Hơn 20 năm gắn bó với từng ngôi nhà sàn, từng con suối, từng cây cầu treo của các xã Trà Nam và Trà Vân, thầy giáo Nguyễn Trãi đã là một phần của núi rừng nơi đây, là tấm gương sáng vì sự ngiệp giáo dục ở vùng sâu vùng xa
Men theo những cánh rừng của đại ngàn Trường Sơn, ở các xã vùng cao huyện Nam Trà My (Quảng Nam) hằng ngày vẫn có những giáo viên thầm lặng hy sinh một phần hạnh phúc riêng tư của mình để đem con chữ, đem ánh sáng văn minh, đem tình yêu thương đến với các em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Một trong số đó là thầy giáo Nguyễn Trãi. Hơn 20 năm gắn bó với từng ngôi nhà sàn, từng con suối, từng cây cầu treo của các xã Trà Nam và Trà Vân, thầy đã là một phần của núi rừng nơi đây, là tấm gương sáng vì sự ngiệp giáo dục ở vùng sâu vùng xa.
Từ những ngày khó khăn chung của nghề giáo…
Về nóc ông Ruộng, thôn 3 xã Trà Vân, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) bây giờ hỏi thầy Trãi thì ai cũng biết. Từ những giáo viên trẻ mới về nhận công tác cho đến cán bộ thôn và những em học sinh, những phụ huynh người Ca Dong nữa. Không chỉ là 1 thầy giáo hết lòng với từng con chữ, thầy còn luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của các em học sinh cũng như đồng bào Ca Dong ở nóc này nói chung. Hơn 6 năm dạy ở nóc, mọi thứ ở đây với thầy đã như thân thuộc hẳn. Đến đây, nghe câu chuyện thầy tự kể về cuộc đời mình, càng thấy vững tin hơn vào những người giáo viên đang bám trụ với núi rừng.
Thầy Trãi trong lớp học |
Ra trường năm 1990, thầy từ quê nhà xã Trà Dương (huyện Bắc Trà My bây giờ) tình nguyện lên xã Trà Nam (huyện Nam Trà My bây giờ) nhận công tác giảng dạy. Đường thì xa mà lại rất khó đi, nhà cửa và người qua lại cũng thưa thớt. Ngày đó xe khách, xe hàng chạy ít, đa phần là phải đi bộ. Cứ sáng sớm, từ nhà, thầy mang ba lô và các thứ chuẩn bị sẵn lên đường đi mãi cho đến trưa. Chỉ dừng lại nghỉ 1 chút để ăn uống thôi vì sợ không kịp đến nơi xin tá túc buổi tối. Vào làng xin ngủ lại 1 đêm, rửa ráy, ăn uống. Sáng hôm sau đi suốt một buổi nữa mới đến điểm dạy. Vậy tính tròn trịa là một ngày rưỡi và 1 đêm. Thầy Trãi bảo: “Lúc ấy còn trẻ, mới ra nghề, nhiệt huyết đang hăng say, sức khỏe còn mạnh, đi đâu cũng tới. Giờ nghĩ lại cũng thấy phục mình. Cứ một mình một ba lô vậy mà đi lên chỗ dạy, lâu lâu lại về nhà. Năm khi mười họa mới xin được 1 chuyến xe khách đi nhờ 1 đoạn…”
Rồi đến chuyện lương. Năm 1990, đất nước chỉ mới vừa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, các tầng lớp nhân dân đều chung một nỗi khổ ấy và nghề giáo viên cũng vậy. Lương thì chỉ mang tính tượng trưng, có khi còn không có nữa. Đời sống kham khổ quá không ít người phải giã từ phấn trắng bảng đen để về làm các công việc khác, mưu sinh cho gia đình. Nhưng rồi những ngày khó khăn ấy cũng dần qua đi….
Đến tấm lòng tận tụy của một người thầy chân chính …
Từ khi dạy ở các điểm trường của xã Trà Nam đến khi về Trà Vân, thầy Nguyễn Trãi lúc nào cũng lấy niềm vui của học sinh làm niềm vui của mình. Tất nhiên, những khó khăn ban đầu cùng với điều kiện sinh hoạt vô cùng thiếu thốn và tách biệt sẽ làm bất cứ ai cũng có những giây phút ngần ngại. Với thầy Trãi cũng vậy. Nhưng rồi những phút xao lòng ấy qua rất nhanh. Khi đã hòa nhập được với không khí núi rừng, cùng sống với bà con đồng bào Ca Dong thì mọi cái trở nên dễ dàng hơn.
Trong câu chuyện của mình, thầy Nguyễn Trãi cũng chia sẻ rất nhiều kỉ niệm cũng như kinh nghiệm đi sâu đi sát với đồng bào Ca Dong nơi thầy đã và đang dạy. Thật ra, dạy học ở vùng núi, thời gian rảnh rỗi cũng khá nhiều. Với một thanh niên như thầy hồi mới lên, nếu không biết sử dụng thời gian, sẽ rất là chán. Thế là vào các nóc nhà dân, hỏi thăm, nói chuyện cùng họ. Rồi lên nương, lên rẫy cùng làm việc, cùng ăn để hiểu thêm về họ. Đây là cả 1 vấn đề do cách biệt về ngôn ngữ và văn hóa bản địa, nhưng quan trọng nhất là tấm lòng chân thành. Khi thầy mở lòng, đem những hiểu biết của mình chia sẻ, giúp đỡ những người Ca Dong, mọi thứ càng ngày càng xích lại gần hơn. Từng buổi đến tận nhà động viên trẻ em ra lớp, từng viên thuốc sốt, từng cây bút, cuốn vở mua từ đồng lương ít ỏi của mình, thầy đã dần dần tạo được niềm tin yêu không chỉ với học sinh mà còn cả những phụ huynh, những người già trong các nóc.
Về gần nhà thì ai không muốn. Nhưng giờ tôi thấy nơi đây cũng gần gũi như nhà mình rồi. Điều kiện đi lại, sinh hoạt cũng bớt khó khăn hơn hồi trước nhiều rồi. Các em học sinh Ca Dong nơi đây làm tôi thương lắm. Làm được chút gì cho các em trước lúc sắp về hưu là tôi vui rồi…” – Thầy Trãi |
Ở những cánh rừng đại ngàn này trong những năm 1990, thầy cô giáo như thầy Trãi còn phải đối mặt với biết bao nguy hiểm. Không cẩn thận một chút là bị sốt rét ác tính. Với điều kiện y tế còn nhiều hạn chế, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng là rất cao. Bình thường, từ trung tâm xã về đến điểm dạy đi bộ cũng hết gần một ngày đường, huống gì bị đau. Nếu bị đau, chỉ còn cách nhờ đồng bào khiêng giùm, vượt suối băng rừng về trung tâm y tế. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa thì cầu treo tạm bị đứt, lũ quét tràn qua những con suối vốn yên bình. Lúc ấy, chỉ biết phó thác phận mình cho may rủi. Nói chung nguy hiểm là điều không thể lường trước được, nhưng rồi, tình yêu nghề của thầy vẫn cao hơn, quyết liệt hơn để níu giữ được thầy ở lại với những nóc nhà còn đói nghèo, những con suối dữ, những ngọn núi cao này…
Mãi rồi cũng quen, giờ các con thầy cũng sắp ra trường, gần ổn định được cuộc sống. Ở cái tuổi gần 50, đáng lẽ nhiều người sẽ tìm mọi cách để xin về gần hơn với gia đình, với vợ con. Nhưng thầy Trãi không làm vậy. Thầy bảo: “Về gần nhà thì ai không muốn. Nhưng giờ tôi thấy nơi đây cũng gần gũi như nhà mình rồi. Điều kiện đi lại, sinh hoạt cũng bớt khó khăn hơn hồi trước nhiều rồi. Các em học sinh Ca Dong nơi đây làm tôi thương lắm. Làm được chút gì cho các em trước lúc sắp về hưu là tôi vui rồi…”
Chia tay với thầy Nguyễn Trãi khi cơn mưa rừng chiều lại bắt đầu trút nước, nhìn dáng người hao hao gầy của thầy đứng bên bục giảng cùng những đứa trẻ người Ca Dong mà lòng chúng tôi thấy yên tâm hơn. Ở đây cũng như những vùng rừng núi khác của tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung, tình yêu nghề, sự hy sinh thầm lặng của thầy Nguyễn Trãi và hàng ngàn thầy cô giáo khác là những bông hoa đẹp làm cuộc sống thêm phần khởi sắc…
Nguyễn Thành Giang
Bình luận (0)