Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy vẫn luôn gắn với tình yêu thương và trách nhiệm. Càng trong gian khó, những tình cảm cao đẹp này lại càng bền bỉ, thầm lặng tỏa hương, là chỗ dựa, dưỡng chất ươm lên niềm hy vọng trong mỗi học sinh, dìu các em đi qua dịch bệnh bằng tâm thế không sợ hãi.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu
+ Phóng viên: Nhìn lại 1/4 chặng đường của năm học đặc biệt ngành GD-ĐT TP.HCM đã đi đến nay, ông có cảm xúc như thế nào, thưa ông?
– Ông Nguyễn Văn Hiếu: Tôi vẫn nhớ cảm giác xót xa và xúc động vô cùng khi dự lễ khai giảng năm học trực tuyến. Thương học trò, thương thầy cô giáo. Chưa bao giờ thầy trò TP.HCM khởi đầu năm học mới với nhiều lo lắng và khó khăn đến thế. Năm học bắt đầu cũng là lúc dịch bệnh tại TP đang căng thẳng nhất. Không có lễ khai giảng trực tiếp, những con số về học sinh thiếu thiết bị, đường truyền học trực tuyến; học sinh khó khăn; học sinh mồ côi do dịch bệnh…, cứ dồn dập mỗi ngày. Đặc biệt là sự phản ứng, hoài nghi của dư luận khi TP triển khai dạy và học trực tuyến từ đầu năm học.
Phải nói là một năm học bắt đầu với quá nhiều cảm xúc. Chính tinh thần và tâm thế kiên định, tình yêu thương, trách nhiệm của thầy cô với học trò, đến giờ này những khó khăn đã dần được “gỡ nút”, mọi thứ đã vào guồng, thầy trò đều quen nhịp. Lãnh đạo sở rất trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực vượt khó của đội ngũ giáo viên toàn ngành. Là trung tâm của đại dịch nhưng mỗi thầy cô đều đã gạt đi nỗi niềm riêng, nỗ lực, cố gắng, sáng tạo, tự hoàn thiện kỹ năng, năng lực sử dụng CNTT, đầu tư những bài dạy trực tuyến tốt nhất cho học sinh.
+ “Thích ứng, linh hoạt” là những cụm từ được nhắc đến nhiều khi chuyển đổi từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến. Với ông, trong bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM, hình ảnh người giáo viên TP còn gắn với những điều gì?
– Theo tôi, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy vẫn luôn gắn với tình yêu thương và trách nhiệm. Càng trong gian khó, những nghĩa cử và tình cảm cao đẹp này lại càng bền bỉ, thầm lặng tỏa hương.
Trong dịch bệnh vừa qua, không chỉ dạy học, thầy cô còn chăm sóc, hỗ trợ, động viên kịp thời đến học sinh yếu thế, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi do dịch bệnh, sẵn sàng “chia khó”, “nhường cơm, sẻ áo” với các em, cùng các em và gia đình vượt qua dịch bệnh. Từng nhà trường, từng thầy cô đã vận động, dành dụm những chiếc sim 3G, 4G, từng bộ SGK, thiết bị học trực tuyến gửi tặng học sinh. Những gói an sinh thực phẩm, gói thuốc F0 cũng được thầy cô băng vào vùng đỏ, kịp thời gửi đến gia đình học sinh.
Nhiều thầy cô còn vừa thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, vừa xông pha ra tuyến đầu, đi vào tâm dịch, góp sức chung tay cùng TP chống dịch. Không hề phô trương, tình cảm yêu thương, trách nhiệm, sự ân cần đó cứ âm thầm bền bỉ, là dưỡng chất ươm lên niềm hy vọng trong mỗi học sinh, đi qua dịch bệnh bằng tâm thế không sợ hãi.
Sáng tạo linh hoạt mọi giải pháp
+ Theo đánh giá của phụ huynh, giáo viên, đến thời điểm này học sinh lớp 1 đã biết đọc, biết viết, đạt được yêu cầu cần đạt từng thời điểm. Đây là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất khi dạy – học trực tuyến, từ khó khăn về phương pháp, đặc thù học sinh, nhất là sự phản ứng của dư luận. Trước gánh nặng áp lực đó, thầy cô đã phải nỗ lực như thế nào để có được “trái ngọt” này, thưa ông?
– Thành công nhất khi dạy – học trực tuyến ở bậc tiểu học phải kể đến nỗ lực, sự sáng tạo của giáo viên, từ phương pháp giảng dạy cho đến cách tiếp cận, tương tác với phụ huynh ngay những ngày đầu.
Tận dụng thời gian phụ huynh ở nhà phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16, trước khi bắt đầu dạy kiến thức, thầy cô đã dành cả tuần để tương tác, trao đổi với phụ huynh, tìm hiểu và nắm hoàn cảnh từng học sinh. Thông qua đó mỗi giáo viên, nhà trường đã xây dựng được phương án kết nối, kế hoạch dạy học cho từng nhóm đối tượng học sinh, thậm chí là từng học sinh. Phụ huynh lớp 1 nhận được sự hướng dẫn tận tình của giáo viên trong phối hợp, học cùng con tại nhà.
Cũng qua nắm hoàn cảnh, thầy cô sẽ có cách chia sẻ, giúp đỡ học sinh khó khăn. Có thể chỉ là hộp sữa, cuốn tập… nhưng lại là nguồn động viên, là cầu nối để phụ huynh thêm tin tưởng, đồng hành phối hợp giáo dục trẻ. Thấy phương pháp dạy học của giáo viên là hợp lý, vừa giáo dục, uốn nắn trẻ, giúp trẻ hào hứng, thích thú khi học, không gây áp lực cho trẻ, chỉ sau một thời gian ngắn, phụ huynh đã hài lòng, tin tưởng.
Đặc biệt, đó còn là giải pháp dạy học trên internet qua truyền hình được các trường thiết kế một cách linh hoạt, hiệu quả. Kế hoạch dạy học của giáo viên được kết hợp với nội dung dạy học trên truyền hình, tạo nên một chu trình dạy học mang tính kế thừa, hoàn chỉnh. Trong đó chỉ rõ thời gian dạy trên truyền hình, thời gian dạy online, phát huy tối đa sự phối hợp với phụ huynh, rèn tính tự học cho trẻ.
+ Thời điểm giáo viên ghi hình tiết dạy trên truyền hình đầu năm học cũng là khi TP đang giãn cách. Lúc đó, chắc nhiều khó khăn lắm, phải không thưa ông?
– Bắt đầu ghi hình là vào giữa tháng 8, TP đang giãn cách. Muốn ra đường phải có giấy đi đường. Để tạo điều kiện cho thầy cô ở các quận huyện di chuyển đến Đài Truyền hình TP ghi hình, sở đã xin giấy đi đường của Công an TP cấp cho các nhà trường.
Nhớ lại thời gian đó cực kỳ căng thẳng, áp lực. Để kịp tiến độ bài dạy phục vụ năm học mới, mỗi giáo viên được chọn ghi hình đều làm việc với tinh thần khẩn trương, gấp rút. Việc tập huấn giáo viên dạy học trên truyền hình được thực hiện trực tuyến. Đội ngũ thầy cô hướng dẫn trao đổi không kể ngày đêm để hướng dẫn, thẩm định, góp ý về giáo án.
Khi ghi hình, có giáo viên vừa khỏi Covid-19, thậm chí người thân vừa mất do dịch nhưng vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sự cố gắng, nỗ lực của thầy cô vô cùng đáng khâm phục, góp phần không nhỏ vào thành quả giáo dục của ngành, vào công tác phòng chống dịch của TP.
Vẫn sẽ chọn bước về phía học sinh
+ Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, “tư lệnh” ngành giáo dục TP.HCM có chia sẻ, tâm tình gì gửi đến thầy cô đang công tác trong ngành, thưa ông?
– Thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, tôi gửi lời cảm ơn và sự trân trọng nhất đến toàn thể thầy cô giáo đang công tác, gắn bó và cống hiến trong ngành GD-ĐT TP. 1/4 chặng đường của năm học với vô vàn khó khăn, áp lực đã đi qua, toàn ngành đã cùng nhau vượt qua, hướng về học sinh với những điều tốt đẹp nhất.
Nhìn lại chặng đường đó, tôi tin mỗi thầy cô sẽ vẫn chọn bước về phía chông gai, bước về phía học sinh bằng sự dịu dàng của nhà giáo. Những nỗ lực vượt khó, tự học, tự mày mò, sáng tạo, chuyển đổi từ hình thức dạy trực tiếp sang trực tuyến, đưa kiến thức đến học sinh trong dịch bệnh của thầy cô là điều khiến tôi vô cùng khâm phục và tự hào.
Dịch bệnh vẫn còn phức tạp, thời gian tới chắc chắn sẽ còn nhiều khó khăn. Dạy học trực tuyến kéo dài cực kỳ căng thẳng. Nhưng tôi tin bằng tình yêu thương và trách nhiệm, mỗi thầy cô sẽ tiếp tục là chỗ dựa cho từng học sinh, thắp lên trong các em ngọn lửa của tinh thần vượt khó đạt kết quả cao trong học tập. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2021), tôi xin chúc thầy cô thật nhiều sức khỏe, luôn kiên định với mục tiêu giáo dục, mãi bền bỉ tình yêu với nghề giáo!
+ Xin cảm ơn ông!
Yến Hoa (thực hiện)
Bình luận (0)