôi, là điểm tựa vững chắc cho tôi suốt từ những ngày đầu khởi nghiệp đầy bỡ ngỡ ấy cho đến tận bây giờ là “ông xã”. Anh vốn là bộ đội phục viên, rất giỏi nghề cơ khí. Và ở công ty bây giờ, anh vẫn là người giúp tôi đắc lực về mảng kỹ thuật và công nghệ. 46 tuổi, chị tự nhận mình là một người phụ nữ may mắn khi vừa có công việc đi liền với sự nghiệp vững vàng, vừa có một mái ấm đúng nghĩa để dừng chân mỗi khi mỏi mệt (với một người chồng hiểu và yêu thương mình, cùng với hai đứa con ngoan, học giỏi, biết sống tự lập), chị vẫn luôn ý thức rất rõ vai trò làm vợ, làm mẹ của mình. Chị quan niệm: Tiền tài, địa vị, danh vọng có đó rồi cũng mất đó, chính vì vậy mà cái quý giá nhất vẫn là sự bình yên, vững vàng của một gia đình.
Thu Hiền (dddn)
Tin liên quan
Ngày 22-11, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM và Vietnam Brand Purpose đã tổ chức diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững”....
Sáng 21-11, Triển lãm quốc tế máy móc, thiết bị, công nghệ và sản phẩm công nghiệp – Vinamac Expo 2024 đã...
Từ bao đời nay, nghề dạy học luôn được xã hội kính trọng, bởi lẽ, các thầy cô không chỉ truyền đạt...
Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế - Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế...
Bình luận (0)