“Công việc tạc tượng đá thường dành cho cánh đàn ông sức vóc khỏe mạnh. Phụ nữ làm nghề này vất vả lắm, nhưng tôi thích ngắm những bức tượng do chính tay mình tạo ra”, chị Lê Thị Hòa Bình, trú phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) nói.
Chị Lê Thị Hòa Bình – nữ nghệ nhân duy nhất của làng đá mỹ nghệ Non Nước tạc tượng
Chọn nghề khó nhọc
Xưởng đá của gia đình chị Bình nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở khu làng đá Non Nước. Thật khó hình dung bằng đôi tay người thợ chính là một người phụ nữ lại có thể tạo ra hàng ngàn bức tượng đá đủ kích cỡ, hình dáng trong vòng hơn 20 năm qua.
Thấy chúng tôi đến, chị Bình dừng công việc, bỏ đồ bảo hộ và đon đả mời khách vào nhà. Câu chuyện chọn nghề tạc tượng đá được chị kể lại bằng chất giọng đặc trưng của xứ Quảng. Chị từng là thợ may, nhưng mê tượng đá. Ngày về nhà chồng, gia đình có xưởng tạc tượng càng thôi thúc chị quyết tâm theo nghề. “Ban đầu tôi nói ý định làm thợ đá với chồng, ảnh lắc đầu bảo việc nặng không dành cho phụ nữ. Nói vậy nhưng tui lỡ mê rồi, tui năn nỉ bố chồng chỉ cho các bước làm đơn giản ban đầu. Tui làm theo rồi dần dà thuyết phục chồng chỉ bảo thêm. Tui hoàn thiện dần các khâu để làm ra một bức tượng từ tảng đá thô”.
Mỗi lúc gặp khó khăn, chị Bình đứng hàng giờ ngắm nhìn những bức tượng và tự nhủ, mình phải biến những tảng đá thô này thành các bức tượng với họa tiết có hồn. Đá không cứng, đá mềm mại và hấp dẫn nếu mình biết tác lên đó những đường nét tinh xảo. Những ngày đầu chập chững học việc, chị liên tục bị máy, đục va quệt xây xước tay chân. “Đó là chưa kể, tượng tôi làm ra bị khách chê xấu trả lại hoặc trả giá bèo. Nhưng mê quá, tui quyết không bỏ cuộc. Hỏng cái này mình làm lại cái khác để hoàn thiện tay nghề. Nhiều lúc thợ nghỉ ăn cơm trưa, ăn cơm tối, còn tui vẫn cặm cụi ở xưởng để nghiên cứu, đục đẽo…”, chị Bình nhớ lại.
Theo chị Bình, người thợ đá phải thường xuyên suy nghĩ và sáng tạo
Cần mẫn và đam mê, chị Bình dần dần lành nghề, chạm được những bức tượng đẹp. Các đơn đặt hàng bắt đầu nhiều lên mỗi ngày. Chị trở thành thợ chính. Anh Lê Văn Thắng – chồng chị Bình thừa nhận: “Tôi sợ bà ấy vất vả nên ngăn cản nhiều lần vì nghề đá không dành cho phái yếu. Nhưng bà ấy cứ nhất quyết theo nghề cho bằng được. Ban đầu tui sợ bà vất vả nên không định bày, sau thấy bà ấy có năng khiếu, học và nắm bắt phương pháp tạc tượng nhanh nên chỉ thêm. Với lại, làm cùng xưởng, hễ việc gì thấy quá nặng nhọc thì mình cũng san sẻ bớt được. Mình để bà ấy làm, có gì mình sẵn sàng hỗ trợ khi cần”.
Tay thợ nữ duy nhất của làng nghề
Làng đá Non Nước có rất nhiều phụ nữ làm đá nhưng họ chủ yếu đánh bóng, làm các vật dụng đơn giản như: cối, chày hoặc làm các đồ trang sức đơn giản. Chỉ duy chị Bình là tay đục, tay búa trực tiếp đẽo tượng. Chị làm bất cứ loại tượng nào theo nhu cầu của khách. Chị có thể làm được bức tượng cao tới 5-6m. “Để làm được bức tượng đẹp thì đòi hỏi người thợ phải dựng được hình chuẩn, đường nét sắc sảo, mềm mại. Người thợ phải cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nhát đục, nhát búa. Khó nhất là công đoạn làm mặt tượng. Người thợ phải miêu tả làm sao để tượng có hồn, sống động. Có nhiều bức tượng mình phải mất tới cả tháng trời mới làm vừa ý”, chị Bình nói.
Cũng theo chị Bình, người thợ đá phải thường xuyên suy nghĩ và sáng tạo. Phải bắt được cái “hồn”, cái “thần” của bức tượng muốn chuyển tải. Còn làm tượng mà chỉ theo mẫu thì chỉ là một tay thợ đục đá, không hơn.
Cách đây vài năm, có lần hai vợ chồng người Việt kiều Mỹ ghé tham quan làng đá. Họ tò mò và rất thích ngồi ngắm chị Bình tạc tượng. Chưa hết, họ còn xin chị Bình ở lại trong nhà suốt nửa tháng để xem chị tạc tượng. “Hồi đó họ đặt tôi 2 bức tượng, một bức Phật Quán Thế Âm Bồ tát và một bức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Mỗi bức cao hơn 2m. Khi hoàn thành họ còn yêu cầu tôi khắc tên mình vào dưới tượng để làm kỷ niệm. Thực sự tôi rất vui, lần đầu tiên lại có những vị khách bỏ thời gian hàng tuần chỉ để xem tôi tạc tượng đá. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục với nghề mình đã chọn”, chị Bình bộc bạch.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước (TP.Đà Nẵng) ra đời từ thế kỷ 17. Khi các bậc tiền nhân từ Thanh Hóa trên đường mở đất lập nghiệp mang theo nghề đá cổ truyền đến Đà Nẵng. Thuở khai sơn phá thạch, nghề đá còn là nghề phụ, bên cạnh nghề nông. Về sau, nghề phát triển trở thành nghề chính. Các mẫu mã hình tượng theo đó cũng đa dạng hơn xưa. Người Non Nước vẫn nhắc về những bậc tiền nhân tạo nên tên tuổi làng nghề cho đến hôm nay. |
Chị Bình sinh năm 1976, quê ở Quảng Nam. Tuổi lập gia đình, chị theo chồng về làng đá Non Nước. Đến nay chị có thâm niên 22 năm tròn theo nghề chạm khắc tượng đá, chị Bình nói: “Nếu được trở lại thời điểm cách đây hơn hai chục năm, tôi vẫn quyết tâm theo nghề. Nghề đá đúng là rất vất vả, những giọt mồ hôi vừa nhỏ xuống đã thấm khô vào đá. Đôi bàn tay phụ nữ yếu mềm trở nên chai sạn. Nhưng chỉ cần sự kiên trì, tình yêu và một chút năng khiếu là có thể làm được”.
Nắng tháng 8 ở dọc dải đất ven biển bãi ngang miền Trung chói gắt. Trong xưởng đá, chị Bình vẫn miệt mài với những bức tượng của mình. Thi thoảng, chị dừng lại ngắm từng đường nét rồi kéo máy rà lên những chỗ chưa vừa ý. Từng giọt mồ hôi vừa chạm mặt đá đã khô. Chị Bình bảo: “Tôi không sinh ra ở làng đá nhưng tự hào vì được làm một công dân làng đá mỹ nghệ này. Có rất nhiều cách để thể hiện tình yêu quê xứ, nơi mình sinh sống. Tôi chọn cách truyền tải tình yêu ấy qua những bức tượng – nghề truyền thống bao đời của người dân Non Nước để nói lên tình yêu của mình, để gửi tình yêu và niềm tự hào ấy đi muôn phương, thông qua các bức tượng tự tay mình chế tác”.
Thiên Phúc
Bình luận (0)