Suốt cuộc đời theo cách mạng, cống hiến trọn tuổi trẻ để phục vụ đất nước, ông Phạm Thành Kỉnh – nguyên cán bộ Trường Cán bộ Quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 TP.HCM chưa bao giờ thấy ân hận với những gì mà mình đã chọn lựa: “Sống cho mọi người là cũng sống cho mình”.
Ông Phạm Thành Kỉnh cùng chị ruột là bà Phạm Thị Nhơn |
Đã 86 tuổi nhưng ít ai biết rằng ông Phạm Thành Kỉnh vẫn sống một mình với cảnh độc thân trong một ngôi nhà của người em trai trên đường Cửu Long thuộc Q.Tân Bình.
Những “thước phim” cuộc đời
Gặp ông Tư Kỉnh, ai cũng có nhận xét đây là người ít nói vì rất kiệm lời, đi đứng khoan thai sống chậm nhưng ẩn chứa bên trong là những “thước phim cuộc đời” rất đáng để khâm phục và đồng cảm. Mới 16 tuổi chưa kịp đủ để khôn lớn nhưng cậu bé Kỉnh đã thoát ly gia đình để nhiệt tình đi theo cách mạng. “Cánh cửa hoạt động” đầu tiên đó là Đội Thiếu niên cứu quốc ngay tại địa phương. Chưa biết cầm súng nên chàng trai đất Long Thạnh, Gò Công, Tiền Giang đóng góp cách mạng bằng các buổi đi tuyên truyền vận động, dạy hát, rèn luyện thể thao cho mấy “sắp nhỏ” trong làng. 3 năm sau chững chạc hơn khi 19 tuổi, chàng trai dáng người cao ốm mừng rơn vì được vào bộ đội. Ký ức thời kỳ này chính là trận đánh ngay tại xã nhà mà Kỉnh được chứng kiến và đó cũng là động lực để ông quyết tâm nhập ngũ cầm súng trả thù cho gần 100 người dân bị Pháp sát hại sau trận chiến thắng. So với bạn bè cùng lứa, ông là người may mắn hơn cả vì được khoác trên người bộ đồ màu xanh chiến sĩ thuộc biên chế Sư đoàn 338. Đó cũng là thời kỳ ông được làm quen với những người đồng hương, đồng chí chung mối hận đế quốc và sớm giác ngộ lý tưởng Đảng. Dù vốn chữ nghĩa trong tay rất ít ỏi nhưng những ngày tháng chỉnh huấn chỉnh quân đã giúp họ lớn hơn về nhận thức và tinh thần bảo vệ tự do độc lập đã trở thành khát khao cháy bỏng của cả một thế hệ chân đất đi đánh giặc.
Thế nhưng, ước mơ trực tiếp giết quân thù đã khép lại khi ông có lệnh tập kết ra Bắc vào năm 1954. Cùng với đồng đội là những chàng trai căng bầu máu nóng chưa vướng bận chuyện gia đình khi lửa chiến tranh vẫn chưa tắt hẳn, họ ra đi với lời thề hẹn ngày trở lại chiến đấu trên quê hương.
Người đàn ông cô đơn
Lời hẹn đó đã thành hiện thực vì 7 năm sau ông lại trở về Nam bằng những ngày đêm gian khổ vượt núi rừng Trường Sơn vào năm 1971. Với tư cách là một giáo viên của một trường nông nghiệp, nhà giáo Phạm Thành Kỉnh được cử về Ban Thanh niên Trung ương Cục vào chiến trường “gieo hạt giống đỏ” cho cách mạng. Cho đến ngày miền Nam giải phóng ông mới có cơ hội trở lại cầm phấn sau 4 năm xa rời bục giảng.
Ngồi chung trên chuyến xe đường dài về Gò Công, tôi đã được nghe ông kể gần như hết cuộc đời của mình trải qua bao biến cố của thời gian. Với ông, mốc lịch sử đáng nhớ nhất vẫn là trận đánh Điện Biên phủ oai hùng và chiến thắng mùa xuân năm 1975 lừng lẫy: “7 năm sống ở miền Bắc và được vào ĐH Kinh tế học tập nên tôi mới càng thấy quý hơn cuộc sống hòa bình. Bởi vậy khi đi vào Nam tôi chỉ có mong ước mau giành được độc lập để bà con quê tôi không còn cảnh máu chảy đầu rơi vì bom đạn”. Theo lời ông kể, chỉ vài ngày sau khi giải phóng ông được điều động về vùng Tân Túc, Tân Tạo thuộc huyện Bình Chánh tiếp quản ngành nông nghiệp.
Chiến tranh đã để lại nhiều ám ảnh trong cuộc đời ông. Vì bom đạn quân thù mà 3 anh em ông phải xa gia đình đi kháng chiến và tập kết. Chiến tranh còn lấy đi tuổi thanh xuân của người chị gái Phạm Thị Nhơn trước đây là cán bộ tình báo miền từng vào tù ra tội phải sống võ vò một mình suốt cuộc đời. Trớ trêu hơn ông là người đứng ra làm chủ hôn cho người anh rể khi còn công tác ở ngoài Bắc vì chiến tranh không biết bao giờ thôi. Sau năm 1975, người chồng cũ trở về tái hợp nhưng bà nhất quyết không chấp nhận. Chiến tranh cũng tạo ra người chị thứ 6 của ông phải sống với người con gái vì chồng là liệt sĩ. Nhiều người vẫn thắc mắc và lấy làm lạ vì sao một chàng trai hiền lành và tốt tính như ông cho đến nay vẫn sống cảnh độc thân. “Tôi cũng đã từng có một vài mối tình nhưng do hoàn cảnh chiến tranh mà không thực hiện được lời hẹn ước. Mối tình sâu đậm nhất vẫn là cô y tá cùng ra Bắc tập kết nhưng sau đó cô đã đi lấy chồng trước”.
Trong ngôi nhà vợ chồng người em trai thứ 10 của ông, nay có 1 người con và 2 đứa cháu. Đây cũng là nơi mà 2 chị em ông về sống chung nhiều năm gần đây. Tuy lớn tuổi nhưng trong con mắt chị, ông vẫn là đứa trẻ thơ ngày nào sáng chiều cơm bưng nước rót, dạ thưa chị mỗi lần xin phép. Bây giờ hai chị em ai cũng tóc bạc như nhau, tuổi cao sức yếu nên bóng đã liêu xiêu đổ về chiều.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)