Theo GS. Ngô Bảo Châu: HS-SV phải chủ động và tích cực trong việc học
|
Với chủ đề “Suy nghĩ về việc học”, GS toán học Ngô Bảo Châu đã chia sẻ những kinh nghiệm hữu ích về việc học và vai trò của gia đình trong việc nâng đỡ, chắp cánh cho ước mơ của con cái với hơn 3.000 học sinh, sinh viên (HS-SV) và phụ huynh tại chùa Hoằng Pháp.
Học là một hành trình dài
Giống như những buổi nói chuyện với SV các trường ĐH trước đây, chủ đề học tập luôn là đề tài được nhiều bạn trẻ khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, thái độ và phương pháp học tập ở chương trình giáo dục phổ thông được GS. Ngô Bảo Châu đặc biệt quan tâm. Rất nhiều HS-SV bày tỏ, thế hệ trẻ ngày nay khi học chỉ đặt ra những mục tiêu gần chứ chưa phấn đấu vì tương lai, chỉ mới thấy được những chặng đường ngắn cần phải đi mà chưa đặt ra mục đích lớn để theo đuổi. GS. Ngô Bảo Châu cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế bởi bản chất của con người là yếu đuối, dù đôi khi suy nghĩ của họ đều đặt ra những mục đích, ý tưởng lớn lao nhưng khả năng, sức lực của mỗi người đều có hạn đã không cho phép bản thân họ vượt qua để thực hiện ý tưởng đó. Do đó, thực hiện từng bước tiến nhỏ cũng là cách để thích ứng và tiếp cận tới mục đích của mình. “Rất ít người nhìn thấy và thực hiện được con đường mình sẽ đi từ khi còn nhỏ bởi mục đích, suy nghĩ của mỗi người cũng luôn thay đổi theo thời gian, độ tuổi và xu hướng của xã hội. Theo tôi, việc các bạn trẻ ngày nay thực hiện những mục tiêu ngắn trước mắt nhưng chắc và hiệu quả là điều đáng quý. Tôi từng nghe rất nhiều ý kiến cho rằng cách giáo dục ở bậc phổ thông hiện nay đang đặt nặng vấn đề thi cử và nên chăng Bộ GD-ĐT nên “dẹp” các kỳ thi để giảm bớt áp lực cho HS lẫn phụ huynh. Trên thực tế thì quốc gia nào cũng có những kỳ thi nhất định của mình. HS-SV nhiều nước vẫn thích và đề nghị thầy giáo cho bài tập về nhà hoặc tổ chức kiểm tra để đánh giá năng lực học tập. Thi cử không phải là việc đặt ra để làm khó HS-SV mà là thời hạn để đánh dấu một sự kết thúc và khởi đầu mới. Học mà không có kiểm tra, thi cử thì sẽ không đánh giá được chất lượng của từng HS-SV về chất lượng đào tạo”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Trước ý kiến cho rằng giới trẻ ngày nay chỉ mới học vì bằng cấp, ra trường với cả “gánh” bằng nhưng rất khó khăn trong việc xin việc làm theo đúng chuyên ngành một phần cũng vì chương trình học thiếu gắn kết với thực hành. GS. Ngô Bảo Châu phân tích: Nhiều HS-SV thường mong đợi môi trường học tập trong nhà trường sẽ cho mình đầy đủ các kiến thức, kỹ năng để làm việc. Đây quả là một quan niệm sai lầm bởi vai trò của nhà trường không phải là giảng dạy tất cả mà chỉ là chuẩn bị cho HS-SV những hành trang cần thiết cho một chuyến đi dài. Học tập là cả một hành trình dài, diễn ra liên tục trên mỗi chặng đường của cuộc sống chứ không chỉ dừng lại khi người ta rời khỏi trường. Hầu hết HS-SV Việt Nam hiện nay đang tiếp thu một cách thụ động, thầy cho gì thì biết nấy chứ chưa chủ động tìm kiếm, biến kiến thức trên sách vở thành trải nghiệm thực tế của mình. “Tôi nghĩ, trước khi đi giải đáp câu hỏi về chất lượng giáo dục thì các bạn trẻ nên đặt ngược câu hỏi với chính mình, thử hỏi xem mình đã thực sự tự học, tự nghiên cứu và trải nghiệm hay chưa? Và đằng sau sự trải nghiệm đó các bạn đã nhận thức được gì, đã chuẩn bị được gì cho những bước đi sắp tới. HS-SV cần chủ động, tích cực tìm ra mối liên hệ giữa kiến thức với thực tế hơn là tiếp thu một cách thụ động rồi đổ lỗi cho nhà trường, thầy cô”, GS. Ngô Bảo Châu nói.
Dành thời gian để hiểu con
Một phụ huynh cho rằng: Hạnh phúc gia đình và sự thành công của một người vốn không đi cùng nhau. Liệu trên con đường đi tìm sự thành công, người ta có phải đi một mình? GS. Ngô Bảo Châu khẳng định người thành công để muốn một gia đình hạnh phúc không khó, cái chính là người đó có biết sắp xếp thời gian và cố gắng thực hiện hay không. “Tôi thấy nhiều phụ huynh thường kêu ca rằng họ không có thời gian để dành cho gia đình vì quá bận rộn công việc ngoài xã hội. Bản thân tôi cũng từng nghĩ vậy. Nhưng rồi tôi nhận ra chỉ cần một chút thay đổi, cố gắng nhỏ cũng sẽ thay đổi sự ngụy biện đó và giúp cho người thân trong gia đình gắn kết với nhau hơn. Ai cũng có lúc mệt mỏi và cần sự nghỉ ngơi. Nhưng thay vì rũ bỏ tất cả để nằm xoài trên ghế, tham gia các trò giải trí trên internet thì tôi lại dành thời gian đó để nói chuyện với con cái. Nhưng lúc như thế, chúng lại cho tôi một sự thấu hiểu, một sự trải nghiệm mới hay hơn cả sự nghỉ ngơi. Tôi không những biết được mọi biến động trong suy nghĩ của con mà còn biết được nhiều điều hay ở thế giới bên ngoài qua những câu chuyện kể, những lời tâm sự của chúng”, GS. Ngô Bảo Châu chia sẻ.
Ngoài ra, ông cũng khẳng định: “Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan mà thay vào đó nên cố gắng thay đổi mình, mỗi ngày dù ít hay nhiều cũng nên dành thời gian để quan tâm con cái. Điều đó sẽ giúp phụ huynh hiểu con hơn và nhận ra những thay đổi của con ở từng giai đoạn phát triển”.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
“Thái độ học tập nghiêm túc, thành thật với năng lực học tập của mình chính là chiếc chìa khóa để mở con đường tương lai một cách nhanh và thuận lợi nhất”, GS. Ngô Bảo Châu nhấn mạnh. |
Bình luận (0)