Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Người thầy cảm động

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Giờ học giáo dục công dân không có những lý thuyết khô cứng, xa xôi, thầy giảng trò nghe những câu chuyện giản dị về tình thương của cha mẹ, về chuyện cơm ăn áo mặc của người nghèo, cho học trò nghe bài nhạc có tiếng mẹ ru, tiếng trẻ khóc… Và nhiều học trò đã khóc…

 Thầy giáo Trần Tuấn Anh (Trường THCS Bạch Đằng, Q.3, TP.HCM) cùng các học trò của mình - Ảnh: Như Hùng

Bài giảng hôm ấy là Xây dựng gia đình văn hóa môn giáo dục công dân lớp 7, thầy giáo Trần Tuấn Anh mang vào lớp những bức ảnh một người cha dầm mưa dãi nắng, một người mẹ nghèo với quang gánh hàng rong kiếm tiền nuôi con ăn học.

Chuyện về những bài giảng làm rơi nước mắt học trò của thầy giáo mới ra trường Trần Tuấn Anh lan ra, hai giáo viên bộ môn khác cùng đến dự giờ, nghe thầy giảng cũng ngậm ngùi. Những tiết dạy của thầy từ đó được học sinh Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) gọi là “giờ học cảm động”.

Những bài giảng của “Mr Giản dị”

Dạy bài Giản dị ở lớp 7, thầy Trần Tuấn Anh đưa cả lớp xem những bức ảnh chụp trẻ ăn xin, đánh giày. “Giản dị là không đua đòi, se sua, tiêu tiền hoang phí, khi tiêu xài phải nhớ đến những người nghèo khổ, không cơm ăn áo mặc. Các em được học ở đây, còn ngoài kia có biết bao bạn bè trang lứa không được học hành”… Lớp học lắng xuống dần. Đó là tiết dạy đầu tiên trong đời thầy giáo Trần Tuấn Anh vào năm 2007. Thầy thương học trò, giản dị, gần gũi như những bài thầy dạy, mà bài nào cũng hay – đó là nhận định của những học sinh từng học với thầy Trần Tuấn Anh. Khi đó thầy đi dạy bằng xe đạp, học sinh lớp 7/2 yêu thương gọi thầy bằng biệt danh “Mr Giản dị”.

Giờ học bài Biết ơn môn giáo dục công dân lớp 6 (tháng 9-2008), thầy mang vào lớp hình ảnh và câu chuyện cá chuối mẹ dùng thân mình làm mồi nhử kiến để mang thức ăn về cho đàn con. Thầy kể hình ảnh người mẹ giặt áo cho con đến quá giờ giới nghiêm bị bắt về đồn – hoàn cảnh ra đời bài hát Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân. Rồi những hình ảnh thai nhi từ trong bụng mẹ đến từng giai đoạn trẻ thơ được mẹ cha chăm sóc, bế bồng; hình ảnh người mẹ với gánh hàng rong, ngủ vỉa hè giữa trời mưa lạnh; hình ảnh người cha dầm mưa dãi nắng kiếm tiền nuôi con ăn học.

Lớp học bắt đầu có tiếng sụt sùi. Cao điểm đến đoạn âm thanh nói về tâm sự người con khi cha mẹ không còn, rồi bài hát Lòng mẹ nhạc nền có tiếng mẹ ru, tiếng trẻ khóc… Lớp học vỡ òa tiếng khóc của những cô cậu học trò lớp 6.

Chuyện của trò

“Dạy học có tranh quen rồi, không có tranh học sinh sẽ chán. Nhưng dạy với nhiều tranh ảnh và chuyện kể không đủ thời gian, đôi khi mình phải “lách”, rất khó bám sát sách giáo khoa. Có những bài giảng học sinh say mê nhưng nếu đánh giá có lẽ bài giảng không đạt yêu cầu! Thật may, cách dạy của một giáo viên mới vào nghề như tôi được nhà trường, đồng nghiệp ghi nhận và động viên. Điều đó giúp tôi tự tin làm tất cả vì sự hứng thú của học sinh. Tôi muốn làm tất cả những gì có thể cho từng tiết học, mong muốn có một cách nhìn nhận đúng về vai trò môn giáo dục công dân trong nhà trường”.

Thầy Trần Tuấn Anh 

Lý Trương Kim Hoàn, học sinh lớp 6/1, kể: “Hôm học bài Biết ơn vào tiết cuối buổi sáng, đến giờ ăn trưa nhiều bạn nức nở, nghẹn ngào. Cả lớp đều khóc. Chiều về nhà mắt vẫn còn sưng, cha mẹ hỏi vì sao khóc, có bạn ôm chầm mẹ. Cả tuần sau nhóm bạn em vẫn còn xôn xao về bài học đó.

Bữa khác, giảng bài Tiết kiệm, thầy kể câu chuyện các bạn hay bỏ phí cơm, mỗi hạt cơm là công sức mẹ cha. Hôm thầy dạy bài Lễ độ, em tự nghĩ mình phải nói năng cư xử đàng hoàng hơn, không nói leo, chửi bậy. Học xong bài nào em cũng thấy mình còn khuyết điểm, còn thiếu sót, cần phải cố gắng, sửa đổi. Bài nào thầy Tuấn Anh cũng có 3-4 câu chuyện và rất nhiều hình ảnh, âm thanh minh họa. Vào trường, gặp thầy giáo nào tay xách bao bị đầy tranh ảnh và cặp loa từ lớp này qua lớp khác ai cũng biết đó là thầy Tuấn Anh! Tới giờ của thầy, tự nhiên cả lớp háo hức, vừa thấy thầy ở cầu thang cả lớp chuẩn bị sẵn sách vở đứng lên chờ thầy vào lớp”.

Còn câu chuyện Hải My, học sinh lớp 8/2, kể về những bài học thầy Tuấn Anh dạy năm lớp 7: “Dạy về Lòng yêu thương, thầy cho cả lớp xem những hình ảnh một chú chim bị bắn chết và đôi mắt thảng thốt của một chú chim khác đau buồn bên xác bạn mình. Loài vật còn biết yêu thương nhau!

Lần giảng về mẹ, thầy kể chuyện về một phụ nữ tật nguyền hai lần bị cưỡng hiếp sinh hai đứa con. Người mẹ ấy mất trí, không nhớ nổi ai là kẻ hại mình, nhưng vì tình thương con, bà một mình sinh con, làm mướn nuôi con… Thầy dặn bạn nào quậy phá không lo học hành tức là không biết thương cha mẹ. Mỗi tuần chỉ có một tiết giáo dục công dân nhưng thầy giảng rất nhiều, bài nào cũng hay, những câu chuyện của thầy nhớ thật lâu. Thầy thường cho lớp viết cảm nghĩ sau bài học, từ đó thầy biết bạn nào có tâm tư gì. Giờ chơi thầy gọi riêng các bạn có hoàn cảnh đặc biệt ra hỏi thăm, giải thích cái gì đúng, cái gì chưa đúng.

Những bài giảng giáo dục công dân của thầy Trần Tuấn Anh luôn truyền cho học sinh niềm say mê và sự hướng thiện - Ảnh: Như HùngTừ những câu chuyện của thầy, nhiều bạn thay đổi lắm. Nhiều học sinh cá biệt trong lớp cũng sửa đổi, siêng năng hơn. Lớp 7 có tình trạng nam nữ thích nhau. Thầy kể câu chuyện những bạn trẻ vị thành niên yêu sớm, sinh con ra rồi bỏ rơi, những đứa trẻ trở thành mồ côi. Nghe xong, thấy giật mình, mỗi người tự rút bài học cho mình. Những lần kiểm tra 15 phút, hầu hết thầy cho đề viết cảm nhận về bài học, không phải học thuộc lòng, chỉ cần viết cái gì mình hiểu, rút ra bài học, cố gắng gì từ bài học đó. Môn giáo dục công dân từ đó học rất nhẹ nhàng”.

Và chuyện của thầy

Thầy Trần Tuấn Anh kể: “Năm ngoái, lúc giảng về tình thương cha mẹ cho học sinh lớp 7, mình mới ra trường, thấy học sinh khóc nhiều quá cũng sợ. Cô hiệu trưởng động viên: không sao, cứ để các em được bày tỏ cảm xúc của mình! Năm nay, dạy phần biết ơn cha mẹ, một em nữ lớp 6 khóc rất nhiều, đến quỵ xuống đất khi được bạn dẫn đi rửa mặt. Trong bài viết cảm nghĩ của mình sau đó, em tâm sự: thầy giảng mẹ lúc nào cũng thương con, sao mẹ em nỡ bỏ em đi theo ba khác? Bài giảng của mình đã gây sốc cho học sinh đó! Vậy là thêm một trường hợp cần được tư vấn tâm lý riêng…”.

Thời còn học đại học sư phạm, một lần gặp những đứa trẻ ăn xin ở chùa, chàng sinh viên Trần Tuấn Anh từng thuê bác thợ ảnh chụp những đứa trẻ ấy để dành làm tư liệu bài giảng về quyền trẻ em. Đến nay đều đặn mỗi cuối tuần, thầy vẫn lên mạng tìm ảnh và ý tưởng, câu chuyện cho các bài giảng tiếp theo. Không chỉ có hình ảnh, bài giảng mà cần có thêm những đoạn âm thanh. Mùa hè vừa qua, thầy quyết định trích nửa tháng lương của mình sắm một máy MP4, hai loa vi tính để chuẩn bị những tiết giảng cho năm học mới. Những tiết giảng của thầy bây giờ có thêm những bài hát, đoạn âm thanh. Những phút thảo luận nhóm trong giờ học có thêm nhạc đệm, khơi thêm cảm xúc cho học sinh.

Riêng để có bộ tranh ảnh minh họa chi phí mỗi tháng tròm trèm 500.000 đồng, khoản chi không nhỏ nếu so với đồng lương giáo viên mới ra trường 1,2 triệu đồng/tháng. Thầy xuất thân từ một gia đình lao động nghèo, cha bán vé số, mẹ bán nước giải khát vỉa hè. Gom góp tiền lương, tiền làm thêm buổi hai ở trường, tiền dạy kèm buổi tối, trừ các khoản chi phí và học cụ, hằng tháng thầy phụ cho cha mẹ chưa đến 1 triệu đồng. Cũng ray rứt, đắn đo lắm! Nhưng thầy còn một nỗi bận tâm khác lớn hơn. Đó là những bài giảng giáo dục công dân, phải làm sao để thật sự đó là những câu chuyện của cuộc sống, hướng các em đến những cái hay của cuộc đời.

PHÚC ĐIỀN (TTO)

 

Bình luận (0)