Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy khiếm thị với nghị lực phi thường

Tạp Chí Giáo Dục

Bị bệnh sởi cướp đi ánh sáng khi mới lên ba, hơn 30 năm qua, anh luôn khao khát vươn lên, nỗ lực cống hiến. Cái tên Nguyễn Văn Long với hai bằng ĐH, một bằng thạc sĩ đã trở thành tấm gương, thắp lên ánh sáng của niềm tin trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam.
Nguyễn Văn Long hiện là giáo viên Trường Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM).
 Ba lần “năn nỉ” xin được đến trường
Năm 1977, bố mẹ Long mang 9 người con từ Quảng Bình vào vùng kinh tế mới Thuận Hải (Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), chưa kịp an cư thì anh mắc bệnh sởi, những năm tháng khó khăn chung về mọi mặt ấy, gia đình anh chỉ biết gạt nước mắt chứng kiến đôi mắt đen láy của cậu út chuyển sang mờ đục. Khi đó anh mới 3 tuổi.
Lớn lên trong bóng tối, ngày ngày nghe những đứa bạn cùng trang lứa đi học về ê a đánh vần, đọc thơ, Long đã rất thích.
Một ngày của năm 1986, anh trai anh nghe rađiô và biết có trường dành cho người mù trong TPHCM đang tuyển sinh, gia đình quyết định xin cho anh đi học.
Những năm tháng miệt mài học tập, anh chỉ ấp ủ duy nhất một ước mơ: sẽ có một ngày được làm thầy giáo, được đứng trên bục giảng dạy các em nhỏ có chung hoàn cảnh như mình. Nhưng học hết THCS, vấn đề khó khăn của cả thầy và trò trường Nguyễn Đình Chiểu khi đó là chưa có trường Phổ thông hòa nhập; học sinh của trường, nếu muốn học cấp 3 thì phải học bổ túc. Thương cậu học trò hiếu học, thầy hiệu phó Nguyễn Thanh Tâm (nay là hiệu trưởng) phải chạy vạy, năn nỉ giải thích, phân tích mọi điều, thậm chí là cam kết “hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy. Sau một thời gian nếu học sinh không theo kịp bạn bè sẽ xin rút tên”. Sau quá trình không ngắn, với nỗ lực của cả thầy và trò, anh cùng một bạn nữa được trường Nguyễn An Ninh nhận vào học .
Ý chí, quyết tâm và nghị lực đã giúp cậu học trò Nguyễn Văn Long luôn vươn lên trong học tập, học lực ba năm học và tốt nghiệp phổ thông của anh đều xếp loại giỏi. Anh luôn khao khát được học nữa, học mãi; nhưng thời điểm ấy chưa có bất kì trường ĐH nào cho thí sinh khiếm thị tham dự kỳ thi tuyển. Anh đã làm rất nhiều cách: viết thư, viết đơn, thậm chí gọi điện ra Bộ GD-ĐT để trình bày nhưng vẫn không được vì rất nhiều lý do: Bộ GD-ĐT không có qui chế dành cho thí sinh khiếm thị, nếu đi thi em sẽ làm bài như thế nào, nếu thi đỗ em sẽ học ra sao… Lại một lần nữa, thầy Tâm và cô hiệu phó trường Nguyễn An Ninh đi thuyết phục, đi xin khắp nơi cho học trò của mình được dự thi ĐH. Sau thật nhiều nỗ lực, khó khăn, cuối cùng trường ĐH Sư phạm TPHCM và ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM đồng ý cho anh dự thi, đề thi chung, anh làm bài bằng chữ Braille (chữ nổi) rồi nhà trường chuyển lên Sở Giáo dục nhờ bộ phận dịch.
Năm ấy, thí sinh đặc biệt Nguyễn Văn Long thi đỗ cả hai trường, anh quyết định chọn ngành Lịch sử và trở thành sinh viên khiếm thị đầu tiên trong lịch sử của trường Nhân văn (điểm số kì thi ĐH của anh xếp thứ nhì toàn khoa).
Ánh sáng của niềm tin
Ban đầu, khi hẹn được thầy Long, tôi đã chuẩn bị khá kĩ cho cuộc nói chuyện song vẫn mang rất nhiều lo lắng, sẽ phải gợi chuyện, nói chuyện thế nào để không vô tình chạm đến mất mát rất lớn ấy? Nhưng tôi đã an tâm ngay từ khi trông thấy dáng người dong dỏng cao, trắng trẻo và phong thái hết sức đĩnh đạc của thầy; rồi cũng chính thầy là người gợi mở cho câu chuyện, khúc chiết, thông minh, dí dỏm.
Người ta vẫn bảo “giàu hai con mắt”, nhưng ở người thầy khiếm thị Nguyễn Văn Long, tôi nhận thấy sự “giàu có” của anh nằm ở chính niềm tin, ở nghị lực phi thường. Đến nay, Nguyễn Văn Long là một trong 7 giáo viên khiếm thị trên tổng số 63 cán bộ giáo viên; là một trong ba thạc sĩ của trường Nguyễn Đình Chiểu (TPHCM) và đã chính thức thuộc biên chế của trường, thầy đứng lớp hai môn Lịch sử và Giáo dục công dân, chính thức mới ba năm nhưng thời gian thực tế đứng trên bục giảng của thầy cũng đã ngót chục năm trời.
Thành quả có được ngày hôm nay của thầy giáo Nguyễn Văn Long là những năm tháng miệt mài học tập, với người lành đã khó, với người khiếm thị như thầy, khó khăn còn tăng lên gấp nhiều lần. Nguyễn Văn Long cười hiền hiền: “Khó khăn thì vô kể nhưng không đủ mạnh để chấm dứt được mơ ước đâu”.
Thời gian đầu ở giảng đường ĐH, anh gặp khó khăn từ mọi phía: đi lại, giao tiếp đến học tập, các thầy cô chưa có trải nghiệm về cuộc sống của người khiếm thị nên không biết truyền đạt kiến thức cho mình như thế nào mà vẫn là cách giảng thông thường như các bạn; bạn bè cùng lớp thì sợ sẽ làm mình bị tổn thương nên ngại không tiếp xúc, tất cả đều phải do mình chủ động.
Rồi tài liệu, giáo trình bằng chữ nổi thì hoàn toàn không có. Chỉ có thư viện sách nói dành cho người mù của chị Hướng Dương (người thành lập dự án Thư viện sách nói dành cho người khiếm thị, thuộc Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM). Dần dần, nghị lực và lòng hiếu học của anh được thầy cô quý mến, thương yêu, bạn bè cảm phục; người chở đi lại, người giúp đọc sách, lưu băng nên những khó khăn của anh đã vơi đi ít nhiều.
Năm 2003, anh tốt nghiệp khoa Lịch sử trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG TPHCM và là một trong năm sinh viên có điểm tốt nghiệp cao nhất khoa. Không dừng lại ở đó, năm 2004 anh học tiếp văn bằng 2 rồi thi cao học; đến năm 2009 anh hoàn tất bằng thạc sĩ Văn hóa học với thành tích đáng nể: 9,75 điểm cho khóa luận tốt nghiệp “Quá trình hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị” – điểm số cao nhất của khoa Văn hóa học từ trước tới nay.  
Hơn 30 năm sống trong bóng tối nhưng anh vẫn luôn cháy lên ngọn lửa khát khao vươn lên.
 Không có bóng tối nào bền hơn ánh sáng
Anh nhớ rất rõ những lần đón xe khách từ TPHCM về Bà Rịa – Vũng Tàu thăm gia đình. Bằng trực cảm nhạy bén mà ông trời bù lại cho người khiếm thị, anh biết họ đang nhìn anh như nhìn người ngoài hành tinh với những lời xì xào, bàn tán: “Sao mà giỏi thế, hay thế?”. Rồi người ta lại hỏi nhau: ngủ có nhắm mắt không, ăn cơm thì đút vô miệng hay mũi, có đẻ con, lấy vợ không…
Tôi hỏi: “Những lúc ấy, anh đã nghĩ gì?” Anh cười lớn: “Lúc đầu mình khó chịu, nghĩ tại sao họ kém cỏi thế, nhận thức hạn chế thế? Nhưng rồi nghĩ lại, ở mình bây giờ thế giới của người khuyết tật vẫn gần với xã hội, nên không thể trách sự hiếu kì, vô tâm của họ chưa thật được”. Từ đó anh luôn mong muốn và tìm mọi cách để có thay đổi cái nhìn của xã hội với người khuyết tật, đó cũng là lý do vì sao anh chọn đề tài: “Quá trình hòa nhập cộng đồng của người khiếm thị” cho khóa luận tốt nghiệp thạc sĩ.
Không chỉ lấy tri thức để dần hoàn thiện bản thân, để hướng đến một tương lai tươi sáng cho những thế hệ học trò, thầy Nguyễn Văn Long còn tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật khác.
Khi tôi ngồi khắc họa đôi nét chân dung qua bài viết nhỏ của mình thì anh gọi điện thông báo tin vui: “Mình sắp tổ chức lễ cưới với cô bạn thời đại học, người đã luôn ở bên cạnh, giúp đỡ trong suốt quá trình học tập”. Tôi tò mò, toan hỏi thêm thì thầy đã nói ngay: “Là ai thì cho mình được giữ bí mật đến phút cuối nhé!”
Tôi tin, với trái tim và tâm hồn đẹp, với nghị lực phi thường, Nguyễn Văn Long sẽ hạnh phúc, sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường học vấn và trong sự nghiệp trồng người.
Theo Đại Đoàn Kết

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)