Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người thầy mê cá

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Thầy Ngô Văn Ngọc cùng sinh viên kiểm tra cá lăng nhaKhông chỉ nhân giống cá lăng, thầy Ngô Văn Ngọc còn cung cấp cá lăng thương phẩm cho thị trường trong và ngoài nước

Cá lăng, loài cá sống ở vùng nước ngọt, thịt dai, béo, thời gian gần đây xuất hiện ở các nhà hàng và là món khoái khẩu của nhiều người. Nhưng ít ai biết được, người đã dày công nghiên cứu, nhân giống thành công, cung cấp nguồn cá cho thị trường trong và ngoài nước lại là một… thầy giáo.

Trăn trở vì… cá!

Trại thực nghiệm thủy sản của thầy Ngô Văn Ngọc, giảng viên Khoa Thủy sản Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, nằm trên khu đất rộng đầy nắng gió. Tôi bắt gặp một người đàn ông với nước da đen, tay áo xắn cao đang đi dọc ao, thăm chừng cá. Đó chính là thầy Ngọc. Sau khi rảo vòng khắp ao, thầy trở về trại cân đo, kiểm tra cá. Cầm những chú cá lăng nha bằng đầu ngón tay, thầy nói: “Ngày nào tôi cũng kiểm tra xem chúng ra sao, phát triển thế nào. Nuôi cá, chăm sóc chúng cũng như trẻ con vậy. Ngày nào bận việc không thăm nom được, lại thấy ruột gan bồn chồn”.

Cơ duyên đưa người thầy ấy đến với việc nghiên cứu cá lăng là dịp cùng bạn bè đi công tác tại hồ Trị An vào năm 2000. Hồi đó, thấy cá lăng rất ngon nhưng có nguy cơ bị tiệt chủng, thầy không khỏi trăn trở. Sau chuyến đi, thầy nung nấu quyết tâm nghiên cứu, nhân giống, bảo tồn loài cá quý này. Thầy kể: “Khoảng một tháng sau chuyến đi, tôi trở lại Trị An tìm mua giống cá lăng vàng để tiến hành thử nghiệm. Thế nhưng, khi đem những chú cá về trại, tôi gặp không ít khó khăn. Tài liệu không có; kiến thức, kinh nghiệm về đặc tính và quá trình sinh sản loài cá ấy tôi cũng… mù tịt, nên cả 3 lần thử nghiệm đều thất bại”. Đến lần thứ tư, nhờ kinh nghiệm đúc kết từ những lần thất bại và chú ý đến đặc điểm sinh lý của cá, dùng kích dục tố phù hợp, thầy đã thành công. Những mẻ cá giống đầu tiên ra đời. “Nhưng phải mất hơn một năm, tôi mới hoàn thiện quy trình sản xuất giống cá lăng vàng. Đến nay, trại giống của chúng tôi đã cung cấp hàng ngàn tấn cá lăng thịt và cá giống cho thị trường”- thầy Ngọc phấn khởi cho biết như vậy.

“Thầy giáo mà như nông dân”

Ngay sau khi hoàn thiện quy trình nuôi cá lăng vàng, Trung tâm Khuyến ngư quốc gia- Bộ Thủy sản cấp kinh phí để thầy Ngọc thực hiện chuyển giao dự án cung cấp cá giống cho 5 tỉnh: Phú Yên, Ninh Thuận, Long An, Bến Tre và Vĩnh Long. Chỉ trong vòng 2 năm từ tháng 6-2004 đến tháng 6-2006, thầy cật lực nhân giống và hoàn thành đề án xuất sắc, cung cấp 1.000 kg cá con thương phẩm và chuyển giao cho các tỉnh, thành.

Khi nghiên cứu cá lăng vàng, thầy Ngọc lại để ý đến loài cá lăng nha, giống cá có thịt dai, trọng lượng gấp đôi cá lăng vàng. Thầy Ngọc lại tiếp tục nghiên cứu nhân giống cá lăng nha với mong muốn cung cấp giống cá có năng suất cao cho người nuôi. Nghĩ vậy, thầy lại tiếp tục rong ruổi khắp nơi để tìm giống, tiến hành thí nghiệm. Cô Lê Thị Bình, vợ thầy, nhớ lại: “Ngày ấy, sau giờ đứng lớp, ông ấy lại ra trại làm bạn cùng cá. Mang tiếng là giảng viên mà ông ấy không khác gì nông dân, lúc nào người cũng nồng nặc mùi cá, mùi sình”. Sự vất vả của thầy đã được đền bù xứng đáng khi giữa năm 2005, quy trình sản xuất giống cá lăng nha thành công và được Sở Khoa học – Công nghệ An Giang đặt hàng chuyển giao công nghệ. Tháng 6-2008, thầy Ngọc đã cung cấp 500 kg cá lăng nha bố mẹ cho Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản An Giang.

Niềm đam mê vẫn chưa dừng lại

Hiện nay, cá lăng nha và cá lăng vàng của thầy đã được nhiều người dân các tỉnh, thành: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, TPHCM, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang nuôi. Không những thế, sản phẩm còn có mặt tại Đài Loan, Trung Quốc. Với những công trình nghiên cứu ứng dụng có giá trị cao của mình, thầy Ngọc đã nhận được rất nhiều huy chương, bằng khen. Nhưng với người thầy đã gần 60 tuổi ấy, niềm đam mê cá lăng vẫn chưa dừng lại. Hiện thầy đang tiếp tục nghiên cứu rút ngắn thời gian nuôi cá lăng nha thương phẩm. Bởi theo thầy, cá lăng nha nuôi từ một năm mới thu hoạch khiến cho người dân tốn kém nhiều công sức, chi phí, lợi nhuận thấp.

“Tôi quyết tâm nghiên cứu rút ngắn thời gian nuôi cá lăng nha chỉ còn 6 tháng như cá lăng vàng”- thầy nói một cách quả quyết. Tiếng lành đồn xa. Một lần nữa, đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình nuôi thương phẩm cá lăng nha trong bè tại An Giang được UBND tỉnh An Giang đặt hàng trong giai đoạn từ tháng 6-2008 đến tháng 6-2010. Gặp tôi mới đây, thầy Ngọc khoe: “Hiện tôi đã nghiên cứu thành công thức ăn giúp cá tăng trưởng nhanh. Sắp tới, tôi sẽ cung cấp 6 tấn cá cho thị trường”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản An Giang:

Giúp nông dân làm giàu

Hiện trung tâm đã chuyển giao cho bà con nông dân xuống giống nuôi thử nghiệm 100.000 con cá lăng thương phẩm. Những giống này có chất lượng và thích nghi rất tốt trong điều kiện nuôi ao. Hy vọng, trong tương lai, loài cá này sẽ giúp người dân An Giang làm giàu. Tất cả là nhờ công của thầy Ngọc.

Huỳnh Nga (nld)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)