Giường của “người rừng” trong hang đá. |
Dù người dân trong làng đã nhiều lần vào hang tìm cách thuyết phục gã về làng sinh sống nhưng gã vẫn cự tuyệt…
“Người rừng” có tên đầy đủ là Bùi Văn Toán, sinh năm 1958, ở xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Hơn 30 năm về trước, do đổ vỡ trong hôn nhân, chán đời, gã bỏ làng vào rừng trú ẩn. Sau đó, một người dân trong làng tình cờ đi bẫy thú trên ngọn núi Lắm vô tình phát hiện ra gã đang sống trong một hang đá với hình dạng không một mảnh vải che thân.
Chán gia đình: Bỏ làng vào rừng!
Trong số những người dân đang sinh sống ở xã Tiền Phong thì Bùi Văn Tiệp ở xóm Phiếu là người đã từng có nhiều dịp tiếp xúc với “người rừng”. Cách đây năm năm khi người trong xóm xôn xao về thông tin có một gã “người rừng”, hình dáng cổ quái, leo trèo như sóc sống trong hang đá trên núi Lắm, Tiệp đã cùng một số người dân trong làng không quản ngại đường xa, nguy hiểm lặn lội vào hang xác minh sự thật.
Tiệp kể: “Khi mọi người vào hang, “người rừng” lập tức lủi sâu vào trong trốn. Phải thuyết phục rất lâu gã mới chịu rời chỗ nấp ra gặp mọi người. Sau một hồi gặp gỡ, trò chuyện, chúng tôi mới biết rằng “người rừng” chính là anh Bùi Văn Toán đã mất tích khỏi làng hơn 25 năm về trước. Gã bỏ làng vào rừng cũng chỉ vì một lý do chẳng giống ai: “bị vợ phản bội”. Chẳng là sau khi kết thúc chiến tranh, gã Toán rời đơn vị về quê sum họp gia đình. Ai ngờ, về đến nhà gã nhận được tin vợ con mình đã theo đàn ông khác. Quá đau khổ, gã đóng cửa nằm lỳ trong nhà suốt cả tuần rồi rời làng vào hang núi Lắm ở ẩn”.
Ông Bùi Văn Chức – Trưởng xóm Phiếu, vốn là bạn của “người rừng” khi trao đổi với chúng tôi cũng xác nhận người sống trong hang núi Lắm chính là Bùi Văn Toán. Ông Chức cho biết đã nhiều lần vào hang thuyết phục “người rừng” về làng sinh sống nhưng đều bị từ chối với lý do sống ở đây quen rồi nên chẳng có gì phải sợ sệt. Vì thế, mọi người cũng chỉ còn biết cách thỉnh thoảng mang vào hang cho gã vài bộ quần áo và một ít gạo, muối.
30 mùa giá rét không một mảnh chăn
Biết chúng tôi muốn vào hang gặp “người rừng”, Tiệp không ngần ngại làm người dẫn đường. Để vào được nơi “người rừng” trú ngụ, chúng tôi phải vượt hơn năm km đường rừng và mất khá nhiều thời gian mới trèo lên được đến hang.
Cái hang, “nhà” của “người rừng”, thực chất là một hốc đá nhỏ, sâu độ 4 m, rộng 2 m. Gia sản của gã chẳng có gì đáng giá ngoài hai tấm phản và mấy bộ quần áo cáu bẩn. “Người rừng” hiện ra trước mặt chúng tôi với thân hình gầy guộc, nước da đen sạm nhuộm màu nắng gió. Thấy có người vào chơi, lại vác đồ đạc lỉnh kỉnh, máy ảnh lạ mắt khiến gã cứ nhảy lên như con choi choi. Mọi thứ mặc trên người chúng tôi đều khiến gã ngạc nhiên. Gã sờ mó quần áo, nắm tay, nắm chân từng người một. Khi chúng tôi chụp ảnh, ánh đèn flash lóe sáng khiến gã hốt hoảng chạy tót vào trong hang. Phải vất vả lắm anh bạn dẫn đường mới gọi được gã ra ngoài để trò chuyện.
Đồ ăn của gã Toán ở rừng không có gạo mà chủ yếu là rau, thú rừng và thịt chuột. |
Trong câu chuyện với “người rừng”, chúng tôi hoàn toàn kinh ngạc bởi sức chịu đựng dẻo dai của gã trước sự khắc nghiệt của thời tiết núi rừng. Tính đến nay, gã Toán đã “an cư” ở khu đồi Lắm này gần 30 năm. Nắng nóng 40 độ C rồi lạnh âm 5 độ C nhưng gã vẫn “bình yên vô sự”.
Tiệp kể: “Mùa đông năm ngoái, khi thấy trời rét đậm, nhiệt độ xuống thấp, nhiều người trong làng bấm bụng phen này “người rừng” khó lòng chịu được, thế nào cũng mò về làng lánh nạn. Vậy mà hết mùa đông, chẳng thấy gã mò về. Nhiều người lo xa nghĩ gã đã chết. Đến khi vào hang thấy gã vẫn khỏe như vâm. Hỏi ra mới biết bí quyết để gã qua được đợt giá rét là luyện võ trong hang, đốt thật nhiều lửa sưởi ấm và cố gắng luôn no bụng. Đồ ăn của gã ở rừng không có gạo mà chủ yếu là rau, thú rừng và thịt chuột”.
Cuộc chiến sinh tử với hổ, báo
Gã Toán kể: “Hồi mới vào rừng, khu vực núi Lắm có nhiều thú quý hiếm, trong đó có cả những loài nguy hiểm như hổ, báo. Nhiều lần gã tưởng đã cầm chắc cái chết nhưng may rủi thế nào gã vẫn cứ thoát nạn. Sau đó, gã đã nghĩ ra cách đối phó các loài thú hung dữ bằng cách làm dụng cụ bắt hổ với lưới, bẫy, cũi”.
Không có sẵn dụng cụ, gã tìm được cây sót để đan lưới từ vỏ của thân cây này. Gã chặt cây sót, bóc lấy lớp vỏ dài, tròn. Vỏ được xử lý bằng cách lấy khúc gỗ khác đập dập, rồi ngâm trong nước vài ngày để cho bột gỗ rã ra, chỉ còn trơ lại sợi. Sợi được xe bện chắc lại thành dây to bằng ngón tay cái. Lưới được đan bằng các dây bện đó.
Trong suốt năm năm ròng gã đã chiến đấu với không dưới 10 con hổ. Thế nhưng mỗi lần bắt được chúng, gã không giết mà gỡ lưới từ từ cho chúng đi, còn mình thì đi nơi khác. Báo hại cũng vì thả hổ mà có lần gã suýt phải bỏ mạng, đó là khi gã bẫy được và thả một con hổ to chừng 200 kg. Do hổ quá khỏe, đã phá được lưới lao ra, may mà gã trèo được lên cây, còn con hổ thì bị một dây lưới cột lại nên không truy đuổi được. “Tôi quý hổ lắm nên không nỡ giết nhưng chẳng hiểu sao dạo gần đây chẳng thấy xuất hiện nữa. Có lẽ nó đã bị săn bắt hết cả rồi” – gã Toán nói.
Chúng tôi hỏi gã Toán sao không rời hang về làng sinh sống thì gã nói rằng đã quen với cuộc sống nơi đây nên sẽ suốt đời ở lại đây. Gã chỉ mong muốn thỉnh thoảng có người mang rượu lên cho gã để uống cho ấm trong những ngày mùa đông giá rét…
Theo phapluattp.vn
Bình luận (0)