Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người thất nghiệp tăng mạnh, doanh nghiệp vẫn thiếu lao động

Tạp Chí Giáo Dục

Số người thất nghiệp tăng mạnh, trong đó có cả nhóm đối tượng thu nhập cao, làm việc tại những vị trí quản lý. Tuy nhiên, vẫn xảy ra thực trạng có doanh nghiệp (DN) không tuyển được lao động.

Đó là thực trạng sau gần 3 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện BHTN do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức sáng nay (23/5).
Theo ông Trung, năm 2011 số người đăng ký BHTN tăng 77% so với năm 2010, đặc biệt quý I-2012, số người thất ngiệp tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước. Khảo sát của Cục Việc làm cho thấy, nguyên nhân của việc DN vẫn không tuyển đủ lao động bởi họ trả lương cho NLĐ thấp, trong khi giá cả trên thị trường tăng vọt khiến nhiều người lao động không thể cân đối được đời sống và phải rời bỏ nơi làm việc cũ, tìm nơi có thu nhập tốt hơn. Đã xảy ra trường hợp một số DN thông báo tuyển dụng lao động với số lượng lớn nhưng thực tế không phải do nhu cầu mở rộng sản xuất mà tuyển dụng để dự phòng nhằm thay thế cho lao động hiện đang làm việc. Như Cty Canon VN, mỗi năm đăng ký tuyển dụng gần 1 vạn lao động, trong đó 90% là thay thế lao động cũ, chỉ có 10% là để mở rộng sản xuất.
Tình trạng “đại gia” ùn ùn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng là thực trạng sau hơn hai năm thực hiện BHTN. Nguyên nhân nghỉ việc của các đối tượng này chủ yếu là do các DN nước ngoài hoặc các văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài đặt tại VN bị thu hẹp hoạt động, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hợp đồng lao động hết hạn.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục Việc làm, TPHCM là địa phương có số người đóng BHTN nhiều nhất (khoảng 38.000 người), nhưng chỉ có gần 3% số người này nhận BHTN trong 2 tháng đầu năm 2012. Tiếp sau là tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu…
Khó có thể xảy ra vỡ quỹ BHTN
Về thông tin người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 16 triệu đồng/tháng, ông Trung khẳng định đây là thông tin sai lệch bởi vì theo quy định của pháp luật, tiền lương, tiền công đóng BHTN mức tối đa là 16,6 triệu đồng/tháng (bằng 20 lần lương tối thiểu), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 9,96 triệu đồng/tháng (bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc).
“Khó có thể xảy ra tình trạng vỡ Quỹ BHTN nhưng đang có hiện tượng người  hưởng trợ cấp thất nghiệp đăng ký học nghề ít hơn nhiều so với người chỉ hưởng thất nghiệp. Cùng đó là thực trạng nhiều lao động phổ thông dù mất việc vẫn không màng chuyện học tập để nâng cao tay nghề. Lý do bởi người lao động cho rằng, dù có qua đào tạo nhưng DN cũng chỉ trả lương theo vị trí công việc của lao động phổ thông. Tiêu biểu là Cty Canon, mỗi năm tuyển hơn 1 vạn lao động phổ thông và trả lương cào bằng hết. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ học nghề thấp càng gây khó khăn cho NLĐ muốn tham gia các khóa đào tạo trên 6 tháng. Vì vậy, nhiều lao động có cơ hội học tập nhưng cũng phải bỏ” – Ông Trung nói.
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh thì cho rằng, quy định người  tham gia BHTN phải có hợp đồng lao động đủ từ 12 tháng trở lên không phù hợp với loại hình lao động làng nghề này bởi họ chủ yếu làm việc thời vụ, làm theo công việc (dưới 12 tháng). Trong khi đây là đối tượng cần được hưởng trợ cấp thất nghiệp bởi phần lớn họ là nông dân, có cuộc sống khó khăn.
Được biết, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang soạn thảo Luật Việc làm để trình Chính phủ trong tháng 7 này, trong đó bảo hiểm việc làm là nội dung quan trọng của luật, đồng thời sẽ mở rộng thêm đối tượng được tham gia BHTN.  
Nếu năm 2010 cả nước có 190.000 người đăng ký hưởng BHTN thì năm 2011 là 336.000 người (tăng 77%). Riêng 4 tháng đầu năm 2012 có gần 172.000 người. Tỷ lệ nữ hưởng BHTN chiếm khoảng 60% và độ tuổi của người hưởng thất nghiệp nhiều nhất từ 25-40 tuổi (chiếm 62,2%). Mức lương trung bình mà người lao động được hưởng là 2 triệu đồng/tháng/người.
 P. Thanh (Dân trí) 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)