Đó là những người cha, người mẹ, khi biết con mình mắc chứng tự kỷ, đã nhẫn nại uốn nắn cho con từng kỹ năng nhỏ trong giao tiếp, sinh hoạt. Đồng thời tìm thầy để hướng dẫn phát triển năng khiếu giúp con có cuộc sống tốt đẹp hơn. Họ cũng là minh chứng cho việc: Mắc tự kỷ không phải là dấu chấm hết.
Nguyễn Thế Vinh đệm đàn cho nghệ sĩ Viola Nguyễn Nguyệt Thu tại buổi gặp gỡ |
Cậu bé thần đồng âm nhạc
Đó là em Nguyễn Thế Vinh, 15 tuổi. Em sinh ra trong một gia đình ở Hà Nội, vào mẫu giáo vẫn còn ăn cháo xay, không tiếp xúc trò chuyện với bất cứ ai, các phản ứng trong giao tiếp đều chậm. Khi đó, chuyện ăn uống của Vinh trở thành cực hình và ám ảnh với cha mẹ mình. Tuy nhiên, khi để ý thấy con có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt, cha mẹ đã cho em học organ từ khi mới lên 5. Với âm nhạc, Vinh dường như trở thành một con người hoàn toàn khác. Khi vui tươi, lúc trầm ngâm, khi hoạt bát và dần cải thiện giao tiếp với người khác. Chính nhạc sĩ Phú Quang đã thẩm định năng khiếu âm nhạc ở Vinh là có thật. Nhờ có mối quan hệ thân hữu với nhạc sĩ, con gái ông là nghệ sĩ piano Trinh Hương đã nhận lời dạy đàn cho cậu bé. Là người trực tiếp dạy Vinh trong nhiều tháng ngày, thạc sĩ Trinh Hương nhận định Vinh là một tài năng hiếm có. Vì quy trình học “vỡ lòng” của người học piano là tập từ tay phải, sau đó tập tay trái và cuối cùng là phối hợp cả hai tay trong một bản nhạc. Tuy nhiên, Vinh lại có điều đặc biệt là có thể học song song cùng một lúc. Khi tay phải nhấn phím thì tay trái lập tức xử lý hợp âm rất chuẩn.
Thạc sĩ Nguyễn Nguyệt Thu cho rằng âm nhạc có thể là một trong những liệu pháp trị liệu giúp trẻ tự kỷ hòa nhập với cuộc sống và phát triển năng khiếu vốn có. Chị khẳng định: “Các gia đình xin nhớ rằng “có con tự kỷ không phải là kết thúc”, mà hãy dũng cảm đồng hành với con, cho con cơ hội để con được yêu thương và được sống hạnh phúc”. |
Nhờ sự say mê, cảm thụ tốt và trí nhớ tuyệt vời, Vinh nay là học sinh chuyên ngành piano (năm thứ 7) của Học viện Âm nhạc quốc gia. Đặc biệt, từ khi lên 10 em đã bắt đầu tự khẳng định mình bằng giải vàng tại Liên hoan âm nhạc tổ chức tại Cheonan, Hàn Quốc (năm 2010). Một năm sau, tại đêm nhạc Summer 2011 Gala Concert do Học viện Âm nhạc quốc gia tổ chức, nhạc trưởng người Nhật là Honna Tetsuji sau khi chứng kiến “ngón đàn” của Vinh đã hết mực khen ngợi và khẳng định: “Tôi đã từng cộng tác với nhiều tài năng, nhưng Nguyễn Thế Vinh là tài năng âm nhạc trẻ tuổi nhất mà tôi may mắn được làm việc cùng”.
Vào năm 2012, Vinh tiếp tục đạt giải 2 Concerto Category (bảng A) trong Cuộc thi piano quốc tế tại Malaysia. Ngoài ra, Vinh còn được vinh dự tham gia biểu diễn cùng dàn nhạc tại cung điện Kremli để phục vụ Tổng thống Nga Putin. Trong năm 2015, em được nhạc trưởng người Mỹ là Clay Couturiaux mời biểu diễn cùng.
Đặc biệt, trong năm nay, Vinh đã đạt giải quán quân Cuộc thi quốc gia Steinway International Youth Piano Competition 2016 với phần trình bày một bản nhạc cổ điển trong thời lượng hơn 18 phút. Vào ngày 12-11 vừa qua, Vinh tiếp tục đặt chân đến Thái Lan để tham dự một cuộc thi piano khác nữa. Thạc sĩ âm nhạc Nguyễn Nguyệt Thu (người đã tốt nghiệp thạc sĩ âm nhạc tại Nga và Hà Lan) khẳng định Nguyễn Thế Vinh là một tài năng thiên phú. Một số phụ huynh có con mắc chứng tự kỷ có mặt trong buổi biểu diễn của Vinh và thạc sĩ Nguyễn Nguyệt Thu đã xúc động đến chảy nước mắt khi chứng kiến Vinh đàn giỏi, hoạt bát, thân thiện, ngoan ngoãn. Và đây cũng chính là động lực giúp cho những người cha, người mẹ vượt lên mặc cảm để đưa con đến với những cơ hội mới.
Hiện sở hữu một phòng nhạc và phòng thu âm riêng tại gia đình, Vinh tâm sự: “Âm nhạc là người bạn thân thiết nhất của em. Em có thể ăn và ngủ với âm nhạc”. Nói về ước mơ lớn lao của đời mình, Vinh cho biết: “Em ước mơ trở thành nghệ sĩ piano và sau này sẽ làm thầy giáo để dạy học cho những học sinh và bất kỳ ai yêu thích âm nhạc như mình”.
Chuyện về một họa sĩ nhí
Chị Trần Thị Minh Thảo hỗ trợ con vẽ tranh tại buổi gặp gỡ ngày 23-10-2016 |
Họa sĩ nhí này là em Phạm Thái An, có năng khiếu vẽ tranh và đã từng có hai cuộc triển lãm trong những sự kiện do thạc sĩ Nguyễn Nguyệt Thu tổ chức. Trong đó, cuộc triển lãm Màu xanh yêu thương ở Hà Nội vào năm 2015 và triển lãm vào ngày 23-10 vừa qua ở TP.HCM đã được khán giả nhiệt tình đón nhận. Những bức tranh An vẽ hầu hết đều là cảnh làng quê yên bình, những ngôi nhà xinh, bầu trời trong xanh, những con đường quê mộc mạc có hàng cây xanh thắm.
Thạc sĩ tâm lý Võ Thị Minh Huệ lưu ý, trẻ tự kỷ có thể bị khiếm khuyết một vài chức năng nào đó, nhưng vẫn có những năng khiếu (có khi vượt bậc) như vẽ, chơi đàn, làm phép tính giỏi, biết đọc báo khi chưa biết chữ… Tuy nhiên, điều quan trọng là phụ huynh nên chú ý quan sát và cho con cơ hội để phát triển, hòa nhập và được sống hạnh phúc như bao trẻ em cùng trang lứa. |
Mẹ của An, chị Trần Thị Minh Thảo cho biết, chị phát hiện con mắc chứng tự kỷ khi bé được 18 tháng tuổi. Sau khi có kết quả khám ở Bệnh viện Nhi đồng, chị đã không tin đó là sự thật. Sau một thời gian ngắn đấu tranh nội tâm, chị đã tìm đủ mọi cách để giúp con vượt qua khó khăn trước mắt bằng việc tìm hiểu thông tin trên báo chí và các trang mục về sức khỏe, mạng xã hội… Khi An 2 tuổi, chợt thấy con thích thú với những nét vẽ đầu tiên, chị đã quyết tâm giúp con phát triển sở thích. Chị mua màu, mua cọ để con vẽ những gì con muốn. Quan sát những bức tranh trên giấy, thấy con vẽ có ý tưởng và có “hồn”, chị tiếp tục khuyến khích con học vẽ bằng cách cùng ngồi chơi với con, giúp con pha màu và khơi gợi cho con những ý tưởng mới.
Một lần qua facebook, chị Thảo đã liên kết được với thạc sĩ âm nhạc Nguyễn Nguyệt Thu. Sau thời gian đồng hành với An, giúp bé trải nghiệm việc vẽ tranh trên nền âm nhạc, những bức tranh của An trở nên có hồn hơn cả trong nội dung lẫn cách phối hợp những gam màu tươi sáng. An đã minh chứng điều đó một lần nữa ngay tại buổi gặp gỡ ngày 23-10-2016 vừa qua với sự chứng kiến của gần 50 tham dự viên. Còn nhớ vào buổi chiều ngày hôm đó, thạc sĩ Nguyễn Nguyệt Thu đã “phân công” Nguyễn Thế Vinh chơi piano một số bài nhạc cổ điển, trong đó có bài nói về mùa thu ở châu Âu. Cùng lúc đó, Phạm Thái An bắt đầu đặt bút vẽ. Khi anh Vinh đàn chậm, thì An đưa nét vẽ chậm. Khi anh Vinh chơi đàn nhanh, lập tức những nét vẽ của An cũng trở nên nhanh mạnh, dứt khoát, không do dự. Kết quả là An đã hoàn thành một bức tranh mùa thu, có bầu trời trong xanh, có hàng cây hoa vàng và ánh mặt trời rực rỡ chỉ sau 45 phút chấp bút.
Ngồi bên con khi An vẽ tranh, chị Thảo thỉnh thoảng âu yếm lau mồ hôi trên mặt con, ánh mắt và nụ cười nơi gương mặt chị luôn hiển hiện cho thấy niềm hạnh phúc vô bờ. Không như trước đây chị đã từng nghĩ “mắc chứng tự kỷ là dấu chấm hết”.
Bích Vân
Bình luận (0)