Hội nhậpGiáo dục phát triển

Người thầy cần phải làm tốt nhiều vai diễn

Tạp Chí Giáo Dục

Hai chữ “làm thầy” nghe đơn giản nhưng thật ra rất thiêng liêng và khó thực hiện. Người đứng trên bục giảng phải còn là một “nghệ sĩ” biết cách diễn tốt vai trò của mình, để truyền đạt kiến thức và những nguồn cảm hứng học tập cho các em học sinh…

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam sắp đến, chúng tôi có dịp trò chuyện với Thầy Nguyễn Trọng Sinh, GV dạy toán của trường chuyên Lê Hồng Phong – một người đã dành hơn nửa đời mình cho sự nghiệp giáo dục.

Thầy Nguyễn Trọng Sinh

* Chào thầy Sinh! Một chút chia sẻ về quá trình công tác cũng như những kinh nghiệm giảng dạy lâu năm trong ngành Giáo dục, thưa Thầy?
– Trước khi về giảng dạy tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tôi đã có 10 năm công tác tại huyện Cần Giờ. Cần Giờ ngày ấy còn rất nghèo khổ, thiếu thốn trăm bề. Nhưng có lẽ tình cảm chân thành, mộc mạc mà sâu đậm nghĩa tình của các em học sinh nghèo ở miền quê xa xôi ấy đã khiến tôi không thể rời xa các em trong ngần ấy năm… Đã bao nhiêu năm trôi qua tôi vẫn không thể quên được những giờ học phụ đạo vào các buổi tối tôi đã dạy cho các em. Đứng trên bục giảng, một tay cầm phấn viết bảng giảng bài, một tay nâng ngọn đèn dầu để soi chữ trên bảng cho các em chép bài. Hồi tưởng lại những năm tháng ấy lòng tôi vẫn mang cảm giác bồi hồi và thương đàn em nhỏ nhiều lắm!
Đến năm 1993, tôi may mắn được về giảng dạy tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, một ngôi trường mà không chỉ bao học sinh mơ ước được học ở đấy, mà chính một người Thầy như tôi cũng bao năm ngưỡng mộ và ước ao. Chính nơi đây tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ các thầy cô, đồng nghiệp. Trong thâm tâm, tôi đã xem Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong như một đại gia đình mà tôi phải có trách nhiệm xây dựng, bảo tồn và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường. 
Về kinh nghiệm giảng dạy, theo tôi để có 1 tiết dạy thành công người giáo viên đứng lớp phải vững vàng về chuyên môn và có một nghệ thuật sư phạm khéo léo để chuyển tải đến các em học sinh của mình những kiến thức trọng tâm của bài học một cách sinh động, nhẹ nhàng. Tôi quan niệm việc người thầy đứng trên bục giảng như một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu. Người thầy phải biết cách chinh phục học trò của mình không những chỉ bằng vốn kiến thức sâu rộng, bài tập hay mà còn ở ánh mắt, nụ cười và bằng hết cả tâm hồn của mình. Ngày xưa, khi còn là cậu học sinh tôi đã cố gắng học thật giỏi, giỏi đều các môn vì tôi cảm nhận được tình yêu thương của các GV dành cho mình, tôi không muốn lơ là môn nào vì không muốn phụ lòng thương mến của các thầy – cô. Chính vì vậy, ngày nay khi đứng trên bục giảng tôi cũng luôn nhủ lòng mình ngoài việc vững vàng về chuyên môn, phải thực sự yêu thương học sinh, hết lòng tận tụy với các em. Tôi nghĩ, nếu các em cảm nhận được tình thương của Thầy Sinh, các em sẽ thêm cố gắng trong những giờ Thầy Sinh lên lớp. 
* Được biết, bên cạnh việc dạy chính ở trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thầy còn mở một Cơ sở BDVH?
– Tôi là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gò Vấp này. Tôi cũng muốn làm được điều gì đó cho thế hệ học sinh tại quê nhà – Nơi mà gia đình tôi đã được sự cưu mang của nhiều bà con, xóm giềng. Họ biết đến tôi từ những ngày ôm mâm bánh bao chỉ đi bán rảo khắp phố phường, đã động viên tôi cố gắng vươn lên để có được ngày hôm nay. Hoài bão mở được một cơ sở để bồi dưỡng kiến thức cho các em học sinh Gò Vấp của tôi đã được Sở GD&ĐT TP.HCM chấp thuận. Cơ sở BDVH Nguyễn Thái Sơn (176/ 3 – Nguyễn Thái Sơn – P.4 – Gò Vấp) đã đi vào hoạt động được hơn 3 năm. Cơ sở được phát triển tốt cũng nhờ sự trợ lý đắc lực của vợ tôi. Bà xã đã giúp tôi cáng đáng mọi chuyện trong gia đình và lớp học để tôi có thời gian đầu tư vào việc soạn giảng, nghiên cứu chuyên môn. Cơ sở đã được nhiều GV dạy giỏi, có nhiều tâm huyết sư phạm tham gia giảng dạy. Chúng tôi quan niệm: nhiệm vụ của các GV khi đứng lớp không phải chỉ đơn thuần là dạy chữ, mà còn phải dạy các em “làm người” có trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước. Yếu tố kỷ luật, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được chú trọng. Cơ sở có hệ thống phòng học trang bị máy lạnh, có hệ thống âm thanh và máy chiếu hiện đại, dưới sự giảng dạy của đội ngũ GV giàu kinh nghiệm. Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011 vừa qua, có 150 em theo học tại đây trúng tuyển vào các trường đại học(chiếm tỷ lệ 93,5 %). Đó là một thành quả đáng khích lệ, là sự tưởng thưởng xứng đáng cho tập thể GV đã dồn bao tâm huyết cho các em.
* Ngày 20/ 11 đang đến gần. Thầy có cảm nghĩ gì thưa Thầy?
 – Từng ngày, từng ngày tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho các em học sinh. Tôi rất vui vì thấy biết bao đàn em của mình đã khôn lớn và thành đạt ngoài xã hội. Ngày 20/ 11 là dịp để thầy trò chúng tôi gặp lại nhau. Các em lại tíu tít vây quanh tôi để hỏi thăm sức khỏe, tình hình trường lớp và việc học tập của thế hệ đàn em như thế nào? Tôi cảm ơn tình yêu các em đã dành cho tôi. Đây là nguồn động lực vô giá, giúp tôi vững bước trên bục giảng bao nhiêu năm qua. Tình yêu của các em làm cho “người lái đò” này cảm thấy ấm lòng và hạnh phúc vô cùng. Tôi muốn nói với tất cả học sinh cũ, mới rằng: “Các em luôn ở trong trái tim thầy, thầy cầu chúc cho các em luôn vui khỏe và thành đạt!”.
Ngày 20/11 cũng là dịp tôi nhớ đến các thầy – cô của mình, tôi không thể nào quên được công lao dạy dỗ, tình thương của quý thầy – cô đã hun đúc cho tôi bước chân vào ngành sư phạm, tiếp bước thầy – cô trong sự nghiệp trồng người.  
* Xin cảm ơn thầy! Chúc thầy sức khỏe.
V.Thiết

Bình luận (0)