Bài viết của một học sinh có nội dung phê bình thầy giáo nhưng lại được gửi thẳng cho thầy giáo đó. Kết cục như thế nào?
Thầy Hoàng Đức Huy và HS lớp 9B1 Trường Nguyễn Khuyến (Nguyễn Minh Thắng đứng đầu tiên từ trái sang) – Ảnh: H.HG.
|
Gặp Thắng trong phòng thí nghiệm của Trường Nguyễn Khuyến, chúng tôi hỏi về chuyện bức thư, Thắng cho biết:
– Thầy Huy có lập một trang web riêng về việc dạy và học môn văn. Thầy bảo ai cũng có thể học giỏi văn nếu chịu khó viết, viết chuyện gì cũng được. Bài nào hay sẽ được thầy đưa lên trang web và thưởng tập.
* Vậy tại sao em lại chọn đề tài “Người thầy không hoàn hảo”? Em có nghĩ đến hậu quả xấu sau khi thầy Huy đọc được bài viết này?
– Ý nghĩ đó chỉ thoáng qua thôi. Vì trong khi giảng bài, thầy hay căn dặn tụi em phải thật thà, trước mọi vấn đề phải có ý kiến của riêng mình, thấy người ta nói gì đừng hùa theo cái đó. Em đã đọc nhiều bài viết trên trang web: www.hoangduchuy.com; hầu hết các bạn đều khen thầy dạy hay, thầy dạy giỏi mặc dù các bạn cũng nhận ra khuyết điểm của thầy như em. Bởi vậy em mới quyết định viết một bài nói lên suy nghĩ của mình.
* Rồi sau đó…
– Đọc bài của em xong, tiết sau thầy lên lớp kể cho cả lớp nghe là có bài viết đặc biệt của bạn Minh Thắng, các bạn hãy lên mạng đọc đi. Thầy nói: “Nhân vô thập toàn”, ai cũng có khuyết điểm và thầy cũng thế. Thầy xin tiếp thu những ý kiến phê bình của bạn Thắng. Nói rồi thầy thưởng tập cho em.
Sau sự kiện đó, thầy có vẻ quan tâm đến em hơn, đối xử với học sinh vẫn công bằng và khách quan.
* Bây giờ em có còn ghét môn văn nữa không?
– Em không còn cảm thấy áp lực và không ghét môn văn nữa. Bằng chứng là năm lớp 7, lớp 8 điểm bình quân môn văn của em chỉ dừng ở mức 7, 8 thì học kỳ I năm học này (2008-2009) đã nâng lên 9,1.
“Trong suốt những năm học trước đây, việc học văn đối với tôi gần như là bất đắc dĩ. Mặc dù sức học tại môn này không đến nỗi tệ, nhưng tôi không hề có hứng thú để học. Đặc biệt là ở phần tập làm văn, tôi lại càng khó tiếp thu nổi. Những bài văn của tôi tuy chưa bao giờ dưới trung bình nhưng nó cũng không làm tôi có thiện cảm với việc viết và viết. Đỉnh điểm của sự chán chường này là việc sử dụng sách giải như là biện pháp đối phó “tối ưu”. Và những tiết văn luôn bao trùm không khí im lặng (đến nỗi buồn ngủ) kỳ lạ. Điều tất yếu là môn văn được tôi liệt vào danh sách “những môn học mà chỉ cần học cho có”.
Năm nay là năm học cuối cấp II, một năm học vô cùng quan trọng. Vì thế tôi không muốn phải nhờ vào may rủi tôi mới tốt nghiệp được. Tôi quyết tâm cải thiện những môn sở đoản (hay còn gọi là những môn mà trước đây tôi học cho có). Và môn văn là mục tiêu đầu tiên (vì đây là một trong những môn chính). Tôi đã được “các bậc tiền bối” năm trước rỉ tai về thầy dạy văn năm nay, tức thầy Hoàng Đức Huy.
Và theo như những gì các bậc tiền bối “mách nước” thì tình hình có vẻ khả quan. Tôi bắt đầu mừng thầm trong bụng. Nhưng khi học tiết đầu tiên với thầy, “niềm tin chiến thắng” của tôi vơi đi hơn nửa. Thầy dành hơn một tiết để nói về thầy hay ít nhất là những gì liên quan đến thầy. Nào là những cuốn sách thầy viết hay những học trò thành đạt từng “qua tay thầy”. Dù những điều này làm giảm khoảng cách giữa thầy trò (đặc biệt là trong tiết đầu tiên), nhưng nó cũng làm giảm sự kính trọng của trò đối với thầy (hay chỉ mình tôi có suy nghĩ này?). Tuy nhiên phương pháp dạy của thầy khá mới mẻ và hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích cho học sinh chúng tôi.
Và điều mới mẻ đầu tiên tôi được học là “bản đồ tư duy”. Với tôi, ấn tượng ban đầu về cái bản đồ này không mấy sáng sủa. Tôi cười khẩy và thực hiện cái bản đồ đầu tiên với sự khinh thường. Mà cũng phải nói đôi chút về cái gì đó gọi là “bản đồ tư duy”. Đây là cách gọi khác của thuật ngữ 5W1H đã được phổ biến từ lâu ở nước ngoài. 5W gồm: what, where, why, who, when và 1H là how. Cách suy luận này không có gì phải chê trách ngoại trừ việc phải học thuộc nó và diễn giải nó qua bút màu. Quay lại với cái bản đồ của tôi. Tôi không cho rằng cứ “phang” càng nhiều màu vào cái bản đồ thì sẽ làm tôi tăng sự sáng tạo cũng như nhớ lâu hơn, đơn giản vì tôi chúa ghét sự màu mè. Nhưng có vẻ tiêu chí của thầy lại không giống tôi. Và hình như tôi trở thành một trong những gương mặt “trong tầm ngắm” của thầy.
Tôi cố chấp là thế, nhưng tôi cũng biết phân biệt đúng sai. Dần dần tôi càng cảm nhận được lợi ích của 5W1H. Tôi viết văn lưu loát hơn. Các bài văn của tôi dần dài ra. Còn cách dạy của thầy làm giảm áp lực thường thấy trong những tiết văn.Tôi không còn thấy chán nản về môn văn nữa. Thầy giỏi thật đấy. Thầy hiểu học sinh thật đấy. Nhưng tôi vẫn có chút gì đó ác cảm với thầy. Tôi không thích cách thầy khoe khoang về mình (dù tôi biết rằng có câu “tôi giỏi nên tôi có quyền”). Tất nhiên là tôi không có quyền phán xét thầy, nhưng tôi chỉ nói lên sự thật là: nếu khiêm tốn hơn thì thầy sẽ là một người thầy hoàn hảo trong mắt mọi học sinh”.
Nguyên văn bức thư của học sinh Nguyễn Minh Thắng – lớp 9B1Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM – gửi cho thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên giảng dạy môn văn của lớp.
Khi mới đọc bài viết của em Thắng, tâm lý thông thường của con người khi bị chê là khó chịu, tôi cũng thế. Nhưng tôi đã quen với việc phản biện của học sinh. Càng đọc thư tôi càng mừng vui vì đã có học sinh làm theo những điều mình dạy, làm được điều mình mong muốn. Giáo dục VN hiện nay có một lỗ hổng lớn là khoảng cách quá xa giữa thầy và trò. Trò không hài lòng về cách dạy, cách cư xử của thầy nhưng không dám nói (thế nên nhiều giáo viên không biết mình có nhược điểm nào mà sửa). Với môn văn thì học bài nào cũng hay, tác phẩm nào cũng tuyệt vời, xuất sắc. Tôi dạy các em phải có suy nghĩ độc lập, phải trung thực trong mọi vấn đề. Bài viết “Người thầy không hoàn hảo” nhận xét khá sắc sảo về tôi, tôi đã cảm ơn em Thắng trước lớp 9B1 bằng câu nói: “Người xưa có câu: ai khen ta là bạn ta, ai nịnh ta là kẻ thù của ta, còn ai chê ta là thầy ta. Hôm nay bạn Thắng được xem như thầy của thầy rồi đó”.
Thầy giáo hoàng Đức Huy
|
HOÀNG HƯƠNG thực hiện (TTO)
Bình luận (0)