Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người thầy đi ra từ cuộc chiến

Tạp Chí Giáo Dục

Tròn 50 năm sau ngày bộ phim tư liệu “Vỹ tuyến 17 chiến tranh nhân dân” được khởi quay trên vùng đất thép Vĩnh Linh (Quảng Trị), cậu bé tên Đức với câu nói “Không sợ Mỹ, chỉ sợ bom…” ngày ấy, bây giờ đang miệt mài với phấn trắng bảng đen, truyền lửa cho bao thế hệ học trò…

40 năm sau ngày tham gia bộ phim “Vỹ tuyến 17 chiến tranh nhân dân”, thầy Đức gặp lại trợ lý đạo diễn Xuân Phượng (bìa phải) trên quê hương mình

Trui rèn trong lửa đạn

Ngôi nhà nhỏ của thầy giáo Phạm Công Đức, giáo viên Trường THPT Gio Linh nép mình dưới chân Dốc Miếu (thuộc khu phố 1, thị trấn Gio Linh, Quảng Trị). Thầy đón chúng với nụ cười thật tươi. Tròn 50 năm sau ngày bộ phim “Vỹ tuyến 17 chiến tranh nhân dân”, phong thái của cậu bé Đức chỉ tầm 9, 10 tuổi trong bộ phim tư liệu ngày ấy không có nhiều thay đổi so với một thầy giáo tóc đã điểm hoa râm bây giờ. Vẫn nét mặt, giọng nói và đôi mắt toát lên vẻ tinh anh, kiên cường của người từng đi qua những tháng ngày khốc liệt của cuộc chiến tranh. Câu chuyện về cuộc đời thầy như thước phim quay chậm đầy xúc động được tái hiện qua chất giọng trầm ấm…

62 năm về trước, cậu bé Đức cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Gio An trù phú tiêu nồng, mít ngọt, chè xanh… được tưới tắm bởi những mạch ngầm trong vắt mải miết chảy suốt ngàn năm. Nhưng cuộc sống của cậu cũng như muôn vàn người dân khác trên mảnh đất này không được bình yên khi Mỹ Ngụy thực hiện luật 10-59, lê máy chém đi khắp miền Nam. Cha đi tập kết khi cậu còn đỏ hỏn. Vài năm sau đó, mẹ cậu bị chế độ Mỹ Ngụy tra tấn, bắt li khai “cộng sản”. Vì sự an toàn của cơ sở, bà nuốt niềm uất nghẹn vào lòng, chấp nhận sự ép buộc đầy nghiệt ngã đó để bước chân theo “chồng” mới. Một năm sau, bà đau buồn, ngã bệnh và qua đời. Cậu bé Đức lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà nội. Gia đình ông bà nội lúc bấy giờ là một cơ sở hoạt động cách mạng bí mật. Giữa thời buổi bom đạn chiến tranh khốc liệt, mỗi người dân là một dũng sĩ, kể cả người già và trẻ con. Tầm năm, bảy tuổi, Đức đã được ông nội giao nhiệm vụ, khi thì đứng chơi ngoài ngõ với mục đích canh chừng quân địch, hễ thấy chúng đến nhà thì cất tiếng chào thật to để đánh động cho cán bộ cách mạng trong nhà kịp thời xuống hầm. Lớn lên chút nữa, Đức được ông giao đưa cơm cho các cán bộ nằm hầm bí mật; liên lạc móc nối cơ sở với cán bộ cách mạng từ Gio An, Gio Sơn, xuôi về phía đông ở Gio Mỹ, Trung Hải để nắm tình hình địch. Có khi, cậu bất chấp nguy hiểm, lân la vào các đơn vị đóng quân của giặc, ăn trộm đạn hoặc lựu đạn đem về cho các cô chú du kích. Thân hình nhỏ thó nhưng đôi mắt tinh tường và bước chân nhanh nhẹn, biết bao lần Đức băng mình qua lằn ranh của sự sống và cái chết trước làn tên mũi đạn để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Năm 1964, xã Gio An – xã đầu tiên của huyện Gio Linh giải phóng. Địch tăng cường săn lùng, càn quét, phục kích nhằm tiêu diệt cán bộ cách mạng của ta. Đức lại nhận nhiệm vụ liên lạc cho cán bộ du kích Gio An với bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực từ miền Bắc vào tham gia chống càn, đánh đồn Cồn Tiên, Dốc Miếu; dẫn đường cho bộ đội trinh sát hoặc tự mình thăm dò tình hình địch. Nhiều lần cậu đã dẫn đường cho cán bộ cách mạng lọt qua nhiều ổ phục kích trên đường đi công tác… Với những chiến công ấy, năm 1966, Đức vinh dự được bầu là chiến sĩ thi đua tỉnh Quảng Trị, được thưởng huy hiệu Bác Hồ và được phong dũng sĩ diệt Mỹ.

Năm 1964, ông nội mất, hai năm sau, bà nội cũng theo ông, Đức thành đứa trẻ mồ côi giữa bốn bề bom đạn của cuộc chiến tranh. Đầu năm 1967, cậu được tổ chức đưa ra bờ Bắc sông Bến Hải. “Nghe các chú bảo, về xếp áo quần đi theo các chú ra gặp ba, mình háo hức lắm, chạy một mạch về nhà mang quần áo, rồi băng qua Gio An, Gio Bình, Trung Sơn, lội qua Bến Tắt (đầu nguồn sông Bến Hải) để qua Vĩnh Linh. Hai hôm sau mình được đưa đến Ty Nông nghiệp – khu vực Vĩnh Linh để gặp ba đang công tác ở đó”, thầy Đức bùi ngùi nhớ lại. Sau chục năm trời mới gặp được nhau, hai cha con quyến luyến không rời. Vì tình cảm sâu nặng, Đức bỏ lỡ những đợt ra Bắc học tập nhưng cũng chính từ đó Đức có cơ duyên gặp gỡ Đoàn làm phim của vợ chồng đạo diễn người Pháp gốc Hà Lan, ông Joris Ivenrs (bạn của Bác Hồ), bà Marceline Loridan và trợ lý đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng. Trong phim, hình ảnh về cậu bé Đức đầu đội mũ cối với nụ cười hồn nhiên nhưng rất kiên cường – là chứng nhân cho cuộc chiến tranh khốc liệt nhất đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải.

Sau khi hoàn thành bộ phim, cuối năm 1967, Đức theo diện K8 ra Gia Viễn (Ninh Bình) tiếp tục học tập. Ở đó, cậu bé bên bờ vỹ tuyến trở thành thần tượng của hàng vạn thiếu niên Gia Viễn khi vinh dự đại diện cho thiếu niên miền Nam thành đồng báo công trên đất Bắc… “Những năm theo học ở đó, mình luôn nhận thư và quà của ba gửi ra từ vỹ tuyến 17. Sau này mới biết, mình đi được một thời gian thì ba hi sinh trong một chuyến đi công tác. Các đồng đội đã thay ba gửi thư để động viên mình học tập”, thầy Đức trầm giọng, đưa đôi tay chai sần lần giở những bức ảnh cũ, nhớ về ký ức xưa.

Ươm mầm xanh trên miệng hố bom

Năm 1972, Đức trở về Vĩnh Linh, học tiếp 2 năm cấp 3 ở trường Cấp 3 Vĩnh Linh A (thị trấn Hồ Xá). Sau đó vào học ngành sư phạm Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Vinh. Một năm sau thì chuyển về ĐH Sư phạm Huế. Thời điểm năm 1979, thầy tốt nghiệp ĐH, cả huyện Gio Linh số người tốt nghiệp ĐH chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ra trường, thầy được bố trí giảng dạy tại Trường Quốc học Huế – một ngôi trường có tiếng trong cả nước. Tương lai rộng mở, nhưng rồi tình yêu nơi “chôn nhau cắt rốn” thôi thúc thầy trở về với ngôi trường Cấp 3 Cồn Tiên. Tuổi trẻ căng tràn nhiệt huyết, thầy chung sức cùng đồng nghiệp và người dân miền trung du này vá liền lại miệng hố bom, ươm lên mầm chữ tươi xanh.

Đi ra từ cuộc chiến, vợ chồng thầy Phạm Công Đức trở về góp sức cùng bà con bên bờ vỹ tuyến 17 ươm lên những mầm chữ xanh tươi

Một năm sau đó, thầy chuyển về trường Cấp 3 Gio Linh (cùng huyện) tiếp tục công việc dạy học. Ở đó, thầy gặp và nên duyên với cô giáo Lê Thị Tịnh, giáo viên dạy văn ở một trường cấp 2. Vợ thầy cũng là một học sinh K8 trong cuộc trường chinh tìm con chữ trong những năm chiến tranh diễn ra khốc liệt nhất bên bờ vỹ tuyến 17.

Thời bao cấp khốn khó, đồng lương của vợ chồng đều là nhà giáo không đủ nuôi con. Vất vả là vậy nhưng thầy vẫn bền bỉ và luôn là người truyền lửa trong những tiết dạy học. Tiết học của thầy không chỉ có kiến thức, lồng ghép trong đó cả những bài học về đạo đức, về tình yêu quê hương và cả về cách ứng xử thường ngày trong cuộc sống. Đêm đêm, thầy chong đèn dầu soạn giáo án, tỉ mẩn chữa từng lỗi trong bài kiểm tra cho học sinh. Mỗi lời phê được thầy chắt chiu, gạn lọc để làm sao cho học sinh mình dễ hiểu, dễ tiếp thu bài nhất. Chưa hết, ngay từ những năm đầu khi CNTT được ứng dụng vào việc dạy học trong nhà trường, dù đã lớn tuổi, thầy vẫn tiên phong đi đầu. Những lúc ấy thầy thức khuya hơn bên máy tính để tìm tòi, soạn giáo án điện tử… Năm học 2008-2009, thầy được nhà trường khen thưởng về thành tích ứng dụng CNTT trong dạy học.

Gần 40 năm miệt mài gieo chữ, thầy lặng lẽ làm người đưa đò tận tụy cho bao thế hệ học trò trên miền đất nghèo Gio Linh trưởng thành. Tôi hỏi thầy, điều gì đọng lại sau ngần ấy những khó khăn mà thầy đã trải qua? Thầy cười hiền: “Chiến tranh đã lấy đi của người ta nhiều thứ nhưng ân tình con người dành cho nhau vô giá và trường tồn. Điều đó là hậu thuẫn lớn nhất cho mình đứng vững, vượt qua khó khăn”. Giây phút đó, tôi nhìn nhanh lên bức tường nơi căn phòng làm việc của thầy, nơi tấm Huân chương kháng chiến hạng nhất, những giấy khen về thành tích văn hóa suất sắc trong 40 năm trồng người với những nét mực cũ mới được treo trang trọng. Tôi hình dung lại ánh mắt kiên cường của cậu bé Đức ngày nào với chiều cao chưa quá tầm cây súng trường K50 nhưng giọng nói đầy quả quyết: Không sợ Mỹ… Có bị bắt cũng không khai vì khai sẽ ảnh hưởng đến các chú bộ đội. Càng khâm phục hơn những tháng năm thầy đã âm thầm viết nên những bài học quý về tình yêu quê hương đất nước, về sự kiên cường và nghị lực vượt qua khó khăn cho hôm nay và mai sau!

Phan Vĩnh Yên

Bình luận (0)