Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Người thầy là yếu tố quyết định

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc điều tra mới đây tại một trường đại học, một cựu sinh viên bộc bạch với chúng tôi về chất lượng luận văn tốt nghiệp của mình. Cựu sinh viên này ngạc nhiên vì qua mặt được thầy hướng dẫn và cả hội đồng chấm luận văn một cách dễ dàng.
Giờ học của sinh viên kỹ sư tài năng khoa công nghệ thông tin Trường đại học Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)  Ảnh: Như Hùng
Bịa số liệu vẫn được điểm tối đa
“Em cảm thấy thật xấu hổ với bài luận văn tốt nghiệp. Em không hiểu tại sao em lại có quyền bảo vệ nó, thật sự chẳng có gì của em trong đó: em đã copy nội dung bài giảng của giảng viên để vào phần lý thuyết, còn phần trình bày kết quả nghiên cứu thực nghiệm ư? Em đã bịa ra các số liệu… Nói thẳng ra, em chỉ là người sao chép và bịa đặt, thế mà thầy hướng dẫn của em cho 9/10 điểm. Khi bảo vệ em lại bịa thêm các số liệu bổ sung, nhờ thế em đã đạt điểm tối đa 10/10”.
Tôi hiểu vì người thầy không có thời gian, không có trách nhiệm và tinh thần khoa học trong nghề nghiệp để có thể phát hiện. Đó là chưa nói có thể họ không có kinh nghiệm và cả năng lực trong nghiên cứu để có thể làm chủ và đánh giá luận văn của em, bởi tình trạng giảng dạy đại học hiện nay phổ biến vẫn là “cơm chấm cơm”.
Đa số trong đội ngũ giảng viên của nền giáo dục đại học và cao đẳng vẫn là cử nhân và thạc sĩ, tỉ lệ tiến sĩ chiếm thiểu số và đang có khuynh hướng giảm. Năm học 2007-2008 chỉ chiếm 11% (cử nhân và kỹ sư chiếm 52%, thạc sĩ chiếm 36%, trình độ khác chiếm 1%) trong đội ngũ giảng viên, trong khi tỉ lệ này năm 2003 là 14%.
Tỉ lệ thầy – trò phản ánh chất lượng giáo dục
Tuy không phản ánh hoàn toàn vấn đề, nhưng tỉ lệ thầy – trò trong giáo dục đại học cũng phần nào nói lên tình trạng chất lượng của nó. Các số liệu thống kê chính thức lấy từ Bộ GD-ĐT cho thấy:
Hai đường biểu đồ “sinh viên” và “giảng viên” gặp nhau tại điểm xuất phát trong thời bình minh của nền đại học XHCN tại miền Bắc với tỉ lệ 11 sinh viên trên một giảng viên. Tỉ lệ này song hành khá đều đặn và cân đối, sau đó tăng nhanh dần từ sau năm học 1987-1988. Tính bình quân trong năm học 2007-2008, tỉ lệ là 28,6 sinh viên trên một giảng viên. Tuy nhiên, tại những ngành thời thượng như luật, kinh tế, thương mại… tỉ lệ này có nơi lên tới 100 sinh viên trên một giảng viên.
Khi một lớp học quá đông, một giảng viên phải phụ trách hàng trăm sinh viên, chúng ta không thể bàn đến chuyện đổi mới giáo dục theo hướng hiện đại lấy sinh viên làm trung tâm, với những phương pháp sư phạm chủ động như thảo luận, thuyết trình, trò chơi tình huống…
Theo tôi, người thầy là yếu tố quyết định về chất lượng giáo dục bởi họ là những người cầm cân nảy mực, quyết định thế nào là tốt hay xấu, là giỏi hay dở khi đánh giá kết quả học tập của sinh viên, mà điều này lại phụ thuộc vào văn hóa, cách nhìn và đặc biệt là vào trình độ chuyên môn của họ. 
TS NGUYỄN KHÁNH TRUNG (TTO)

Bình luận (0)