Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Người Sài Gòn chuộng đạp xe

Tạp Chí Giáo Dục

“Mua xe đạp đi!”, “Đúng đó, tụi này mua hết rồi”, “Mua đi để đạp chung cho vui”. Đó là mẩu đối thoại của nhóm 4 người bạn tại một quán cà phê ở Q.3 (TP.HCM). Họ đang rủ nhau lập hội xe đạp.

Đạp xe vừa khỏe, vừa… ngầu!

Để lời rủ thêm phần hấp dẫn, chàng trai vừa khơi chuyện tiếp lời: “Trời đẹp thế này mà có chiếc xe đạp lượn lờ thì tuyệt vời. Chẳng cần lên Đà Lạt thuê xe đạp đôi”. Nhóm bạn này trạc gần 30 tuổi. Nghe lỏm câu chuyện, hóa ra họ vừa đón một thành viên trong nhóm trở về sau 4 tháng “kẹt dịch” tại Hà Nội. Đây cũng chính là đối tượng đang được rủ rê tham gia hội xe đạp.

Quả thật, từ sau đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4, phong trào đạp xe đang ngày càng lan rộng tại TP.HCM. Trên khắp các tuyến đường, không khó để bắt gặp những nhóm, hội nối đuôi nhau trên những chiếc xe đạp địa hình. Từ những người lớn tuổi, tới thanh niên, thậm chí là các em nhỏ cũng hào hứng đi xe đạp cùng ba mẹ. Khảo sát tại một số tiệm thuê xe đạp trên đường Trường Sa (Q.3), nhu cầu thuê xe đạp sau dịch tăng gấp 2 – 3 lần so với trước đây. Nếu như giai đoạn trước, đối tượng thuê xe chủ yếu là du khách nước ngoài hoặc các bạn trẻ thì giờ đây chủ yếu là người dân TP, đối tượng trung niên thuê xe tăng rất nhiều.

Mới đây, hệ thống xe đạp công cộng cũng đã chính thức được triển khai chạy thử nghiệm tại khu vực trung tâm TP.HCM. Trạm đầu tiên được kích hoạt nằm trên vỉa hè đường Lê Lợi (Q.1). Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư dự án), cho biết ngay trong ngày đầu tiên thử nghiệm miễn phí, rất nhiều người dân TP đã hào hứng tham gia chạy thử. Trong đó, có những người đã chạy vòng quanh khu vực trung tâm tới gần 10 km. Tính tổng 3 ngày, hệ thống ghi nhận tới gần 1.000 tài khoản đăng ký mới với 320 người thuê. Chuyến đi dài nhất kéo dài tới 15,2 km.

Người Sài Gòn chuộng đạp xe - ảnh 1

Người dân TP.HCM hào hứng trải nghiệm xe đạp công cộng. G.M

“Sự đón nhận ban đầu của người dân đối với loại hình giao thông công cộng (GTCC) hoàn toàn mới này là rất khả quan, vượt cả kỳ vọng của doanh nghiệp. Có thể một phần do xe được thiết kế thoải mái, hình ảnh hiện đại, văn minh nên mọi người thuê xe thấy đang đi trên phương tiện “hot trend”, có thẩm mỹ chứ không phải một phương tiện bị đánh giá thấp. Những gì chúng tôi mong muốn đều đang được diễn ra rất tốt”, ông Đỗ Bá Dân vui mừng thông tin.

Xây dựng thói quen đạp xe văn minh

Bên cạnh xe đạp cá nhân, hệ thống xe đạp công cộng là một trong những loại hình GTCC mà TP.HCM đang muốn đẩy mạnh để giải quyết “vấn nạn” ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Từ năm 2017, Sở GTVT đã thông báo sẽ thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng tại trung tâm TP nhưng vì nhiều lý do vẫn chưa thể triển khai. Bản thân đơn vị này cũng đã trang bị một số xe để tại Sở nhằm khuyến khích cán bộ, nhân viên tăng cường đi xe đạp, sử dụng phương tiện GTCC. Tuy nhiên, một lãnh đạo Sở GTVT thừa nhận chỉ sau thời gian ngắn, số xe này gần như không còn được sử dụng do yếu tố thời tiết, hạ tầng, đường sá…

Sau đó, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đã triển khai thí điểm dự án Easy Move với 100 chiếc xe đạp thông minh sử dụng năng lượng mặt trời, giúp sinh viên di chuyển giữa các giảng đường và các khu ký túc xá. Trong thời gian 3 tháng thí điểm (từ 9.4 – 9.7.2018), số lượng sinh viên đăng ký sử dụng rất lớn. Chỉ sau 1 tháng đã có 4.000 sinh viên đăng ký (trên tổng số 60.000 sinh viên của làng đại học) và số lượt dùng mỗi ngày trên dưới 1.000. Đáng buồn là cũng chỉ trong 3 tháng thí điểm, đơn vị khai thác đã ghi nhận rất nhiều trường hợp xe đạp bị phá hỏng, nhiều trường hợp để xe lung tung hoặc làm mất thẻ… Dù được đánh giá khả quan nhưng đề án này cũng đã dừng lại, không được tiếp tục triển khai sau thời gian thí điểm.

Ông Đỗ Bá Dân thông tin hệ thống xe đạp công cộng mới đã khắc phục rất nhiều bất cập của mô hình thí điểm trước tại khu vực Đại học quốc gia. Theo đó, thay vì dùng thẻ, người dân sẽ dễ dàng trải nghiệm dịch vụ bằng cách tải về miễn phí và cài đặt ứng dụng Mobike trên điện thoại thông minh, từ đó có thể quét tìm xung quanh để đến được điểm trạm còn xe gần nhất. Sau đó, dùng chính ứng dụng này để quét code mở khóa xe sử dụng. Nếu người dùng thuê xe không trả đúng địa chỉ thì sẽ vẫn tiếp tục tính tiền. Khi mở khóa, hệ thống tính bắt đầu chuyến đi. Khi về trạm bất kỳ, người thuê trả xe thì chuyến đi mới kết thúc, nếu không sẽ vẫn bị trừ tiền. Bên cạnh đó, mỗi xe đạp đều gắn GPS, giúp kiểm soát vị trí xe và sẽ có những cảnh báo gửi lên ứng dụng.

“Ngoài ra, chúng tôi duy trì đội ngũ vận hành, đội phản ứng nhanh. Khi xe có bất cứ vấn đề gì, có thể thông tin qua hệ thống để tới tận nơi xử lý sự cố. Tình trạng trộm cắp hoặc phá hoại xe thì tôi nghĩ không nhiều và dần dần sẽ đi vào ổn định. Chúng tôi cũng đã có kịch bản xử lý. Quan trọng nhất là nhiều người đi. Làm sao để đưa đến dịch vụ mới, góp phần hình thành thói quen sử dụng phương tiện GTCC văn minh cho người dân”, chủ đầu tư hệ thống Mobike chia sẻ.

Cần giải pháp đột phá cho bài toán hạ tầng

Trong nghiên cứu của mình và các cộng sự, ông Đoàn Hồng Đức, giảng viên bộ môn quy hoạch giao thông, Đại học GTVT TP.HCM, đánh giá ở Việt Nam, sự phát triển nhanh chóng của phương tiện cá nhân mà đặc biệt là xe máy đã khiến xe đạp dần bị lãng quên. Nếu được chú trọng phát triển, xe đạp không những mang lại lợi ích về khai thác du lịch mà còn góp phần hoàn chỉnh GTCC, tạo sự liên kết chặt chẽ cho hệ thống giao thông vận tải nói chung.

Theo ông Đoàn Hồng Đức, bên cạnh việc đầy đủ tiềm năng để triển khai loại hình xe đạp công cộng, TP.HCM còn rất nhiều thách thức mà lớn nhất chính là hạ tầng giao thông. Cụ thể, giao thông cá nhân ngày càng phát triển mạnh và không đồng đều, thường tập trung tại các quận trung tâm và thói quen di chuyển bằng phương tiện cá nhân đã ăn sâu, khó thay đổi. Lòng đường nhỏ, xe đạp không đủ sức để “cạnh tranh” với xe máy và ô tô, đi chung làn rất nguy hiểm. Trong khi đó, một số con đường, vỉa hè chất lượng xuống cấp, không đảm bảo an toàn khi lưu thông. Vỉa hè thường xuyên bị chiếm dụng trái phép, người đi bộ còn không có chỗ, xe đạp lại càng khó. Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng thường xuyên, không khí ô nhiễm khiến người dân e ngại.

“Muốn phát triển xe đạp, TP.HCM cần có những giải pháp mang tính đột phá. Bắt buộc phải có làn đường riêng cho xe đạp hoặc tối thiểu là ưu tiên cho xe đạp kết hợp với việc giải quyết tình trạng chiếm lòng đường, vỉa hè. Trước hết, có thể tập trung thí điểm làm thật tốt ở các khu vực tiềm năng để tạo ấn tượng tốt, cái nhìn mới của người dân về xe đạp công cộng. Sau đó, khi hệ thống GTCC hoàn chỉnh hơn thì triển khai rộng rãi. Người dân sẽ dễ tiếp nhận và quan tâm nhiều hơn. Cần thời gian đầu để dựng lại thói quen đi xe đạp cho người dân”, ông Đức đề xuất.

Theo kế hoạch, 43 vị trí vừa được TP bàn giao cho nhà đầu tư lập trạm đậu phục vụ thí điểm mô hình xe đạp công cộng tại khu trung tâm được khai trương vào hôm qua (10.12). Tuy nhiên, do trong công tác lắp, dựng trạm phát sinh thêm một số khó khăn nên phía doanh nghiệp đã lùi buổi lễ khai trương tới 16.12 để chuẩn bị hoàn thiện tất cả các hạng mục.

Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)