Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy “dẫn đường” tận tâm

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 30 năm gắn bó với Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM), thầy Nguyễn Phi Hùng đã dày công dìu dắt nhiều thế hệ học sinh khuyết tật giúp các em ra đường không còn lo sợ mà có thể bước những bước đi đầy tự tin.

Thầy Nguyễn Phi Hùng dạy các em học sinh khiếm thị băng qua đường

“Hiệp sĩ giao thông”

Thầy Nguyễn Phi Hùng được Đài Tiếng nói Việt Nam VOV giao thông vinh danh là “Hiệp sĩ giao thông” từ năm 2009 bởi những cống hiến của thầy dành cho môn học “Định hướng di chuyển”. Người ta vẫn thường gọi thầy Hùng là người thầy của “môn học sống”. Bởi đây là môn học đòi hỏi tính thực tế cao, sự quyết tâm và lòng dũng cảm. Tham dự một buổi học của các em khiếm thị mới thấy hết được những khó khăn, vất vả mà cả thầy và trò phải trải qua. Thầy Nguyễn Phi Hùng tâm sự: “Tình hình giao thông như ở TP.HCM hiện nay thì người sáng mắt khi băng qua đường cũng còn gặp khó khăn, sợ hãi thậm chí có lúc còn lạc đường chứ nói gì đến các em khuyết tật”. Những người sống trên đoạn đường Nguyễn Chí Thanh và đường An Dương Vương (quận 10, TP.HCM) đã quá quen thuộc với hình ảnh người thầy cùng một nhóm học trò gồm 3-4 người tay cầm cây gậy trắng tập băng qua đường. Thầy Hùng ân cần cầm tay chỉ bảo từng em một: “Một tay cầm gậy, một tay dơ lên cao qua đầu để xin đường”. Khuôn mặt thấm đẫm mồ hôi thầy nói tiếp: “Các em phải khua gậy nhẹ để dễ nghe được những tiếng động xung quanh, phải vẽ cung đường và xác định vạch sang đường cho chính xác, đi đến những chỗ lồi, lõm thì cần phải chú ý. Tai lắng nghe đây không phải là ngã tư không có đèn đỏ nên xe cũng sẽ di chuyển theo đợt. Các em chú ý khi nào ngớt tiếng xe thì bắt đầu đi. Tuyệt đối không được đi ở đoạn lề cong mà phải đi ở đoạn lề thẳng. Các em nghe rõ không?”. Những chỉ bảo của thầy đã giúp các em học sinh có thể tự đi mua sắm, đi bộ thậm chí là một mình bắt xe buýt từ nhà đến trường và từ trường trở về nhà mà không cần có sự giám sát của phụ huynh. Đối với các em mắt kém nhưng vẫn có khả năng nhìn thấy thì thầy Hùng cho các em phát huy khả năng đó bằng cách dạy kỹ năng sử dụng ống nhòm để quan sát. Em Đoàn Thuận (22 tuổi, học sinh Trường THPT chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu) chia sẻ: “Em rất thích học môn “Định hướng di chuyển”, ban đầu khi mới ra đường em thấy rất run và sợ hãi nhưng nhờ có môn học này nên đã giúp em có thể tự tin bước ra đường mà không còn lo sợ nữa, thậm chí em còn có thể tự bắt xe buýt về nhà hay đi mua sắm một mình”. Thầy Hùng chia sẻ thêm: “Một lớp học có 10 em học sinh là đã quá nhiều mà nên chỉ 6-7 em là đủ. Vì đây là môn học có tính thực hành ở ngoài đường cao. Chính vì vậy khi thực hành ngoài đường thì một người thầy không thể kiểm soát hết được các em nên sẽ rất nguy hiểm”.

Môn học cần cái tâm

Vợ chồng thầy Hùng hạnh phúc bên cháu nội

Với những đóng góp của mình, thầy Nguyễn Phi Hùng được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen và nhận kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông” của Bộ Giao thông vận tải, đồng thời được VOV vinh danh là “Hiệp sĩ giao thông” năm 2009.

Trong vai một người dự giờ lớp thầy Hùng mời tôi tham gia một buổi học thực hành về cách bắt xe buýt của các em học sinh khiếm thị. Thầy rất tỉ mỉ hướng dẫn cho từng em về cách bắt xe như thế nào? Cách lên xuống xe sau mỗi trạm lên xuống ra làm sao? Quả thực sau mỗi giờ học mới thấy hết được cái tâm của người thầy dành cho môn học này”. Ánh mắt trìu mến thầy tâm sự: “Dạy các em kỹ năng thực hành với tính thực tế cao để sau này các em có thể tự bảo vệ mình và lo kiếm được công việc ổn định để nuôi sống bản thân và hòa nhập với cộng đồng”. Thầy Hùng cũng rất cẩn thận, chăm chút từ công việc nhỏ nhất, đến giờ thực hành ngoài đường thầy đi lấy nón cho từng em, sau mỗi tuần thì lại mang về giặt. Công việc tuy không vất vả nhưng cần phải biết quan tâm và chia sẻ. Sau mỗi giờ học thầy thường tập trung các em lại rồi nhận xét cái đúng, cái sai của từng em. Giọng thầy nhẹ nhàng: “Thuận biết tại sao khi nãy con bị té không?”. Tại vì con đi không đúng lề, vẽ cung đường không chính xác, khua gậy quá mạnh nên không nghe thấy những âm thanh xung quanh… Lần sau rút kinh nghiệm nha”.

Khi nói về bà xã Trần Thị Thanh Hiền, thầy rất khiêm tốn, nhẹ nhàng: “Tôi hạnh phúc vì bà xã luôn động viên, ủng hộ tôi trong công việc. Bởi công việc này đòi hỏi người thầy phải hết sức kiên trì, nhẫn nại đặc biệt là cần có cái tâm với nghề”. Các con của thầy cũng đều đã trưởng thành, người con cả là một chiến sĩ công an, cô gái thứ hai hiện đang là sinh viên ngành sư phạm giáo dục tiểu học. Con gái út thì đang học cuối cấp 2, cũng rất thích nghề sư phạm giống ba.

Bài, ảnh: Nghiêm Quế

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)