Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người thầy chiến thắng màn đêm

Tạp Chí Giáo Dục

Hạnh phúc của gia đình nhà giáo Nguyễn Viết Trường và Nguyễn Thị Hòa cùng hai con nhỏ

Trong chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình của người khuyết tật” của Đài Truyền hình Việt Nam, nhiều khán giả thật sự xúc động trước hạnh phúc của đôi vợ chồng Nguyễn Viết Trường – Nguyễn Thị Hòa. Điều làm cho khán giả cảm phục hơn khi biết cả hai vợ chồng đã vượt qua mọi trở ngại của bóng tối để trở thành sinh viên trường ĐH và giáo viên của HS khiếm thị.

Sinh viên khiếm thị giỏi vi tính

Đến với Mái ấm Thiên Ân, Q.Tân Phú, TP.HCM chắc mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi vào dự tiết dạy môn tin học mà cả thầy và trò đều là người khiếm thị. Sau những giờ dạy lý thuyết thầy Trường đến tận từng em để hướng dẫn cách dùng bàn phím và click chuột vào máy tính. Trong lớp học đặc biệt này có biết bao điều kỳ diệu mà cứ ngỡ đây không phải là sự thật. Đến lúc này tôi lại nhớ cách đây 9 năm lần đầu tiên chứng kiến người khiếm thị dùng máy vi tính để chép bài trên giảng đường. Và chàng sinh viên của Khoa Giáo dục đặc biệt đó không phải ai xa lạ mà chính là Nguyễn Viết Trường. Lúc đó đã là năm thứ 3 nên kỹ năng dùng máy vi tính có cài đặt phần mềm cho người khiếm thị đã đạt đến độ tinh xảo đến mức rất ít khi phải sửa lại lỗi trên màn hình. Tôi đã từng lấy hình ảnh này để kể chuyện làm gương cho những thanh niên khiếm thị khác coi đó là một tấm gương có thật để phấn đấu. Đó cũng là năm Trường bắt tay vào thực hiện dự án Chế tạo phương tiện hỗ trợ người khiếm thị đi xe buýt do Ngân hàng Thế giới xét tài trợ 10 ngàn USD. Trước đó đề tài nghiên cứu của Trường đã được Ban giám khảo đánh giá xuất sắc xếp loại A vì có tính ứng dụng cao tại Ngày hội sáng tạo Việt Nam tại Hà Nội. Đây là sự đền đáp cho những nỗ lực không ngừng của một sinh viên khuyết tật luôn tiên phong trong lĩnh vực khám phá tri thức và nghiên cứu khoa học.

Ít ai biết rằng cuộc đời của Nguyễn Viết Trường được kể bằng những trang viết buồn tuy không có nhiều nước mắt. 15 năm đã trôi qua nhưng cho đến hôm nay Nguyễn Viết Trường (SN 1979) vẫn không quên cú sốc lớn nhất trong cuộc đời khi đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng. Nhưng cũng chừng đó độ dài thời gian biết bao nỗ lực để anh vượt qua số phận chua chát của chính mình. Là một gia đình nhà giáo nghèo ở miền nắng gió Quảng Bình lại đông con nên năm 1992 ba mẹ Trường đành bỏ quê vào Đồng Nai lập nghiệp. Đang học phổ thông năm cuối thì một tai họa ập đến cuộc đời khi đôi mắt cậu HS Trường THPT Thống Nhất cứ mờ dần. Như tâm sự của Trường sau này, đây vừa là cú sốc mạnh nhất khi tuổi đời anh còn trẻ và những khó khăn sau đó cứ xô đẩy liên tục vào cuộc đời. Nhiều lần anh tự hỏi: trong lúc bạn bè đều đi học và đi làm, chẳng lẽ lại ngồi co ro ở nhà một mình dù nhiều người rất thông cảm. Vậy là Trường quyết không để cho số phận quật ngã mình khi xin được vào học Mái ấm Thiên Ân năm 2003.

Con đường phía trước vẫn mở

Khi tôi viết bài này thì Trường đang chuẩn bị hồ sơ theo học chương trình học bổng liên kết phát triển do Chính phủ Úc tài trợ. Vui vì may mắn có được suất học bổng có giá trị, đầy tính nhân văn nhưng cũng lo vì phải chạy ngược xuôi làm visa cho cả nhà cùng đi một lần. Từ một HS từng đau khổ với số phận của mình, thầy giáo Nguyễn Viết Trường đang viết thêm những trang mới về nghị lực phấn đấu khi được đào tạo thành nguồn nhân lực cho đất nước trong tương lai. 

Tuy có lợi thế hơn bạn bè cùng cảnh ngộ nhưng hầu hết Trường đều học lại từ đầu. Thật trớ trêu khi một chàng trai 18 tuổi bắt đầu học kỹ năng sống của đứa trẻ 4, 5 tuổi. Một HS lớp 12 bắt đầu tập viết chữ nổi như các bé lớp 1. Trường không khóc nhưng có cảm giác như nước mắt cứ chảy vào trong, đau đớn vô cùng. Trường dựa vào sự nâng đỡ của thầy cô, bạn bè trong mái ấm mà đứng dậy đi từng bước một trong cuộc đời. Chỉ một năm sau Trường trở thành sinh viên đầu tiên của Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường ĐHSP TP.HCM. Biết bao vất vả khi 4 năm theo học ở trường nhưng đây là cơ hội tốt nhất để Trường khôn lớn hơn về tri thức, ngoại ngữ và năng lực sư phạm… Trở về nơi cũ công tác, mong muốn của thầy giáo Trường là dìu dắt đàn em cùng chung cảnh ngộ chiến thắng nghịch cảnh của số phận. Đây cũng là nơi anh tìm thấy tình yêu khi kết duyên với cô giáo Trường Mầm non Nguyễn Thị Hòa. Một đôi lần trò chuyện với Trường qua điện thoại, tôi nghe rất nhiều tiếng cười đùa của con trẻ mới biết đôi vợ chồng đã có trai gái đủ bề mắt sáng bình thường. Nhưng đây cũng là khó khăn mới khi anh là người trụ cột trong gia đình. Ngoài giờ dạy anh còn tranh thủ dịch sách để kiếm tiền mua sữa, mua thuốc cho con. Dù không thấy đường nhưng cha Trường vẫn cho con ăn hàng ngày. Nhiều lúc nhìn chồng đút bột vào mũi vào má con, người vợ hư một mắt chỉ vừa thương con vừa thương cả cha.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)