Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy “mát tay” với đội tuyển tay nghề CNTT

Tạp Chí Giáo Dục

Đó chính là thạc sĩ Bùi Đình Tiền – trưởng khoa Quốc tế – ĐH Công nghiệp TP.HCM. Anh có tiếng “mát tay” trong đào tạo, huấn luyện các đội tuyển từ cấp trường đến cấp quốc gia đạt thành tích cao trong các cuộc thi tay nghề công nghệ thông tin (CNTT) trong nước và quốc tế.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao tặng danh hiệu Quả cầu vàng CNTT 2009 cho Thạc sĩ Bùi Đình Tiền – ĐH Công nghiệp TP.HCM – Ảnh: nhân vật cung cấp
Những kỷ niệm rất đặc biệt cũng được viết nên trong hành trình ấy.
“Theo tôi, để VN trở thành quốc gia mạnh về CNTT thì vấn đề cốt lõi là nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển CNTT có thể như: giai đoạn năm 2010 – 2015, phấn đấu trở thành quốc gia ứng dụng mạnh và hiệu quả CNTT, hoàn thiện chính phủ điện tử và thương mại điện tử; giai đoạn năm 2015 – 2020, phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về ứng dụng và dịch vụ CNTT” – thạc sĩ Bùi Đình Tiền – ĐH Công nghiệp TP.HCM – “Quả cầu vàng” CNTT 2009.

Năm 2002, lần đầu tiên anh được giao trọng trách huấn luyện đội tuyển quốc gia nghề CNTT gồm hai thí sinh là Bùi Anh Khoa và Phùng Nguyễn Anh Khoa dự thi hội thi Tay nghề ASEAN lần VI. Thầy và trò cùng luyện tập miệt mài đêm ngày. Thầy chỉ dám mong trò mang về một giải khuyến khích nên khi cả hai trò bằng điểm nhau, cùng đạt huy chương vàng và khi cờ VN tung bay ghi dấu chiến thắng của đoàn VN thì thầy lặng đi vì sung sướng.

Sau đó là liên tục là những tấm huy chương, đặc biệt là các huy chương vàng, các SV mang về từ các hội thi Tay nghề ASEAN có bóng dáng của người thấy tận tụy ấy. Điều anh Đình Tiền luôn nhắc nhở các học trò của mình là việc luyện tập không chỉ để thi mà còn để ứng dụng trong công việc.
Mê toán từ khi còn là học sinh, mê CNTT khi bắt đầu thời sinh viên, hai niềm đam mê ấy vẫn luôn thôi thúc thạc sĩ Bùi Đình Tiền không ngừng nghiên cứu, sáng tạo. Đã có một số sản phẩm CNTT nhưng anh vui nhất khi nói về phần mềm nhận dạng văn bản tiếng Việt anh thực hiện năm 1998.
Anh chia sẻ: “Đây là phần mềm đầu tiên tạo động lực và cho tôi niềm say mê CNTT và ứng dụng CNTT”.
Thạc sĩ Bùi Đình Tiền – ĐH Công nghiệp TP.HCM – Ảnh: nhân vật cung cấp
Từng nhiều lần đưa đội tuyển lập trình viên tin học của VN đi dự thi tay nghề khối ASEAN và thế giới, anh đúc kết: “Người VN có cần cù, thông minh, chịu khó, ham học hỏi và khát khao chiến thắng. Do vậy, trong cuộc thi ở đấu trường quốc tế, đội tuyển chúng ta luôn rất mạnh. Song, hạn chế lớn nhất của thí sinh VN là khả năng sử dụng ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) tính chuyên nghiệp trong làm việc. Đó cũng là thực trạng chung của HSSV VN”.
Một số thành tích của thạc sĩ Bùi Đình Tiền – ĐH Công nghiệp TP.HCM: huân chương lao động hạng ba (năm 2005), 2 bằng khen thủ tướng chính phủ (năm 2002 và 2008), chiến sĩ thi đua Bộ Công thương (2006-2008), 4 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội, 4 bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương, giảng viên trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2009, đại biểu chính thức tham dự Đại hội tài năng trẻ VN năm 2009, giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Công nghiệp năm 2003…
Ngoài công việc chuyên môn, anh Bùi Đình Tiền còn đang là chủ nhiệm CLB Các nhà khoa học trẻ TP.HCM. Là “đầu tàu” nên anh cũng có nhiều trắn trở về việc nghiên cứu khoa học của SV.
Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ chúng ta không nên quan tâm nhiều đến vấn đề nghiên cứu khoa học của SV có ứng dụng được hay không mà quan trọng hơn là hãy khuyến khích, động viên và yêu cầu SV nghiên cứu khoa học vì việc nghiên cứu khoa học và tự học của SV hiện nay còn quá hạn chế. Đồng thời, chúng ta cần góp ý và tư vấn cho sinh viên những hạn chế của họ cũng như làm thế nào để triển khai các nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tế”.
Sáng tạo, trung thực, cần cù, hoàn thiện và vì cộng đồng là những phương châm sống của người thầy ấy.
Chính vì vậy mà anh suy nghĩ nhiều về thế hệ 8X, 9X: “Các bạn trẻ ngày nay có nhiều điều kiện để học tập, giao lưu quốc tế. Nhiều em được đào tạo khá bài bản và có nhiều cơ hội phát triển. Song, tôi vẫn còn trăn trở ba vấn đề ở các em, đó là: khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc, tính chuyên nghiệp – đặc biệt là tính cam kết trong làm việc, kỹ năng sống và hoạch định kế hoạch tương lai”.
TRUNG UYÊN/ TTO

Bình luận (0)