Thầy Chức phát thưởng cho giáo viên tại lễ sơ kết học kỳ I năm học 2010 – 2011
|
Bao nhiêu năm theo nghề dạy học là bấy nhiêu năm thầy gắn bó với ngôi trường này. Một ngôi trường ở nội thành nhưng thua xa nhiều trường ở ngoại thành. Thua về cơ sở vật chất, thua về chất lượng đầu vào, thua cả về sự quan tâm của phụ huynh đối với học sinh…
Có người hỏi thầy sao không đi trường khác, thầy trả lời: “Tôi yêu ngôi trường này. Cái nghèo khó ở đây gợi cho tôi nhớ về ngôi trường ở quê mình”… Người thầy ấy là Dương Xuân Chức – Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Gia Tự, Q.8, TP.HCM.
1. Theo lịch hẹn, tôi đến thăm thầy vào một buổi chiều ngày thứ tư. Lúc đó đang là giờ ra chơi, sân trường khá náo nhiệt. Thầy mời tôi vào phòng làm việc. Nhưng, hỡi ơi, căn phòng hiệu trưởng đã bị gần 10 giáo viên “chiếm dụng” để bàn công tác chuyên môn.
Có lẽ trên đời này ít có “sếp” nào nhường phòng của mình cho “lính” làm việc, dẫu chỉ là trong một thời gian ngắn ngủi của 25 phút ra chơi giữa giờ. Qua sự việc này, tôi phần nào hiểu được tình cảm của thầy đối với cấp dưới của mình. Và tôi cũng hình dung được cái khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất của Trường THPT Ngô Gia Tự.
“Thôi, ta ra ngoài này ngồi uống nước, bao giờ vào học thì quay vào”, thầy Chức cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi.
Tại quán nước gần cổng trường, qua trò chuyện tôi được biết thầy Chức sinh ra và lớn lên ở Đông Sơn, Thanh Hóa. Sau khi học xong cấp 3, như hầu hết thanh niên ở miền Bắc, thầy xung phong đi bộ đội. Từ năm 1971 đến 1976, thầy là bộ đội đặc công ở Sư đoàn 27.
Có lẽ đó là số phận, trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ tại miền Nam, thầy đã bị thương. Lúc dưỡng thương, thầy đã đi học bổ túc sư phạm trong quân đội. Bởi vậy, sau ngày miền Nam giải phóng, thầy đã được chuyển sang ngành giáo dục công tác.
“Tháng 6-1976, tôi về Sở GD-ĐT TP.HCM. 3 tháng hè năm đó, tham gia khóa học cấp tốc về nghiệp vụ sư phạm. Đến tháng 9-1976, tôi được phân về làm giáo viên dạy môn chính trị (sau này đổi thành môn giáo dục công dân) và làm trợ lý Đoàn tại Trường THPT Ngô Gia Tự”, thầy Chức nhớ lại.
So với cơ ngơi bây giờ thì Trường THPT Ngô Gia Tự ngày ấy ọp ẹp gấp trăm lần. Trường chỉ có 7 phòng học, sách vở, bàn ghế cho học sinh và cả giáo viên vẫn còn thiếu thốn. Đã vậy, trước cổng trường là kênh Tàu Hủ. Kênh lúc đó chưa có bờ bao nên quanh năm suốt tháng nước tràn vào trường. Do đó, học sinh, giáo viên mỗi khi tới trường đều phải xắn quần, dắt xe lội bì bõm.
Tuy nhiên những khó khăn đó không ngăn cản bước chân thầy cũng như nhiều đồng nghiệp đến với các em học sinh. Hầu như ngày nào thầy cũng ở trường từ sáng sớm tới tối khuya mới về. Ngoài giờ lên lớp, thầy còn tổ chức bồi dưỡng đối tượng Đoàn, sinh hoạt tư tưởng cách mạng cho học sinh, đưa các em đi làm công tác xã hội như trồng cây, đắp đê ở Nông trường Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), Đầm Sen…
“Học sinh ngày ấy có ý thức tự học rất cao, các em biết lo cho bản thân. Nhiều em trong số đó, nay khá thành đạt”, thầy Chức tâm sự.
Quang cảnh thực tế HS Trường THPT Ngô Gia Tự khi đến trường trong mùa mưa lũ
|
2. Chúng tôi đang trò chuyện thì trống vào học vang lên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc các giáo viên đã trả lại phòng cho thầy Hiệu trưởng. Thế là tôi và thầy quay vào trường.
Lúc này, có một phụ huynh và một học sinh đang ngồi chờ thầy trước cửa phòng. Vừa nhìn thấy thầy, chị phụ huynh nói: “Thưa thầy, tôi muốn rút học bạ cho con”.
Trước đó, con chị là Q.H (học sinh lớp 10A16) có điểm tổng kết học kỳ I khá thấp, đặc biệt là các môn toán, lý, hóa và tiếng Anh. Với học lực yếu, Q.H quyết định nghỉ học để đi học nghề. Thầy chủ nhiệm của lớp 10A16 đã hết lời khuyên nhủ em Q.H nhưng em này vẫn cương quyết nghỉ học. Theo đó, gia đình em làm đơn xin rút học bạ gửi cho thầy Hiệu trưởng.
“Chị gọi Q.H vào phòng, tôi muốn nói chuyện với em”, thầy Chức nói với chị phụ huynh. Trước mặt Q.H, thầy nói: “Thầy biết em học kém một số môn, nhưng học kỳ I kém không có nghĩa là học kỳ II sẽ kém. Chỉ cần em cố gắng hơn, chỗ nào không hiểu thì nhờ bạn, nhờ thầy cô giáo chỉ bảo. Ngoài ra, thầy cũng đã nói với mẹ em là mời gia sư về nhà kèm cặp cho em. Bây giờ chỉ còn có hơn 10 tuần là hết học kỳ II, nếu em nghỉ học thì sẽ rất uổng. Vả lại, phải đến tháng 9 thì các trường nghề mới tuyển sinh. Trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 9, em sẽ làm gì trong khi các bạn đi học. Còn nếu em rút học bạ ở đây để chuyển sang một trường dân lập, tư thục nào đó thì tốn kém lắm. Học phí ở đây chỉ có khoảng 100 ngàn đồng/tháng, trong khi những trường dân lập, tư thục lên tới 1-2 triệu đồng/tháng. Em nghe lời thầy, ở lại học, đừng rút học bạ nữa…”.
Cứ tưởng những lời tâm huyết của thầy Hiệu trưởng sẽ được Q.H thấu hiểu, nào ngờ tất cả chỉ như “nước đổ đầu vịt” khi em lí nhí trả lời: “Em muốn rút hồ sơ”.
Thôi thì trời không chịu đất, đất đành phải chịu trời. Thế là thầy Chức đành lặng lẽ ký vào đơn xin rút học bạ của em Q.H.
“Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết (khi đã có điểm tổng kết học kỳ I) là một số học sinh có học lực yếu kém xin nghỉ học. Từ giáo viên chủ nhiệm đến hiệu trưởng đều tích cực khuyên nhủ để giữ các em lại nhưng chỉ có một số rất ít nghe theo. Cũng khó trách lắm, bởi với các em việc trả bài chẳng khác nào tra tấn”, thầy Chức tâm tư.
Điểm chuẩn đầu vào của Trường THPT Ngô Gia Tự khá thấp (19-20 điểm) nên đầu ra cũng không cao, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm chỉ khoảng 85%, thấp hơn 10% so với tỷ lệ chung của thành phố. Bởi vậy, thỉnh thoảng thầy Chức cũng bị cấp trên “nhắc nhở”. “Những lúc như vậy cũng buồn lắm. Nhưng để có được kết quả 80-90% học sinh tốt nghiệp là cả một quá trình cố gắng không mệt mỏi của tập thể sư phạm nhà trường. Có thể nói giáo viên ở đây phải làm việc gấp nhiều lần so với đồng nghiệp ở các trường khác”, thầy Chức cho biết.
3. Trò chuyện với thầy Chức, tôi được biết bà xã của thầy cũng là giáo viên – cô Nguyễn Thị Chính (nguyên giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Q.6). Thầy và cô vốn là bạn học thời cấp III. Thầy, cô đã nên vợ nên chồng khi tình cờ gặp nhau lúc thầy về thăm quê Thanh Hóa năm 1977… Đến nay, sau gần 35 năm chung sống, thầy và cô đã có với nhau 3 người con. Trong đó có cô con gái thứ 2 là Dương Thanh Thảo đã theo nghề của bố mẹ. Hiện Thanh Thảo là giáo viên Trường THPT Trần Phú, Q.Tân Phú.
“Vào những năm cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, đời sống giáo viên khá khó khăn. Nhiều gia đình cả hai vợ chồng là giáo viên đã có một người phải bỏ nghề đi làm việc khác có thu nhập cao hơn. Trong thời gian đó, có lúc nào thầy hoặc cô có suy nghĩ sẽ bỏ nghề”, tôi hỏi.
“Đúng là thời gian đó khó khăn thật nhưng là khó khăn chung của xã hội, chứ không riêng gì nghề giáo. Lúc đó, lương của tôi và bà xã cộng lại được hơn 100 đồng nhưng giá gạo chỉ có mấy hào/kg nên cũng sống được. Mặt khác, chúng tôi cũng bán than, củi để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Thật lòng mà nói chưa khi nào tôi có ý định bỏ nghề giáo cả…”, thầy Chức khẳng định.
Và ngay cả với ngôi trường ở “vùng trũng” này, thầy Dương Xuân Chức cũng chưa khi nào có suy nghĩ sẽ rời xa. Bởi với thầy, từng dãy phòng học, từng gương mặt giáo viên, học sinh và cả con đường dẫn đến trường đã trở nên quen thuộc…
Bài, ảnh: Kim Anh
“Học sinh ở đây có nhiều em gia đình nghèo lắm. Cha mẹ các em làm bốc vác ở bến Bình Đông, làm thợ hồ… Công việc lúc có, lúc không nên thu nhập cũng không ổn định. Bởi vậy, cả trường có tới 10% học sinh học từ tháng 9 đến nay mà chưa đóng một đồng học phí nào. Nhà trường đành phải miễn cho các em, bởi nếu cứ nhắc nhở hoài thì các em sẽ bỏ học”, thầy Chức nói.
|
Bình luận (0)