Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người thầy thuốc của dân nghèo

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Văn Tân đang đo huyết áp cho một bệnh nhân
Trở về từ chiến trường ác liệt, mang trong mình 21% thương tật, nhưng y tá Trần Văn Tân (ở thôn Hợp Giáp, xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hằng ngày vẫn miệt mài đến những vùng quê xa xôi để chữa bệnh cho dân nghèo. Mấy chục năm trời lặn lội với những hy sinh thầm lặng vì bệnh nhân, ông được mọi người trong vùng yêu quý gọi với cái tên thật giản dị “người thầy thuốc của dân nghèo”.
Sự hy sinh thầm lặng
Năm 1966, ông Tân đi học y tá, sau đó về công tác tại Trạm y tế xã Xuân Yên, rồi làm Bí thư Xã đoàn từ năm 1969 đến 1970. Năm 1971, cũng như bao thanh niên trai tráng trong làng, ông Tân lên đường nhập ngũ làm công nhân hỏa tuyến ở chiến trường B (Đông Hà, Quảng Trị) và công tác tại Ban Xây dựng 67 của công trường 10. Thời gian sau, ông tiếp tục được điều động đi công nhân hỏa tuyến ở đường mòn Hồ Chí Minh cho đến năm 1973…
Trong thời gian ở chiến trường, đã rất nhiều lần ông Tân chứng kiến cảnh những đồng đội bị thương, chết trước mắt mình. Mặc dù thời chiến tranh phải ăn củ mài, củ sắn, lương khô nhưng ông vẫn nhiệt tình cấp cứu, sơ cứu cho nhiều chiến sĩ bị thương nặng. Ông tâm sự: “Chiến tranh ác liệt, đội ngũ y tá như chúng tôi mấy năm trời phải “ăn sương nằm gió” để chữa trị vết thương cho đồng đội. Có nhiều đêm mưa to gió lớn, phải thức trắng túc trực ở đơn vị để băng bó, điều trị thương binh. Khổ nhất là việc sơ cứu điều trị cho những chiến sĩ bị bom, mìn dẫn đến các vết thương hở. Thường thì những vết thương hở này rất nặng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ khó lòng thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Có nhiều ngày đêm liền, tôi đã không ăn uống cũng như không ngủ mong sao điều trị cho các đồng đội của mình thoát khỏi cái chết. Nhìn thấy họ đau đớn lòng tôi như thắt lại”.
Hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường và trở về quê hương mang trong mình nhiều thương tật, nhưng ông Tân vẫn là một người thầy thuốc hết lòng với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nghèo. Ngày ấy, ông nhiều lần phải cuốc bộ hàng chục cây số, vượt qua những con đường gồ ghề, những đồi cát cao ngút, để đến với bà con vạn chài ở Yên Hải, Yên Ngư, Yên Lợi… điều trị cho họ. Có nhiều đêm mưa to gió rét hay lũ lụt, nghe tiếng người kêu đi cứu cấp, ông lại vùng dậy đạp xe vượt đường xa đến những xã Xuân Viên, Xuân Hoa, Xuân Mỹ, Xuân Thành… điều trị cho bệnh nhân. “Có lần tôi phải đạp xe lên xã Sơn An, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) điều trị bệnh cho vợ anh Nguyễn Sành. Tính cả đi lẫn về tôi phải đạp xe gần 150 cây số. Tuy mất gần như cả ngày tìm đến nhà bệnh nhân, nhưng trong trái tim tôi dường như có một sức mạnh phi thường thúc giục, chữa bệnh mang lại niềm vui cho họ là điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất. Đến giờ, con cái của anh Nguyễn Sành đã lớn khôn, và tôi ước được một lần đến thăm họ để ôn lại câu chuyện năm xưa. Lần khác, tôi cũng phải đạp xe lên tận khối 14, phường Hà Huy Tập, TP.Vinh (Nghệ An) điều trị bệnh tiểu đường cho bà Hoàng Thị Hường. Nói thật, điều trị cho hai bệnh nhân trên tôi cũng chẳng lấy đồng tiền thuốc, tiền công nào. Vì hồi đó, gia đình họ quá éo le. Đến giờ tôi cũng không biết điều trị bệnh cho bao trường hợp như thế. Có người kinh tế khá giả điều trị bệnh cho họ tôi lấy tiền, có trường hợp chỉ lấy tiền thuốc, tiền công thôi. Nhưng có trường hợp thì mình phải bỏ tiền ra để mua thuốc”.
Với bản chất của anh bộ đội Cụ Hồ, tấm lòng hết mình vì bệnh nhân và phong thái vô cùng giản dị, dễ gần như một người nông dân, ông Tân được mọi người yêu thương, quý mến. Ông thường nói: “Điều hạnh phúc nhất của tôi là hơn 40 năm làm y tá, chưa một ai chết trên đôi tay của mình. Điều đó quả thật là một liều thuốc kích thích tôi tiếp tục con đường y tá dù đầy chông gai, nhưng cũng rất vinh quang này”.
Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn
“Điều hạnh phúc nhất của tôi là hơn 40 năm làm y tá, chưa một ai chết trên đôi tay của mình. Điều đó quả thật là một liều thuốc kích thích tôi tiếp tục con đường y tá dù đầy chông gai, nhưng cũng rất vinh quang này”, ông Tân nói.
Ông Tân từng bảo: “Nếu có lòng tham, trục lợi trên nỗi đau của người khác thì bây giờ tôi đã giàu to. Nhưng tôi lại không làm vậy, bởi tôi làm việc y theo trái tim mình mách bảo “lương y như từ mẫu””.
Sau chiến tranh, ông Tân về công tác một thời gian ở Trạm y tế Xuân Yên, đến khi vợ mất (năm 1986), ông phải ở nhà để thay vợ nuôi 4 đứa con ăn học. Không còn công tác ở trạm y tế, về nhà vừa lo việc đồng ruộng, đi làm thuê làm mướn với nhiều nghề cực nhọc và đi chữa bệnh tự do, ông Tân cũng chỉ lo đủ hai bữa cơm cháo cho các con.
Nhưng rồi bất hạnh một lần nữa ập đến gia đình, năm 1991, đứa con trai lớn Trần Văn Tịnh mất vì bị bệnh hiểm nghèo. Chưa dừng lại ở đó, đến năm 2008, cô con gái duy nhất trong nhà Trần Thị Tính cũng “đi theo” mẹ và anh trai. Đây có lẽ là nỗi đau lớn nhất đời ông Tân khi hàng ngày đi cứu người, nhưng với con mình thì ông đành bất lực.
Hiện nay, ngoài việc đi làm y tá, về nhà ông vừa làm ruộng (5 sào), vừa nuôi trâu bò và gia cầm để tăng thêm thu nhập. “Đến giờ, số tiền vay nợ ngân hàng 40 triệu đồng vẫn chưa trả xong. Dù nghèo, nhưng tôi vẫn không bao giờ để lương tâm người thầy thuốc vấy bẩn. Phải sống ngay thẳng, thương người như thể thương thân, nhất định sau này con cháu mình sẽ lại có phúc. Đó là điều tôi luôn tâm niệm”, ông Tân tâm sự.
Chia tay “người thầy thuốc của dân nghèo”, chúng tôi lại thấy xúc động bởi cử chỉ giản dị và tấm lòng nhân hậu vô ngần của ông Tân.
Bài, ảnh: Đinh Tiến Giang
Trong mấy chục năm trời lặn lội, lam lũ và dấn thân vào nghiệp thầy thuốc, ông Tân cũng không nhớ nổi mình đã đến những vùng quê nào, điều trị cho bao nhiêu mảnh đời bất hạnh tìm lại niềm vui hạnh phúc trong cuộc sống. Nhiều người điều trị không có tiền chi phí, ông phải bỏ tiền túi hoặc cho họ nợ đến khi nào mùa màng về lại đem trả. 
 

Bình luận (0)