Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Người thầy” – Tri ân những đóng góp của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức

Tạp Chí Giáo Dục

“Người thầy” không chỉ có giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc về đạo thầy trò mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ không được lãng quên những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh, từ đó sẵn sàng đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.


Ông Lâm Đình Thắng (Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) cùng Đại tá Phạm Văn Trường (Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) chúc mừng GS.TS Nguyễn Chí Vịnh tại buổi giao lưu

Sáng 11-3, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cùng Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã tổ chức buổi giao lưu về cuốn sách “Người thầy” của GS.TS Nguyễn Chí Vịnh.

“Người thầy” dày 500 trang, gồm 7 chương mang phong cách tiểu thuyết chương hồi. Nhân vật chính trong cuốn sách là ông Ba Quốc, tức thiếu tướng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức – một nhà tình báo tài năng, hội tụ đầy đủ những phẩm chất của một điệp viên “chui sâu, leo cao” hoàn hảo; một nhà chỉ huy có tầm nhìn chiến lược, sắc sảo, quyết liệt và là người thầy có cá tính đặc biệt, nghiệm khắc nhưng vô cùng nhân văn, sâu sắc.

Xuyên suốt trong tác phẩm là thiếu tướng Đặng Trần Đức và bao trùm nội dung là những đóng góp quan trọng của ông đối với ngành tình báo quốc phòng trong sự nghiêp đấu tranh giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Hơn 20 năm hoạt động trong lòng địch là thời gian khó khăn, nguy hiểm nhưng ông vẫn chấp nhận hy sinh. Đó là những câu chuyện về sự ứng phó nhạy bén, cơ trí, chuẩn xác để bản thân ông có thể tồn tại, hoạt động, thu thập thông tin giữa sào huyệt địch. Chính vì vậy, ông đã thu thập, khai thác, lấy được nhiều thông tin quý giá của địch phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.


GS.TS Nguyễn Chí Vịnh giao lưu về “Người thầy”

Giai đoạn hoạt động chỉ huy mạng lưới tình báo trên chiến trường Campuchia, với những thông tin tình báo mà ta thu thập được đã giúp nước bạn củng cố chính quyền, đè bẹp sự ngóc đầu trỗi dậy của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, giúp Đảng, Nhà nước ta đề ra những chiến lược giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nước láng giềng. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỷ trước, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa của các nước Đông Âu, Liên Xô có dấu hiệu chệch hướng rồi sau đó sụp đổ, ông đã định hướng cho tình báo ngoại, chỉ đạo các cán bộ tình báo xuất sắc chủ động xuất ngoại, kịp thời nắm bắt biến động chính trị và tìm hiểu nguyên căn của nó để giúp Đảng, Nhà nước ta có sự chủ động, linh hoạt trong xử lý mọi tình huống, giữ vững ổn định chính trị đất nước và tiếp tục phát triển trong bối cảnh thế giới hết sức căng thẳng.

Không chỉ kể về những đóng góp của ông Ba Quốc, “Người thầy” còn nói về những mất mát, hy sinh thầm lặng của cá nhân ông và gia đình. Đó là bà Phạm Thị Thanh, người vợ đầu cùng các con của ông phải cắn răng chịu đựng “lời ong tiếng ve”, cảnh bần hàn thiếu thốn khi chồng, cha bí mật vào Nam hoạt động tình báo. Đó là bà Ngô Thị Xuân cùng các con sau của ông trong Sài Gòn phải đối mặt với nguy hiểm khi giúp ông xử lý tin tức tình báo, thậm chí họ phải chịu đòn roi của kẻ thù thay cha. Vượt lên tất cả, họ đã chấp nhận hy sinh về vật chất cũng như tinh thần để chồng, cha mình toàn tâm toàn ý thực hiện lý tưởng, phụng sự Tổ quốc.

Trong tác phẩm, tác giả cũng đề cập đến một số nhân vật lịch sử nổi tiếng như: Đại tướng, Chủ tịch nước Lê Đức Anh (khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia). Cùng các vị tướng đứng đầu ngành tình báo quân đội như: Đặng Vũ Chính, Nguyễn Như Văn; những nhà tình báo huyền thoại như: Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ…

Đại tá Phạm Văn Trường (Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) cho biết, cuốn sách “Người thầy” được ra mắt bạn đọc tại Thủ đô Hà Nội vào những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023 đã tạo nên cơn sốt trên thị trường xuất bản. “Tác phẩm hiện đã phát hành gần 6.000 bản đến tay bạn đọc và tạo được hiệu ứng tích cực”, đại tá Trường chia sẻ.

GS.TS Nguyễn Chí Vịnh (tác giả cuốn sách) chia sẻ, “Người thầy” được ông “thai nghén” hơn 20 năm mới hoàn thành. Những câu chuyện hết sức chân thực được tác giả thuật lại với lời văn dung dị, mộc mạc nhưng qua đó vẫn làm toát lên phong thái lớn của ông Ba Quốc – người thầy trên lĩnh vực công tác cũng như cuộc sống. Thẳm sâu trong đó còn thể hiện sự kính trọng, biết ơn của tác giả – người học trò đối với sự dìu dắt, dạy dỗ của người thầy. “Tác phẩm có giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc về đạo thầy trò, đồng thời nhắc nhở thế hệ trẻ không được lãng quên những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước, từ đó sẵn sàng đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay”, GS.TS Nguyễn Chí Vịnh gửi gắm.

Hồ Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)