Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người thầy giáo anh hùng bị bỏ quên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

50 năm trước, vào ngày 8-7-1958, thầy Nguyễn Quang Trung là một trong những người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất tại Đại hội chiến sĩ  thi đua công-nông-binh toàn quốc tại Hà Nội.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong phát biểu tại đại hội lúc đó luôn nhắc đến ông Nguyễn Quang Trung như một gương mặt điển hình “anh hùng trên mặt trận diệt dốt”. Khi ấy ông Nguyễn Quang Trung mới 25 tuổi, với hai chân bại liệt nhưng đã xóa mù chữ cho hàng trăm người dân vùng biển Vĩnh Linh.

Nửa thế kỷ trôi qua, người thầy giáo anh hùng giờ đã 75 tuổi, đang sống neo đơn nơi ngôi làng hẻo lánh miền chân sóng với khoản trợ cấp ít ỏi.

Một thời hào hùng

Thầy Trung và những huy chương lưu dấu thành tích giáo dục của mình - Ảnh: N.UyênSinh năm 1933, năm lên 4 tuổi, một trận sốt đã khiến cậu bé Trung bại liệt hai chân. Thôn Thái Lai là một làng chài hẻo lánh, không trường lớp, chỉ một hai nhà khấm khá thuê thầy giáo về dạy chữ cho con. Cậu bé Trung suốt ngày bò lê la với đôi chân tật nguyền, vừa chăm đứa em trai. Thấy  trong làng có người dạy chữ, Trung để đứa em ngồi lên cổ mình rồi cứ thế lết đi qua những động cát đến ngấp nghé ngoài hiên nhà người ta nghe thầy giảng.

Lạ một điều là học ké nhưng Trung lại sáng dạ, nghe đến đâu biết đến đấy. Một hôm thầy hỏi bài, cậu học trò con chủ nhà ngắc ngứ, Trung vừa ôm em vừa nhắc vọng vào qua liếp cửa. Thầy giáo biết vậy tỏ lòng thương cho Trung học nhờ. Học “dự thính” vậy mà mấy năm sau Trung trở thành người hay chữ nhất thôn Thái Lai.

Cách mạng Tháng Tám 1945  thành công, cả nước hăng hái làm theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch: diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ông trưởng Ban bình dân học vụ xã Vĩnh Hoàng (nay chia làm bốn xã Vĩnh Tú, Vĩnh Thái, Vĩnh Trung và Vĩnh Nam) đến nhà nói với Trung: “Bác Hồ bảo người biết hai chữ dạy người biết một chữ, em hãy đi dạy chữ cho bà con trong thôn, trong xã cũng là góp phần cho cách mạng đấy!”. Đó là đầu năm 1949.

Giờ đây trong ký ức các bậc cao niên vùng đông Vĩnh Linh vẫn nhớ hình ảnh anh thanh niên đi bằng đôi tay bươn bả qua hàng chục rú cát từ thôn này đến thôn khác với khí thế ngày đầu cách mạng để đi dạy bình dân học vụ, dạy các lớp đồng ấu, vỡ lòng. Không chỉ trực tiếp dạy học, Trung còn vận động bà con đi học ban đêm, dựng trường, mở lớp…

Bà con ai cũng nhìn vào hình ảnh thầy Trung mà động viên mình học. Cả vùng đất làng chài cơ cực giáp ranh Quảng Bình những năm sau cách mạng ấy đã trở thành một điểm sáng của phong trào học tập. Với thành tích ấy, năm 1958 thầy giáo Trung được vinh dự bầu chọn là đại biểu đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua công-nông-binh toàn quốc và được tặng Huân chương Lao động hạng nhất.

Thầy Trung kể khi biết về thành tích của ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp riêng ông để động viên và sau đó tác động giúp ông đi chữa bệnh tại Bệnh viện Việt-Xô. Hồi phục sức khỏe, ông tiếp tục trở lại với những lớp học khó khăn ở những làng chài quê hương. Năm 1964, thầy Trung lại một lần nữa được cử đi dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn ngành giáo dục rồi Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Năm 1967, chiến tranh lan rộng, Vĩnh Linh bị đánh phá dữ dội, thầy Trung lại theo các học sinh của mình đi “chiến dịch K.10”, cùng hàng ngàn con em Vĩnh Linh sơ tán ra tuyến sau Hà Tĩnh tiếp tục sự học. Cuộc đời làm thầy giáo của thầy Trung cứ thế tiếp tục trải dài suốt hai cuộc kháng chiến cho đến ngày thống nhất đất nước. Tháng 7-1976, Ty giáo dục đặc khu Vĩnh Linh cho thầy Trung được nghỉ công tác sau 27 năm 7 tháng miệt mài theo đuổi sự nghiệp giáo dục.

Bao năm đơn đi không có hồi âm

Buông viên phấn, với tấm thân tật nguyền, không vợ con, chỉ còn người em trai ruột cũng là một ngư dân nghèo làng chài Thái Lai đón thầy Trung về ở. Chuyện giấy tờ, chứng thực, chế độ chính sách của thầy Trung không được mấy ai quan tâm.

Thầy Trung (giữa) với các học trò. Phó chủ tịch xã Trần Văn Thạnh ngồi sau lưng thầy - Ảnh: Đ.Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ông Trần Văn Thạnh, phó chủ tịch xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), nói: “Cả gia đình tôi có bốn thế hệ là học trò thầy Trung, từ ông nội tôi đến bố tôi, đến tôi và con trai tôi. Học trò thầy Trung qua mấy chục năm nhiều không kể hết, hầu hết mọi người đều ở xa, ít ai biết hoàn cảnh của thầy”.

Hỏi về chuyện giải quyết chính sách cho thầy Trung, ông Thạnh nói: “Tôi đã nhiều lần đề đạt về trường hợp thầy Trung, ai cũng “ghi nhận” nhưng rồi không thấy chính sách gì cho thầy cả. Xã gắng lắm cũng lo cho thầy chế độ 202 (trợ cấp cho người tàn tật), nay được 120.000 đồng/tháng. Và thầy chỉ biết sống nhờ vào khoản tiền cấp ít ỏi ấy!”.

Cuộc sống khốn khó của những năm sau hòa bình buộc thầy phải nhớ ra việc phải làm chế độ cho mình, ít ra là một khoản lương hưu bé mọn. Vậy là thầy làm đơn xin giải quyết chính sách, lê tấm thân gầy trên hai cánh tay đi gặp đồng đội, đồng nghiệp xin xác nhận vì bom đạn chiến tranh mấy lần đốt hết những chứng nhận thành tích của thầy. Ví như để xác nhận thành tích Huân chương Lao động hạng nhất, thầy phải khăn gói ra Hà Nội, đến Viện Thi đua khen thưởng nhà nước để lục trong hồ sơ lưu trữ  tìm ra số hiệu của quyết định khen thưởng…

Mở chiếc hộp sắt tây đã bao nhiêu năm cất kỹ như gia bảo, thầy Trung bày ra vô số huân chương, huy chương, huy hiệu ông đã được tặng thưởng vì thành tích dạy học của mình. Bên những huân huy chương là một xấp dày đơn từ thầy gửi đi xin chế độ chính sách, nhưng bao năm rồi vẫn rơi vào im lặng.

Tháng 6-1996, sau khi nhận đơn xin giải quyết chế độ của thầy Trung, giám đốc Sở Giáo dục Quảng Trị Hồ Sĩ Nguyên có tờ trình gửi Bộ Lao động – thương binh – xã hội, UBND tỉnh Quảng Trị, Sở LĐ-TB&XH tỉnh về trường hợp thầy Trung, kèm theo giấy của những cán bộ cựu trào xã Vĩnh Thái xác nhận công lao cống hiến của thầy Trung, cộng thêm rất nhiều giấy tờ chứng nhận thành tích Huân chương Lao động hạng nhất, Huân chương Kháng chiến, bằng khen từ Chính phủ đến Bộ GD-ĐT… Tuy nhiên, đã 12 năm trôi qua thầy Trung vẫn không có một hồi âm nào.

Trước đây còn khỏe, với hai cánh tay (thay đôi chân) thầy Trung có thể đi về quãng đường cả chục cây số lên huyện. Nay thầy đã yếu, chỉ chống tay đi mươi bước lại dừng nghỉ. Niềm hi vọng được giải quyết chế độ chính sách của thầy càng leo lét. Trong ngôi nhà của người em trai, thầy Trung còn niềm vui duy nhất cũng là tài sản duy nhất thầy có: bạn bè cùng chiếc radio cũ kỹ của một người lính – cũng là người học trò – tặng thầy cách nay 30 năm.

 ĐỨC DỤC – NGỌC UYÊN (Theo TTO)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)