Đang học Đại học Mỏ địa chất, hăng say hoạt động công tác Đoàn và Hội sinh viên, bỗng một ngày, anh Nguyễn Khắc Luân mắc phải bạo bệnh, không tài nào ngồi dậy được.
Thầy Nguyễn Khắc Luân
|
Gia đình đưa anh đi hết các bệnh viện ở Hà Nội mới biết anh bị bệnh gai cột sống. Anh phải xin dừng một năm học để chữa bệnh. Sau đó, anh gắng gượng hết sức mình để và tốt nghiệp đại học.
Ra trường, anh đi làm nhưng căn bệnh quái ác kia vẫn không buông tha anh và lần này thì anh…ngã khuỵu hẳn. Gia đình tìm mọi cách chữa chạy cho anh nhưng bệnh vẫn không lui. Những ngày tháng đó đối với anh như sống trong địa ngục, buồn bã, chán chường, nghĩ về tương lai, nghĩ về thời sinh viên,… anh chỉ biết khóc.
May thay sau đó, Đội văn nghệ của HTX mà em gái anh là một thành viên xin đến tập tại nhà anh (xã Đức Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) vừa để động viên anh vừa là để nhờ anh cố vấn (vì thời sinh viên anh là một cây văn nghệ). Như được tiếp thêm sức mạnh, anh đã hòa chung với tiếng hát của Đội văn nghệ. Kì diệu thay! Tết năm đó, khi Đội văn nghệ của HTX biểu diễn thì cũng là lúc anh ngồi dậy được và nhờ người dìu ra sân HTX xem văn nghệ. Những tháng ngày sau đó bệnh anh cũng lui dần.
Hồi đó, ở quê Luân có một Nhà máy gạch ngói đã giải thể để lại một vùng đất khá rộng với rất nhiều ao hồ. Anh rủ mấy anh em thanh niên nữa trong làng xin HTX cho đấu thầu vùng đất đó để làm trang trại. Chỉ mấy tháng sau, mảnh đất bỏ hoang đã trở thành một trang trại chăn nuôi và thả cá rất đẹp, cho thu nhập ổn định.
Một buổi sáng, Luân đi lấy thức ăn cho cá về thấy mấy học sinh bỏ học đang ngồi đánh cờ tướng ở trong lán canh cá của anh (trang trại của anh nằm bên con đường đi tới trường PTTH Trần Phú), anh hỏi vì sao không đến lớp thì họ thành thật trả lời: “Bọn em học không vào! Chán lắm anh ạ! Bọn em định rủ nhau bỏ học đi Nam. Anh kiểm tra thì thấy các em đó hổng kiến thức rất lớn nên học không vào là chuyện đương nhiên.
Luân khuyên các em không nên bỏ học và hứa nếu các em chịu khó học tập thì anh sẽ giúp các em vá chỗ hổng kiến thức. Ngay tối hôm đó, bốn học sinh bỏ học đã cắp sách vở ra lán canh cá của anh để “tu luyện”. Hơn một tháng sau, sức học của các em đã tiến bộ rõ rệt, nhiều học sinh khác cũng đến xin anh kèm cặp. Lán canh cá của anh đã trở thành một lớp học với số học sinh là 30 em. Các em đã không gọi “anh” như ngày thường nữa mà gọi là “thầy”.
Điều lạ là lớp học ở lán canh cá đó đã đậu tốt nghiệp 100% và có 27 em đậu đại học, cao đẳng và THCN. Bốn em có ý định bỏ học ngày nào giờ đây có 3 em đậu đại học (2 em đậu vào trường Đại học Sư phạm Vinh, 1 em đậu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) còn một em học Trung cấp nghề.
Hiện nay, Luân dạy môn Toán cho các em học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 và luyện thi đại học. Học sinh đến học ở anh không chỉ là các em trong làng, trong xã mà các em ở các xã khác, các huyện khác cũng đến xin anh dạy. Anh thương yêu học sinh như con cháu trong gia đình. Em Phan Hồng Quân có hoàn cảnh khó khăn đến học ở anh từ hồi lớp 9 đến bây giờ đã là lớp 12 nhưng mỗi lần nạp tiền học anh đều không nhận. Anh nói đùa: Cho em nợ khi nào trở thành người Nhà nước thì trả cho anh cũng chưa muộn. Nhiều em đến tháng về xin tiền học, bố mẹ chưa chuẩn bị được lại tìm đến anh để mượn tạm và anh luôn sẵn lòng giúp đỡ các em. Và trong số những học sinh nghèo này, lại có nhiều em bước vào giảng đường đại học.
Luân quan niệm rằng, mình không chỉ dạy cho các em kiến thức mà điều quan trọng hơn là dạy cho các em đạo làm người, truyền cho các em nghị lực sống khi các em gặp khó khăn. Chính vì vậy mà học trò của anh dù học ở trường nào, thành phố nào cũng không bị sa ngã hay bị cám dỗ trước vòng quay vốn khắc nghiệt của dòng đời.
Tôi vừa về quê, sang nhà anh chơi, được biết cháu Nguyễn Hoàng Giáp con trai đầu của anh vừa đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán lớp 9 với số điểm khá cao (19/20).
Phan Duy Nghĩa
(Trường Tiểu học Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh)
(Trường Tiểu học Sơn Long, Hương Sơn, Hà Tĩnh)
TPO
Bình luận (0)