1.Tôi có xem một bộ phim truyền hình trên VTV cách nay gần 40 năm khi đang công tác tại Trường Trung học Sư phạm TP.HCM. Vì quá lâu rồi nên bây giờ tôi chỉ nhớ có một đoạn ngắn chứ không nhớ tên phim, không nhớ phim do nước nào sản xuất, chỉ nhớ là ở châu Âu. Trong đoạn phim mà tôi còn nhớ tạo ấn tượng là hình ảnh một cô giáo già ngồi nhìn sân trường đầy lá rơi vào buổi chiều tan học. Học sinh đã ra về, đồng nghiệp cũng lần lượt rời khỏi cổng trường. Cô ngồi trầm ngâm nhớ lại chuyện vừa xảy ra. Một học sinh lớp cô phụ trách khi học môn thể dục, nghịch phá vi phạm kỷ luật được giáo viên dẫn đến để cô có trách nhiệm nhắc nhở. Cô trách vài câu rồi phạt đứa học trò quỳ gối để suy nghĩ và không vi phạm nữa. Em học trò xin được nói vài lời khi ngước nhìn cô giáo của mình. Với thái độ bất mãn và chất giọng có máu nóng của tuổi trẻ, em nói: “Cô nên xin nghỉ hưu vì em thấy cô già rồi. Học trò của cô có người đã làm đến chức này chức nọ, còn cô ngồi đây để phạt em”. Cô giáo nghe học trò nói có chút bối rối trôi trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn của tuổi tác. Nhưng rồi cô mỉm cười và nói với học trò của mình rằng: “Em hãy thực hiện hình phạt đi vì lỗi nghịch phá. Em cũng nên biết rằng cô không bao giờ già vì mỗi năm cô đều được gặp gỡ, dạy dỗ những bạn trẻ như em. Cô mãi là người thầy của các em như những ngày thanh xuân khi cô đến lớp dạy và bây giờ vẫn là các học trò của tuổi thanh xuân thuở ấy”.
2.Hình ảnh và mẫu đối thoại mang tính lý tưởng về tuổi tác trong giáo dục của đoạn phim đã khắc sâu trong tâm trí tôi như dân gian đã nói “Thầy đồ già, con hát trẻ”. Người thầy tuổi tác cao nhưng nghề nghiệp luôn gần với học trò mình nên mãi mãi là thanh xuân.
Khi còn dạy Trường Sư phạm TP.HCM, ôn tập cho giáo sinh toàn trường chuẩn bị thi tốt nghiệp, tôi thường kể lại cho các em nghe về mẫu thoại trong phim và cũng nói thêm rằng các bạn chọn vào ngành sư phạm là các bạn đã chọn vào con đường đẹp nhất nghề nghiệp của cuộc đời.
Trong cuộc sống, tất cả mọi người đều phải làm việc. Nghề nào cũng cao quý. Có người lao động trí óc trong phòng thí nghiệm, người thì trên bục giảng, người lại ở công trường, lâm trường hay dãi nắng dầm sương trên cánh đồng xanh màu lúa, có người dọn dẹp cho đường phố sạch đẹp… Tất cả đều đem lại lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội, đều được trân trọng. Nhưng chọn vào sư phạm và sẽ là nhà giáo khi là người thầy của các em học trò thì thật ấm áp và hạnh phúc.
3.Giáo dục mang sứ mệnh trồng người. Đứa trẻ từ mầm non xanh biếc bước vào ngôi trường tiểu học vươn mình phát triển. Người thầy mỗi buổi đến trường nhìn học trò đi bên mẹ còn cầm theo bình sữa hay người cha dựng xe đỡ con xuống, lục trong túi tìm cái bánh, âu yếm dặn con nhớ ăn khi thấy đói và nhớ học ngoan, nghe lời thầy cô. Con vào trường còn đứng nhìn theo bóng dáng yêu thương. Học sinh tung tăng, vui đùa, hồn nhiên trên sân trường, cúi đầu thưa thầy thưa cô. Trước cổng trường THCS – THPT các bậc phụ huynh cũng gửi ánh mắt, cái siết tay và tầm nhìn vào ngôi trường, lớp học có con mình ngồi nghe thầy cô giảng dạy tri thức và đạo đức làm người.
Niềm tin gửi vào thầy cô: Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy vì “không thầy đố mày làm nên”.
4.Những bậc làm cha mẹ vất vả, cực nhọc, tần tảo làm ăn. Dù ở địa vị nào đều có mong ước chung là lo cho con được đến trường, được thầy cô dạy bảo. Đây là hạnh phúc thiêng liêng. Các con học tập, trưởng thành để làm người có học, có văn hóa, hòa nhập vào vòng đời, tất bật, lo toan cho cuộc sống.
Dù mỗi người có hoàn cảnh khác nhau trong xã hội nhưng gặp nhau là những bạn học tuổi thần tiên. Vui vẻ, chọc ghẹo, đùa nghịch khi có dịp họp lớp, ngồi bên nhau thấy mình vẫn còn là đứa học trò bé nhỏ của thầy cô. Trân trọng và cung kính với niềm tin yêu thương mến. Vẫn nhìn thấy như ngày nào trong lớp học, nghe thầy cô giảng bài, nghe tiếng dạy ngọt ngào lẫn uy nghiêm khi sai phạm. Thầy cô trong lòng học trò mãi mãi là tuổi thanh xuân.
Thạc sĩ Lê Ngọc Điệp
Tuổi học trò
Học đi em cho hết tuổi học trò
Điều giản dị phải qua rồi mới hiểu
Em nhớ giữ nụ cười trong trẻo
Mai giữa dòng đời nuối tiếc bâng khuâng.
Bạn bè em có những tình thân
Có khoảng cách cho em nhiều đêm nghĩ ngợi!
Đường còn dài em đi là phải tới
Hạt bụi vướng mắt mình không thể ngồi nức nở khóc thương.
Em thấy gì không mỗi sáng đến trường?
Cây Hoàng Lim vẫn nở hoa kết trái
Học trò ngày xưa đôi lần về lại
Nhìn cây xanh thương ngày tháng xa xôi.
Có những nụ cười hớn hở đôi môi
Họ đã sống hết lòng với trường với lớp
Cũng có những nụ cười chua xót
Vì lãng phí vở bài, hờ hững lời giảng Thầy cô.
Học đi em và hãy biết ước mơ
Khi nhìn trời cao với đường dài xanh thắm
Em sẽ bước đi trong ngập tràn ánh nắng
Vì cuộc đời còn nhiều những tin yêu.
Lê Ngọc Điệp (THPT Đốc Binh Kiều – 1980)
Bình luận (0)