Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy giáo “mê” văn hóa Bana

Tạp Chí Giáo Dục

Gần 25 năm dạy học, nghiên cứu văn hóa Bana, thầy Lê Hữu Phong ở Mang Yang (Gia Lai) được đồng bào xem như “người hùng văn hóa” của dân tộc mình. Tâm nguyện cùa thầy Phong là muốn truyền thụ những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cho học sinh.

Thầy Lê Hữu Phong được đồng bào Bana xem như “người hùng văn hóa”.
Năm 1986, ngay sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Huế, thầy giáo trẻ Lê Hữu Phong (quê Hưng Yên) được phân công đến xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai dạy học. Xã Kon Chiêng lúc đó trăm bề gian khó, nhiều giáo viên, trong đó có cả hiệu phó Trường Phổ thông cơ sở Kon Chiêng (PTCS) cũng bỏ việc đi… đào vàng.
Sáng tạo mô hình bán trú dân nuôi
Thầy Phong kể: “Kon Chiêng đó rất hoang vu lắm. Nhiều giáo viên không dám nhận công tác ở vùng này vì ngại khổ và sợ… Fulrô ”. Kon Chiêng thiếu giáo viên trầm trọng nên dù còn rất trẻ, lại không biết một câu tiếng Bahnar, thầy giáo Phong vẫn được cử làm hiệu trưởng. Tiếng vậy, nhưng trường lúc đó chẳng có mấy học sinh, trường lớp tồi tàn. “Khi đó, nhiều lúc nản, tôi chỉ muốn khoác ba lô bỏ đi”, thầy Phong tâm sự.
Như một cơ duyên, thầy Phong được một giáo viên già ở địa phương nhận làm con nuôi và dạy tiếng Bana. Biết tiếng địa phương, thầy Phong dần hiểu và “ngấm” tình cảm của người dân cao nguyên và quyết ở lại nơi này. Để ngăn tình trạng học sinh bỏ lớp, thầy Phong nảy ra ý tưởng trường bán trú dân nuôi. Vừa nghe đề xuất, ông Zek, Bí thư xã Kon Chiêng lúc bấy giờ đã “gật cái rụp”: “Anh cứ chuyên tâm dạy chữ, còn gạo thì để xã vận động mỗi nhà 1 gùi”. Không lâu sau, 2 kho thóc lớn cho học sinh được xây dựng ngay tại trường PTCS Kon Chiêng. Mô hình học sinh bán trú dân nuôi chính thức khai sinh.
Không còn lo thiếu ăn, học sinh không còn bỏ học, mô hình bán trú dân nuôi từ đó được nhân rộng ra cả tỉnh, sau đó phổ biến toàn quốc. Với những cống hiến đó, thầy đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng thưởng Huy chương vì sự nghiệp giáo dục. “19 học sinh ‘trụ lại” lớp nhờ mô hình bán trú dân nuôi thời đó, giờ đều là cán bộ cốt cán của xã, huyện”, thầy Phong nói.
Đưa cồng chiêng vào trường học
Những ngày nhọc nhằn “gieo chữ” trên vùng đất cồng chiêng, thầy Phong “mê” văn hóa của người Bana lúc nào không hay. Ngoài thời gian dạy học, thầy rong ruổi khắp vùng để học hỏi thêm về ngôn ngữ, tìm hiểu về đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người địa phương… Những câu dân ca, lời hát; chi tiết về lễ hội đâm trâu, bỏ mả, mừng lúa mới được thầy ghi chép cẩn thận. “Đã nhiều lần tôi đóng khố, đánh cồng chiêng trong các lễ hội”, thầy Phong kể.
Đến nay, sau khi qua nhiều vị trí công tác, giờ làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Mang Yang, thầy Phong tiếp tục “sự nghiệp” nghiên cứu văn hóa Bana. Năm 2008, thầy hoàn thành cuốn Từ vựng đối chiếu Việt – Bana. Đây được xem là tài liệu rất có ích cho những người công tác ở Tây Nguyên cũng như nghiên cứu văn hóa Bahnar. Mới đây, thầy được mời tham gia biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy tiếng Bana cho Trường CĐ Sư phạm Gia Lai. “Cuốn này do tôi chủ biên, đã thẩm định xong và sẽ được đưa vào giảng dạy trong năm học tới”, thày Phong nói. Tới đây, thầy Phong cũng sẽ hoàn thành cuốn Tập tục và lễ hội của người Bana.
Năm ngoái, khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường PTDTNT Mang Yang, việc đầu tiên thầy Phong làm là quyên góp tiền mua một bộ cồng chiêng cho nhà trường, sau đó mời nghệ nhân về dạy cho các em. “Do không đủ kinh phí nên nghệ nhân chỉ dạy được cho đội cồng chiêng của học sinh lớp 9. Nhưng đội cồng chiêng này sẽ dạy lại cho đội của các lớp bé hơn”, thầy Phong nói. Mới được thành lập, song đội cồng chiêng Trường PTDTNT Mang Yang đã nổi tiếng khắp Gia Lai, luôn được mời đi dự các lễ hội ở tỉnh này. “Để các em có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, tôi còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi hát dân ca trong trường”, thầy Phong cho biết.
“Tôi nguyện dành cả cuộc đời mình để truyền thụ những giá trị truyền thống quý báu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên cho các em học sinh”, thầy Lê Hữu Phong “tổng kết” sự nghiệp làm thày của mình đơn giản như vậy.
Theo Tiến Thành
Báo Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)