Người ta vẫn hay gọi quán chè ấy là chè “cột điện” hay chè “âm phủ”, một quán chè tồn tại gần 1 thế kỷ khiến người Sài Gòn tìm đến khi muốn lưu giữ những gì xưa cũ nhất nơi phố thị.
Ở Sài Gòn, khu Chợ Lớn (quận 5) được biết là khu tập trung đông đúc nhất của cộng đồng người Hoa. Sinh sống là lập nghiệp lâu dài, họ đã mang đến cho vùng đất này những giá trị ẩm thực trứ danh của mình.
Và trong những nét ẩm thực độc đáo đó, một quán chè của người Hoa với hơn 70 năm tuổi và trải qua 4 đời chủ đã thực sự đi sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Người ta vẫn hay gọi quán chè ấy là chè “cột điện” hay chè “âm phủ” (số 450 Trần Hưng Đạo, P.14, Q.5).
“Mẹ tui kể quán chè này là do cụ cố Phùng Hạnh Phan của tui mở. Cụ cố là người Quảng Đông (Trung Quốc), cả nhà đều chết trong chiến tranh, còn mình cụ sống sót rồi chạy trốn sang Việt Nam. Hồi đó trong lúc chạy giặc, cụ cố có nhận nuôi một bé gái tên Lý Ái Quỳnh, là bà cố của tui. Hai mẹ con cụ cố ở ngoài Bắc được thời gian rồi vô Nam kiếm sống. Tui nghe kể hồi đó cực khổ lắm, trước khi mở được quán chè thì hai mẹ con cụ cố phải xin ăn, ngủ ngoài đường. Sau khi mở quán thì mới khá lên được”, bà Lý Thanh Hà (40 tuổi, chủ quán đời thứ 4), cho biết.
Theo lời bà Hà, ban đầu bà Phan chỉ nấu một nồi chè đậu xanh dựa trên công thức gia truyền của người mẹ quá cố để lại. Rồi chiều chiều lại ra ngồi bán ở ngay góc Tổng Đốc Phương (nay là ngã tư Châu Văn Liêm – Nguyễn Trãi). Không ngờ món chè đậu bên lề đường lại được nhiều người ưa thích, khách cứ kéo đến ăn ngày một đông.
Bán được một thời gian, bà Phan dành dụm được đủ tiền mua một chiếc xe đẩy và thuê một phòng trọ nhỏ để ở. Từ ngày có xe đẩy, danh tiếng món chè của hai mẹ con gốc Hoa bỗng nổi như cồn. Vì lúc đó xe chè chẳng có tên, nên nhiều người tự gọi là chè “bà Hoa”.
Không lâu sau, thực dân Pháp truy quét gắt gao những người bán hàng rong. Bà Phan mới đem giấu xe chè trong khoảnh sân trước trạm biến áp gần đó, mong sẽ không bị phát hiện. Tối đến, bà bắt đầu bán chè dưới ánh sáng lay lắt của ngọn đèn dầu nhỏ. Hai mẹ con cũng kê thêm vài ba chiếc ghế cho khách ngồi ăn. Vậy mà mấy chục năm qua, hương vị trong chén chè vẫn không hề thay đổi.
Ông Thân Thanh Bình (59 tuổi), một người Hoa sinh sống hơn 40 năm tại Sài Gòn, bồi hồi nhớ lại: “Chè này tôi ăn từ ngày xưa còn trẻ tới bây giờ. Hồi đó ăn được nhiều, giờ già rồi thì lâu lâu mới ăn một chén. Cái chè đậu xanh ở đây rất ngon, ngon cả nước lẫn cái. Cái vị trong chén chè, mấy chục năm rồi vẫn y nguyên như cũ”.
Bà Hà kể, lúc nhỏ hay ra quán phụ mẹ bán chè. Rất thích thú với cách mẹ chọn nguyên liệu, công thức nấu ra sao, cách múc chè ra chén hay thố như thế nào…
Từ những món chè truyền thống, bà Hà đã nghĩ ra nhiều công thức mới để tạo hương vị riêng biệt và làm phong phú thực đơn của quán. Những bí quyết “mẹ truyền con nối” qua mấy đời được bà giữ gìn rất cẩn thận. Nhất quyết không truyền dạy cho bất cứ ai bên ngoài dòng họ, dù có nhận được những lời đề nghị với giá cao.
Bao nhiêu năm vẫn không đổi vị
|
Chè tại đây vô cùng đa dạng như: cao quy linh, hoài sơn, hạt bạch quả, bo bo, ngó sen, nhãn nhục, tàu hũ ky và trứng cút… Có thể sẽ làm khách hàng bỡ ngỡ khi đến lần đầu tiên.
Món độc đáo nhất của quán có lẽ là chè bột củ năng hột gà. Với thành phần đơn giản là bột củ năng và hột gà sống hòa quyện cùng nhau là đã có thể tạo nên một chén chè "mát bổ, thanh nhiệt".
Điều thú vị của món chè này nằm ở chỗ phải ước lượng bột sao cho thật chuẩn, và người bán phải khuấy thật đều tay, nếu không trứng gà sẽ chín mà lòng đỏ không kịp hòa lẫn với bột củ năng, và phải ăn ngay khi chè còn nóng.
Ngoài ra thực khách nên thử món trà hột gà, hầm nước trà chung trứng gà luộc, hầm đến khi trà thấm vào trứng gà thì người ăn không thấy mùi tanh của trứng mà thay vào đó là vị béo béo của lòng trắng, thơm của trà, ăn lúc trưa nắng rất đã khát.
“Mình thích ăn chè ở đây nhất. Mới đầu ghé đây ăn là vì tò mò cái tên chè “âm phủ” thôi. Nhưng sau thì ghiền cái vị đặc biệt của chè. Ví dụ như món chè hột gà trà, ở đây nấu có mùi rất thơm, ăn thấy béo và bùi bùi. Còn những quán khác, khi ăn mình nghe rõ vị tanh của trứng”, bạn Quý Hùng (ngụ quận 3), nhận xét.
Giải thích về những cái tên độc lạ của quán, bà Hà cho biết quán tên thật là chè Châu Giang. Còn những tên khác là do khách tự đặt. Nhưng tất cả đều có ý nghĩa chứ không chỉ là nói vui.
Như chè “cột điện”, chè “nhà đèn” là do quán bán ở trạm biến áp. Cái tên chè “âm phủ” chỉ những người lớn tuổi mới biết nhiều. Cũng bởi ngày xưa lén lút, cứ đến đêm khuya mới thắp đèn dầu lên bán. “Thành ra người ta gọi vậy cho nó hợp tình hợp cảnh. Giờ thì tui thuê mặt bằng kinh doanh rồi, bán từ 4 giờ chiều đến 11 giờ khuya thôi”, bà Hà nói thêm.
Chị Thư (một khách quen của quán” lại tỏ ra bất ngờ: “Mình ăn chè ở đây nhiều lần rồi, vì rất thích vị ngọt thanh của chè. Mỗi lần tới đây là mình sẽ ăn đu đủ tiềm hoặc sâm bổ lượng nhiều bạch quả. Mà thật sự là không biết quán chè có tên hay không, chỉ nghe nhiều người gọi là chè “âm phủ” rồi chè “nhà đèn” thôi. Hôm nay mới biết quán tên chè Châu Giang”.
Nhiều khách đến ăn cho biết, thích ăn chè ở đây không chỉ vì hương vị truyền thống mà còn vì cách bán hàng của bà chủ… rất vui tính và chiều khách. Khách ăn sâm bổ lượng có thể vào trong nhà, chỉ từng món mình thích để chủ quán múc vào chén… và thong thả thưởng thức từng muỗng chè mát lạnh một cách ngon lành. Mỗi chén chè có giá từ 12.000 đến 18.000 đồng, món đặc biệt có giá 25.000 đồng/chén.
Bà Sáu (bán bò bía gần đó), chia sẻ: “Tui bán bò bía ở đây cũng gần 10 năm rồi. Tui để ý thấy khách ở đây hầu như là khách quen. Bữa rồi có gia đình kia 4 người ghé ăn chè, nghe nói chuyện rôm rả. Còn chạy tới ôm chị Hà, ngồi kể lại chuyện hồi xưa từ thời mẹ chị… Thấy cảnh đó tui cũng vui lây. Đâu dễ gì giữ một quán chè mở cửa mấy chục năm mà còn nhận được nhiều tình cảm của khách như quán này”.
Thấy quán khá hẹp, nhiều người cũng gợi ý bà Hà nên thuê một mặt bằng khác rộng hơn để tiện phục vụ khách. Nhưng bà Hà vẫn giữ nguyên quán ở khoảng sân cũ, vì cho rằng: “Khách đến ăn chè Châu Giang cũng là muốn hoài niệm về một Sài Gòn xưa cũ. Họ thương tui, thương quán chè, cũng như tui quý cái tình mà không nỡ lòng đi đâu xa chỗ này được. Tui bán chè kiếm sống, nhưng không phải vì kiếm sống mà rời xa nơi cụ cố bắt đầu lập nghiệp được”.
Lưu Trân (TNO)
Bình luận (0)