Y tế - Văn hóaThư giãn

Người thành phố đâu có lạnh lùng

Tạp Chí Giáo Dục

Cnh làng quê (nh minh ha). Ảnh: I.T

Nhà có mấy sào ruộng nhưng đến bữa phải đi mượn gạo là chuyện thường của người dân quê tôi vào những năm 80. Dĩ nhiên nhà nghèo đi mượn của nhà khá hơn chứ hiếm khi nhà có điều kiện lại đi mượn, trừ những hôm mưa bão chợ phiên không họp.

Đâu chỉ gạo mà cả dầu lửa, nước mắm, xì dầu… cũng phải mượn nốt. Mà không phải lúc nào đi mượn cũng có, khi thì nhà người ta cũng vừa hết, lúc gặp người khó tính kiểu vui cho, buồn thì thôi nhưng thường không cho mượn vì nợ cũ chưa trả.

Xóm tôi có vài nóc nhà thấp lè tè giữa những nọc rơm, bao quanh là vườn chuối hột, chuối mật xanh mơn mởn. Người dân quanh năm cắm mặt vào mấy sào ruộng dày công chăm bón nhưng được hay mất mùa còn phụ thuộc vào trời. Thời tiết khắc nghiệt, không ít gia đình lấy tiền lúa non trang trải sinh hoạt, học hành của con cái. Nhà nào được mùa giáp hạt là may lắm rồi.

Ruộng vườn tăm tắp, lúa luôn đầy bồ, bầy heo, gà hàng trăm con là của gia đình ông Hai. So với những gia đình nông dân khác trong xóm, nhà ông Hai thuộc loại có của ăn của để, là nơi đến mượn nhu yếu phẩm khi cần.

Nhà hết gạo ăn, má sai tôi đội mưa sang nhà ông Hai hỏi mượn. Từ chái bếp, ông Hai thấy tôi cầm chiếc thau nhôm, liền suỵt chó ra sủa. Một con, rồi ba bốn con túa ra trừng mắt, lè lưỡi chực chờ xông tới. Sợ chó cắn, tôi nhảy phóc lên nọc rơm làm đổ nhào xuống càng làm chủ cáu gắt:

– Mày lại đi mượn gạo nữa à? 5kg rồi, thêm nửa lít nước mắm vẫn chưa thấy trả, định quỵt luôn sao?

– Con xin lỗi, nhà con chưa có để trả. Tôi lễ phép.

Dứt câu, ông Hai trần trùng trục dưới mưa kéo tấm phên chắn lối vào sân. Không còn cách nào khác, tôi xách thau về người ướt nhem. Thấy má ngồi thừ trước đống lúa giống thối mọng vì trời mưa liên tiếp mấy ngày chưa gieo sạ được, tôi không cầm lòng được. Nhiều lần trước, lúa chưa kịp khô, tận tay ông Hai xách bao sang sân nhà hốt trừ nợ, tôi căm ghét ông ấy.

Vài chục ký lúa là lương tháng làm đội trưởng của ba ở hợp tác xã, cảnh đến bữa chạy mượn gạo không còn quá xa lạ với chị em, nhưng đây là lần đầu tiên tôi buồn và thất vọng. Mấy bụi khoai hạ ngoài vườn vừa thu hoạch tuần trước, biết đâu còn sót lại vài củ. Tôi thoáng nghĩ rồi liền chạy ào ra hè sau lấy cuốc bới mót. Mưa mết đất, lại thêm cái đói, từng nhác cuốc nặng nề hơn bao giờ hết.

– Má ơi, còn mấy củ. Tôi reo lên át tiếng mưa.

– Con giỏi quá, đem vào rửa sạch luộc ăn đi con. Má nói vọng ra.

Bữa tối muộn hơn mọi khi bởi giờ này bọn trẻ trong xóm đã đi xem chương trình Những bông hoa nhỏ ở sân kho hợp tác xã. Mấy mẹ con ngồi quanh rổ khoai dăm củ bé tẹo. Má nói chiều đi cắt lúa vần công, người ta cho ăn nửa buổi vẫn còn no. Biết má đói nhưng nói vậy để nhường khoai cho các con chứ có miếng gì bỏ bụng đâu, mấy chị em tôi nhìn nhau, chẳng buồn nhai nữa.

Chuyện nhà tôi mượn gạo nợ không trả lan ra chợ rồi đến trường học. Ai hiểu ra chiều thông cảm, người ác ý thì thêm mắm dặm muối khiến má buồn mà đổ bịnh. Không ai khác, con Liễu cùng xóm đến trường bêu rếu, rồi dì Hương mẹ nó ra chợ tám chuyện. Lâu nay, ai chả biết mẹ con dì Hương nhiều chuyện số một trong xóm.

Thời gian trước, thằng Hùng thường sang chơi bắn bi, làm cối xay lúa từ hột xoài, làm ná bắn chim… với tôi. Không chỉ học giỏi, tôi còn có nhiều tài lẻ mà đám trẻ trong xóm phải phục sát đất. Lần biết Hùng giao du với tôi, ông Hai lôi cổ về đánh đòn, phạt quỳ ngoài chuồng bò cả đêm. Dù vậy nhưng cả hai vẫm tìm mọi cách để được chơi và học cùng.

Cái nắng giòn tháng 5 ba ngày liền cũng kịp khô mẻ lúa vụ hè thu, má bảo vác đi xay về trả cho ông Hai. Đang lợp nhà, ông Hai liền phi thang xuống, chưa kịp tiếp đất đã hỏi dồn:

– Bữa nay no rồi à? Trả có đủ không đây?

– Tôi đáp: Dạ má con đong lon vun, không dư thì thôi chứ không thiếu đâu ạ.

– Nghèo xác xơ mà bày đặt vun viếc, ông Hai lại đốp chát.

Ông Hai gọi giật thằng Hùng mang lon sữa bò đong gạo kiểm tra. Đó là chiếc lon của mấy bà buôn ngoài chợ được gò phần đáy thụng sâu xuống. Ông ném cái thau xuống đất, quát lớn:

– Tao cho má mày thiếu lại một lon đó nha

– Nhưng, nhưng… tôi ngập ngừng

– Nhưng nhưng cái gì, mượn bao nhiêu trả bấy nhiêu.

Tôi thất thểu ra về, nhặt đá ném vào vũng nước mưa bắn tung tóe cho bõ tức. Trông cái mặt đưa đám của tôi, má biết có chuyện chẳng lành. Một lon gạo không nhiều nhưng với gia cảnh lúc ấy có thể ghé khoai, sắn từ 3-4 bữa nên nhất quyết không cho má lấy thêm gạo đi trả.

– Thôi kệ đi con, làm cho vui lòng chòm xóm, mai mốt còn phải mượn nữa. Má nhẹ nhàng khuyên.

– Nhưng ông Hai quá đáng, mình trả đủ chớ có bớt chút gạo nào đâu?

– Mình cứ sống ngay thẳng, người ta không trung thực thì sau này sẽ gặp nhiều phiền toái.

Tôi vâng lời má mang lon gạo, thêm nửa lít nắm sang trả nhưng trong bụng ấm ức.

Nhiều năm sau, vào thành phố trọ học, việc làm thêm bữa đực bữa cái, đến bữa mấy thằng ốm đói còi cọc nằm chèo queo. Trông cảnh thảm hại, người Sài Gòn chính gốc cho mượn gạo, nước mắm và trứng vịt mà cảm động, ăn căng cái bụng rồi lại nghĩ họ lợi dụng gì đó. Đâu phải người thành phố lạnh lùng, vô cảm như mình từng nghe và cảm nhận. Quê mình bao đời nông dân chân chất cũng có người này người kia đó thôi.

Trn Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)