Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người Sài Gòn trắng đêm chống ngập

Tạp Chí Giáo Dục

Mưa lớn kéo dài làm nhiều nơi ở Sài Gòn chìm trong biển nước. Nước và rác thải tràn vào nhà dân, xưởng ô tô, tiệm buôn bán khiến cuộc sống người dân bị đảo lộn. 

Nước tràn vào các cửa hàng buôn bán ở đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) - Ảnh: Đức TiếnNước tràn vào các cửa hàng buôn bán ở đường An Dương Vương (Q.Bình Tân) – Ảnh: Đức Tiến
Sáng 10.9, chúng tôi có mặt tại đường An Dương Vương (P.An Lạc A, Q.Bình Tân, TP.HCM) và ghi nhận nước vẫn còn lênh láng trong các tiệm giày dép, xưởng cơ khí; một số nhà dân bị ngập cao đành “bỏ của chạy lấy người” đến ở nhờ nhà người thân. Các tiệm sửa xe, buôn bán thức ăn đóng cửa vì nước ngập không có khách. Nhiều người hối hả quét dọn bùn đất.
“Đã 4 ngày qua tôi thức trắng đêm để tát nước. Nước dâng cao và nhanh nên nhiều giày dép trong tiệm hư hỏng. Cả gia đình phụ thuộc vào tiệm giày, giờ nước ngập thế này ai dám vào mua”, một chủ cửa hàng buôn bán giày dép than thở. Vừa trao đổi với chúng tôi thì chiếc xe tải chở đầy xà bần mà chị này thuê với giá 250.000 đồng/xe cũng vừa trờ tới. Chị bảo: “Mình bị thiệt hại như vậy nhưng chưa thấy ai hỏi han gì. Xà bần thì người dân ở đây cũng phải tự bỏ tiền ra mua để nâng nền nhà. Nhưng chỉ nâng tạm vậy thôi chứ biết đổ bao nhiêu cho đủ”.
Cùng chung cảnh ngộ, tiệm giày dép kế bên của ông Tâm (48 tuổi, quê Tiền Giang) cũng đang ngập ngụa trong nước. Cả đống giày dép lấm lem bùn đất nằm ngổn ngang trước cửa tiệm. 4 người trong gia đình ông tất tả vừa quét dọn bùn đất, vừa lau chùi giày dép, xịt nước rửa tường nhà. Ông Tâm bảo lúc thấy mưa lớn, nước tràn vào nhà ông chỉ kịp khiêng tấm nệm đưa lên cao, khi quay lại thì nước đã tới… đầu gối. “Mấy ngày nay cứ thức trắng đêm vừa tát nước vừa canh giữ đồ đạc. Mỗi tháng thuê mặt bằng ở đây cả chục triệu. Giờ ngập buôn bán không được, giày dép lại hỏng không biết tiền đâu trả mặt bằng cho người ta”, ông Tâm nói như khóc.
Nhiều nơi khác trên địa bàn TP.HCM, người dân cũng khốn khổ mỗi khi mưa lớn. Ở Q.9, Q.Thủ Đức cũng thường xuyên xảy ra cảnh người dân hì hục tát nước khi mưa lớn. Ông Trần Quốc Hoàn (đường 295, P.Tân Phú, Q.9) than thở: “Tôi ở đây 15 năm, chịu trận không biết bao nhiêu lần, hễ mưa xuống là nước tràn vào nhà làm hư hỏng đồ đạc. Chưa hết, mưa xuống con đường biến thành sông không phân biệt đâu là đường với mương nước”. Tương tự, người dân sống ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) cũng chịu cảnh lội bì bõm mỗi khi mưa xuống. Ông Nguyễn Quang Giai (75 tuổi) bị tật ở chân cho hay khi mưa lớn, nước ngập vào nhà khiến sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn. Mỗi lần ông Giai muốn đi vệ sinh phải nhờ con cháu bế chứ không tự bò đi như trước. Ông Giai nói: “Năm nào cũng ngập, ngập lội đến cả đầu gối, khổ nhất là đi chợ Bình Triệu, mưa xuống là như chợ nổi. Bao nhiêu năm người dân mỏi mòn chờ một con đường được xây có cống thoát nước đàng hoàng để thoát cảnh khốn khổ”.
Tại khu vực P.16 (Q.8), mỗi khi mưa lớn nước tràn vào nhà dân, len lỏi đến từng con hẻm nhỏ. Trong khi đó, khu vực này có nhiều cơ sở sản xuất vừa và nhỏ nên mỗi khi ngập đã ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất. Một chủ cơ sở sản xuất giấy, bao bì tại đây cho biết cơ sở ông phải tạm ngưng hoạt động vì nước và rác thải tràn vào toàn bộ khu sản xuất khiến gần trăm công nhân phải nghỉ việc. Đến chiều 10.9, chủ cơ sở này vẫn đang tích cực bơm nước và cho một số công nhân đi vớt rác ở khu xưởng đưa ra ngoài. “Ở đây cứ mưa lớn là ngập. Dù có bơm cỡ nào cũng ngập. Cả khu xưởng toàn nước nên phải cho công nhân nghỉ việc tạm vài ngày”, chủ cơ sở nói.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng ban Điều hành KP.1 (P.16, Q.8), cho biết kể từ ngày có đập ngăn triều thì cuộc sống của người dân đỡ hơn, nhưng khi mưa lớn kéo dài thì khu vực này cũng lâm vào tình trạng ngập nặng khiến người dân mệt mỏi. “Lúc chưa có đập thì người dân ở đây như sống chung với lũ, nhưng giờ đỡ hơn nhiều. Cơn mưa hôm qua lớn quá, nước thoát không kịp nên dâng cao khoảng 40 cm. Sáng nay cũng có nhiều xe bồn tới hút nước đưa đi nơi khác”, bà Lan nói.
 

Theo Đức Tiến-Hoài Nhơn/ TNO

Bình luận (0)