Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người thầy giáo chiến sĩ ấy…

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cho tới tận bây giờ, thầy Trần Nguyên Phò, Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức TP. HCM vẫn không quên những ngày ở nhà tù Phú Quốc. Dù trong cảnh bị giam cầm nhưng thầy đã cùng các đồng chí phát huy tinh thần dạy và học, giữ vững khí tiết chờ ngày toàn thắng.

Vào Nam chiến đấu

Sinh năm 1938 tại vùng quê Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, trong vùng địch tạm chiếm. Khi còn học tiểu học, thầy Phò đã tham gia du kích. Hoà bình lập lại, thầy Phò tiếp tục con đường học vấn và năm 1962, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn và được phân công về dạy học ở Trường cấp III Thái Phiên, Hải Phòng. Năm 1964 thầy vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 1/1966 thầy được vào bộ đội như ý nguyện và được vào chiến trường miền Nam.

Đoàn Nam tiến lúc đó hơn 100 người, chủ yếu là giáo viên và sinh viên miền Nam mới ra trường, còn rất trẻ. Sau 5 tháng mọi người tới nơi tập kết, là căn cứ cách mạng ở Pleiku. Cấp trên chủ động phân công anh em trong đoàn đi khắp các cơ sở, chi viện cho lực lượng miền Nam. Người thì vào Thanh niên xung phong, người vào quân chủ lực…, riêng thầy được điều động về Tiểu Ban Văn nghệ miền Nam. Tại đây thầy Phò phụ trách ban tài chánh, lo đời sống cho anh em. Trong cơ quan có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Chính nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đã khuyến khích thầy sáng tác, viết bài cho Tiểu ban Văn nghệ. Tháng 9 năm 1969, thầy và một số anh em được điều về căn cứ Bến Tre để củng cố lớp học. Trên đường đi bị địch phát hiện, thầy Phò và đồng đội bị bắt. Địch dùng mọi cực hình tra tấn nhưng thầy vẫn giữ vững khí tiết của người Cộng sản.

Dạy học trong tù

Tháng 2/1970, địch đưa thầy về giam giữ tại nhà tù Phú Quốc. Nơi đây thầy được gặp Thiếu tướng Trần Văn Trân cũng bị địch giam.Thiếu tướng Trân bàn với thầy phải tập hợp anh em trong tù lại đấu tranh với địch ngay trong nhà tù. Thầy là giáo viên văn và có khiếu kể truyện Kiều nên được phân công giảng Kiều, đồng thời qua đó dạy văn hoá và khơi gợi tinh thần bất khuất, chống ngoại xâm trong anh em. Anh em trong tù nghe thầy giảng mê lắm, ngay cả bọn lính gác tù cũng thích. Chuyện ông thầy Kiều lan khắp trong tù. Địch tra hỏi, thầy chỉ nhận là có kể chuyện Kiều cho anh em nghe. Bọn địch tức lắm, chúng chỉ muốn cách ly những người tù cách mạng với cuộc sống bên ngoài. Bất cứ một hành động nào của anh em thiên hướng về cuộc sống bên ngoài, chúng đều ngăn cấm. Tuy nhiên, chúng cũng không thể ngăn cản được lòng hiếu học của các anh em.

Rút kinh nghiệm của những người đi trước, cách dạy học của thầy Phò cẩn thận và kín đáo hơn. Thầy cùng đồng đội trong tù móc nối với bên ngoài (anh em làm hậu cần, nhà bếp) đem thùng các tông và hộp đựng thức ăn bằng giấy vào. Các thầy cho ngâm nước rã ra từng mảng rồi lấy cà men đựng than là cho thật khô và nhẵn để làm giấy viết. Mực thì dùng bằng mật con cá mực, hay những viên đá non có màu son. Bút thì các thầy dùng dây kẽm gai hơ lửa mài nhẵn, dùng cắt cà men ra làm ngòi bút. Còn bảng viết thì dùng bất cứ thứ gì, bìa các tông, mảnh tôn, hoặc mảnh gỗ phủ vải và trát lên một lớp xà bông cục dầy, lấy ni lon mỏng phủ lên. Khi viết bằng bút tre thì bảng sẽ lõm xuống thành chữ, khi kéo lên thì chữ sẽ biến mất. Chiếc bảng chỉ bé bằng cuốn tập học sinh. Nếu thiếu bảng thì anh em trong tù viết xuống nền đất, viết xong phải lau sạch dấu vết để tránh phát hiện của địch. Các chiến sĩ của ta ham học lắm vì nhiều người đi hoạt động cách mạng, có trình độ, như đang là sinh viên, chuẩn bị thi vào đại học, hoặc có những người đã học hết cấp hai nhưng cũng có những người mới học lớp 3,4. Để tránh sự phát hiện của bọn cai ngục, thầy chia mỗi lớp từ 5 đến 7 người, thầy dạy trò học như đang ngồi đánh cờ. Khi “lên lớp” thì bố trí hai người cảnh giới.

Những tiết học theo chủ đề cũng được hình thành như: Tết Nguyên đán thì dạy Bài ca Mùa xuân, thư chúc Tết của Bác Hồ; Kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười thì dạy Bài ca tháng Mười.

Chẳng những dạy học, trong tù thầy còn làm rất tốt công tác Đảng uỷ, phụ trách công tác tuyên huấn. Thầy vận động anh em làm nhà bếp, mỗi ngày bớt ra 5 ký gạo để lo lót giám thị cho anh em được ra ngoài, nhận tin tức.

Nhà giáo tận tụy

Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, các chiến sĩ cách mạng của ta đang bị giam giữ tại nhà tù Phú Quốc được trả tự do. Thầy Trần Văn Phò cũng được trao trả tại Thạch Hãn, Quảng Trị. Sau khi được Nhà nước cho an dưỡng và điều trị bệnh, thầy trở về Trường Trung học Cấp III Thái Phiên tiếp tục dạy học. Tháng 4 năm 1975, thầy lại đi B một lần nữa, làm nhiệm vụ tiếp quản giáo dục phía Nam. Chuyến đi này đàng hoàng và công khai vì đất nước đã giải phóng. Thầy được phân công làm hiệu trưởng, trường Cấp I,II,III Thánh Mẫu (hiện nay là trường Lam Sơn quận Bình Thạnh, TPHCM). Công việc tiếp quản giáo dục trong thời điểm này cũng không kém phần khó khăn vất vả, đất nước đã không còn chiến tranh, nhưng nhận thức về con người và chế độ mới của người dân còn hạn chế. Sau đó thầy được phân công về làm hiệu trưởng Trường PTTH Hoàng Hoa Thám quận Bình Thạnh TP.HCM. Thầy đảm nhiệm chức vụ Chánh Thanh tra Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cho đến ngày về hưu.

Ở đâu và trong hoàn cảnh nào, thầy cũng chú trọng dạy cho học sinh của mình lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Tuy tuổi đã cao nhưng hiện nay thầy vẫn tham gia công tác, làm Phó chủ nhiệm CLB nhà giáo hưu trí, P. chủ tịch Hội cựu giáo chức TP.HCM. Mỗi tuần 3 ngày thầy đều trực ở câu lạc bộ Hội cựu giáo chức. Là một trong những nhân tố hoạt động rất tích cực trong Hội, thầy ước gì mình còn nhiều sức khoẻ để đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục.

Thuỳ Dương

Theo Giáo dục & Thời đại

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)