Hơn 30 năm vừa là bác sĩ vừa bén duyên với những giảng đường đào tạo y khoa, ngoài công tác khám chữa bệnh và giảng dạy, cho đến nay thầy thuốc, thầy giáo, GS. Nguyễn Đức Công – Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM – đã trực tiếp hướng dẫn gần 100 học viên, nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2… Là người thầy với nhiều tâm huyết, mẫu mực, luôn được học trò và cấp dưới kính trọng, tin yêu.
Cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa GS. Nguyễn Đức Công với bệnh nhi bị cây sắt đâm thủng tim được ông chỉ đạo ê-kíp cấp cứu và cứu sống một cách thần kỳ
Tự hào vì được gọi là… thầy
Ông kể, sinh năm 1959 tại Nam Định, trong một gia đình cán bộ ở thị thành. Bố là cán bộ quê Bình Định tập kết ra Bắc, mẹ là bác sĩ. Thuở niên thiếu kết quả học tập của ông chỉ ở loại khá. Đam mê theo nghề của mẹ, tốt nghiệp THPT, ông quyết định và thi đỗ vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) với số điểm khá cao. Ở môi trường mới với kỷ luật “thép”, quy định nghiêm ngặt giúp ông có nhiều điều kiện để tập trung học tập. Nhiều năm liền ông đều đứng đầu lớp về kết quả học tập, năm tốt nghiệp đỗ đầu cả khóa.
Tốt nghiệp ĐH với điểm số cao, ông được giữ lại đào tạo và công tác tại Bệnh viện 103 ở Bộ môn Tim – Thận – Khớp – Nội tiết. Sau 5 năm tích cực rèn luyện, trưởng thành từ quá trình khám chữa bệnh vừa học tập, ông chính thức trở thành giảng viên tham gia giảng dạy ở Học viện Quân y, giảng dạy ở trình độ ĐH, CĐ, sau ĐH (trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 1, và bác sĩ chuyên khoa cấp 2). Năm 1989, ông thi đỗ nghiên cứu sinh, được tham gia thực tập sinh tại đất nước. Trong quá trình 6 năm học tập tại Nhật Bản ông cũng xuất sắc hoàn thành luận án tiến sĩ. Với những thành tích vượt trội, trở về nước, ông được giao nhiệm vụ Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, Phó chủ nhiệm Khoa Tim – Thận – Khớp – Nội tiết (Bệnh viện 103, Học viện Quân y). Năm 2004 ông được công nhận chức danh phó giáo sư ngành y học. Cuối năm 2007, ông được điều động “Nam tiến” giữ cương vị là Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM. Năm 2008 trở thành Giám đốc tại bệnh viện này.
“Xuất phát điểm của tôi là học bác sĩ, theo nghề của mẹ, nhưng duyên số cũng giúp tôi bén duyên với những giảng đường. Sau 5 năm tốt nghiệp ĐH, song song với quá trình làm bác sĩ, học tập nâng cao, tôi đi dạy rất nhiều thế hệ sinh viên, học viên cả quân và dân y. Đi đâu cũng gặp học trò, cũng có người gọi tôi là thầy. Tôi rất vui và vinh hạnh”, GS. Công kể lại trong niềm tự hào. “Nhớ có lần đó tôi được mời xuống làm việc tại Tỉnh ủy Vĩnh Long. Xong việc tôi được Tỉnh đội trưởng Vĩnh Long mời đi ăn cơm, được dẫn ra một đồng ruộng, có một cái nhà tuềnh toàng, nhiều bộ đội đang nấu cơm. Khi tôi vào có một người đi ra trịnh trọng chào “Em chào thầy ạ. Em là học sinh của thầy, về làm việc ở đây, hôm nay rất vinh dự được gặp thầy”. Tôi rất xúc động bởi mình đi đến tận nơi xa xôi nhưng vẫn có người học trò ra nhận mình là… thầy. Hôm nói chuyện sức khỏe ở Quân đoàn 4, hầu hết các cán bộ ở đó cũng đều là học trò cũ của tôi…”.
Tâm huyết với đào tạo nhân lực y khoa
Cho đến nay, với cương vị là Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất; Phó Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương; Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ miền Nam, trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ cấp cao, với bộn bề công việc, ấy thế GS. Công vẫn rất tâm huyết trong việc đào tạo nhân lực ngành y. Ông hiện là Phó Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa – ĐH Y dược TP.HCM; Chủ nhiệm Bộ môn Lão khoa – ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch; Phó Chủ nhiệm Bộ môn Nội, Khoa Y – ĐH Quốc gia TP.HCM… Ngoài ra, là người thường xuyên thực hiện những chuyến đi tỉnh, chủ trì những cuộc trò chuyện về sức khỏe cho các cán bộ quân đoàn, các cán bộ tại các tỉnh thành Đông Nam bộ, Tây Nam bộ…
GS. Nguyễn Đức Công trong một buổi trò chuyện sức khỏe tại tỉnh Long An
GS. Nguyễn Đức Công chia sẻ: “Để cân bằng quỹ thời gian, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, thì ông luôn phải tranh thủ thêm ngoài giờ. “Thường thì thời gian chính trong ngày tôi dành cho công việc tại bệnh viện. Sau giờ hành chính, tôi thường dùng để hướng dẫn các học viên cách thực hiện triển khai đề tài, gợi ý các học viên những đề tài hay. Tối đến, tôi xem bài của từng học viên thật kỹ để có thể phản biện tốt nhất, giúp những học trò của tôi góp nhặt được nhiều kiến thức nhất. Còn đến cuối tuần, hầu như không ngày nào tôi được ở nhà, ngược lại tôi đi tỉnh với những cuộc thính giảng, trò chuyện về sức khỏe…”.
Trong sự nghiệp, công việc, tâm huyết chăm sóc sức khỏe cho người bệnh bao nhiêu thì GS. Công càng tâm huyết với công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực y khoa bấy nhiêu, đặc biệt là lĩnh vực lão khoa. Minh chứng là nhiều bài báo khoa học, nhiều công trình nghiên cứu về cơ cấu bệnh ở người cao tuổi; các bệnh lý ở người cao tuổi về chẩn đoán và điều trị; quá trình lão hóa và các bệnh lý; các bệnh không lây nhiễm hiện nay về tim mạch, thận, khớp, nội tiết và chuyển hóa. GS. Nguyễn Đức Công trăn trở: “Hiện nay nước ta đang đối diện với thách thức dân số già kèm theo đó là những bệnh lý về tuổi già. Nếu không chú trọng đào tạo nguồn nhân lực y khoa cho lão khoa ngay từ bây giờ thì trong tương lai gần, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho người già sẽ thiếu trầm trọng, sức khỏe của người dân không được chăm sóc kịp thời. Do đó, tôi luôn nỗ lực với mong muốn tương lai người bệnh sẽ được chăm sóc tốt hơn”. Với cường độ làm việc kín mít từ khám chữa bệnh đến giảng dạy, nhưng GS. Công vẫn tràn đầy năng lượng, lạc quan với công việc của mình: “Dù hơi vất vả nhưng tôi vẫn đảm nhiệm tốt. Tôi luôn tâm niệm, rằng hai nghề này luôn tương trợ cho nhau, làm nghề y tốt mới dạy tốt, dạy tốt mới giúp nghề y tiếp tục phát triển”.
Với nhiều nỗ lực trong công tác chăm sóc sức khỏe và giảng dạy, GS. Nguyễn Đức Công đã vinh dự được trao tặng nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu: Thầy thuốc Nhân dân (2014), Huân chương Lao động hạng 3 (2013), Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng (2011), Huân chương Chiến công hạng nhất (2004)… và nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương.
Nhã Nam
Bình luận (0)