Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 31-5, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 5 và năm tháng đầu năm 2017. Theo đó, nội dung được các đại biểu đề cập nhiều trong hội nghị là cai nghiện ma túy. Về kết quả thực hiện đề án đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, chỉ tính riêng trong tháng 5 lên đến 1.085 người.

Ông Hồ Văn Méo, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội Phú Đức cho biết, hiện trung tâm đang quản lý 738 học viên cai nghiện. Thời gian qua không xảy ra sự cố xấu về an ninh trật tự, xáo trộn trong quản lý. Trung tâm cũng tuyên truyền, giáo dục đội ngũ có ý thức, tránh nảy sinh tiêu cực liên quan đến cán bộ. Tuy nhiên, số học viên đưa vào trung tâm sử dụng ma túy tổng hợp chiếm đa số (516/738 học viên), điều này gây khó khăn trong công tác tư vấn, tham vấn, cắt cơn và chăm sóc. Để cắt cơn có hiệu quả đối tượng này, trung tâm đã xây dựng phòng cách ly đối với học viên cho đến khi tinh thần ổn định.

Về vấn đề này, đại diện Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy cho biết, qua kiểm tra đa phần bệnh nhân (từ 18-30 tuổi) sử dụng ma túy tổng hợp, trong đó hàng đá là chủ yếu. Không chỉ sử dụng heroin mà còn sử dụng các loại ma túy đa chất nên số phải điều trị dưới một tháng lên đến 90%. Khó khăn hiện tại của trung tâm là trường hợp kiểm tra đột xuất phát hiện có sử dụng ma túy cần hỗ trợ điều trị methadone nội trú nhưng điều kiện không cho phép. Điều đáng quan ngại hơn cả là tình trạng một số người tụ tập mua bán ma túy ở các quán cà phê phía trước trung tâm. Trung tâm đã báo với cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa dẹp được, điều này dẫn đến việc khó giữ bệnh nhân điều trị lâu dài.

* Cùng ngày, Sở Nội vụ, Sở LĐ-TB&XH và lực lượng TNXP TP.HCM đã triển khai thực hiện chuyển đổi các trung tâm chữa bệnh – giáo dục –  lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện ma túy.

Hiện thành phố có 13 cơ sở đang chăm sóc, quản lý gần 11.300 người nghiện ma túy (trong đó có 869 nữ). Các cơ sở này đặt tại TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng. Trên điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực sẵn có,  13 trung tâm chữa bệnh – giáo dục – lao động xã hội và cơ sở xã hội trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2020 được tổ chức lại (không thành lập mới) thành cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện, cơ sở xã hội, cơ sở điều trị nghiện ma túy đa chức năng, cơ sở điều trị nghiện ma túy bắt buộc. Mục đích của việc tổ chức lại nhằm tạo mạng lưới các cơ sở cai nghiện có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu đa dạng hiện nay và tăng số lượng cơ sở cai nghiện tự nguyện.

T.Anh – T.P

Bình luận (0)