Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy trong ngôi trường đặc biệt

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngày tắm rửa, thay quần áo và chải tóc cho các em HS của mình. Đó không phải là công việc của một chị bảo mẫu hay cô giáo MN mà là những “hoạt động chuyên môn” khi lên lớp khó mà tin được của một thầy giáo ở trường dạy trẻ khuyết tật. Thầy là Hạ Đình Luân – GV Trường chuyên biệt Niềm Tin, Q.Phú Nhuận, TP.HCM.

Thầy Luân vui chơi cùng học trò tại Trường chuyên biệt Niềm Tin

Có thể gọi thầy Hạ Đình Luân bằng một tiếng gọi thân thương nhất, đó là “người mẹ thứ hai” của những đứa trẻ thiếu may mắn về số phận.

Lên lớp là “đánh vật” với trò

Đến Trường chuyên biệt Niềm Tin, chúng tôi thấy thầy cô nào cũng bận rộn. Trong số 10 GV của trường, chỉ có thầy Hạ Đình Luân là “cây gươm lạc giữa vườn hoa” mà nếu cô Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Linh không giới thiệu thì chúng tôi không thể biết được. Trong căn phòng nhỏ của lớp 1A, thầy Luân tranh thủ tập lại tiết mục văn nghệ chuẩn bị buổi biểu diễn sắp tới giờ. Mới tập hợp được dàn ca sĩ “cây nhà lá vườn” một chút mà mồ hôi đã bắt đầu rịn trên khuôn mặt trẻ măng trắng trẻo của người thầy sắp đến tuổi “tam thập”. Cầm tay được bạn này ngồi vào chỗ đứng thì bạn kia lại chạy đi uống nước. Vất vả cực nhọc cứ chảy ngược vào trong vì thầy không hề bực tức mà cứ nở nụ cười tươi để cố gắng tìm cách khuyên bảo vỗ về từng trẻ một.

So với 8 năm trước đây, dù chưa già dặn với nghề nhưng thầy Hạ Đình Luân đã có một chặng đường cống hiến lặng thầm. Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Sư phạm TW 3 Hạ Đình Luân được Trường CB Niềm Tin, Q.Phú Nhuận tiếp nhận. “Vào học Trường CĐ Sư phạm TW3 tôi chọn khoa GD đặc biệt vì theo lời khuyên của một người chị dạy nhạc. Hơn nữa khi đi kiến tập tôi đã được làm quen với Trường CB Niềm Tin vì ở ngay trong quận nhà của mình” – Đình Luân nhớ lại. Đây cũng là cách nối gót ông bà nội và người mẹ thân yêu của Luân vốn là GV MN và người chị thứ 4 cũng là GV Trường TH An Hội, Q.Gò Vấp. Thế là cậu học trò chăm chỉ của Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh ngày nào bây giờ đã chững chạc trong bộ quần áo của một thầy giáo dạy trường chuyên biệt. Thế nhưng con đường đến với lớp học không chỉ có hoa hồng và niềm vui nhất là ở các trường hòa nhập, chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Đối diện với việc chăm bẵm, dạy dỗ đã là một việc khó đối với các GV nữ vốn có phẩm chất tảo tần, chăm chỉ. Đằng này Đình Luân là một thầy giáo trẻ chưa có người yêu chứ chưa nói đến có gia đình mà phải làm việc của một người cha có con thơ tuổi lên 10 nhưng suy nghĩ chỉ là đứa trẻ lên 3. HS lớp Lá 1 năm đó đứa nào cũng dễ thương dù hình hài thiếu nguyên vẹn nhưng hầu hết đều hạn chế về ngôn ngữ. Tiết học ngày nào thầy trò cũng “đánh vật” với nhau về giao tiếp theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”. Tới lúc rèn luyện kỹ năng hàng ngày như ăn uống, tắm rửa thì “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. Đây chính là “ngòi nổ” làm cho các trẻ dễ nổi giận do xung năng vì thế hầu như giờ nào cũng có “thượng cẳng tay hạ cẳng chân với nhau”.

Để lại niềm tin yêu mới

Không chỉ vào vai cha mẹ, GV còn phải vào vai quan tòa để “xử án” nhưng làm sao phải thấu lý đạt tình các trò mới tâm phục khẩu phục. “Những lúc đó tôi phải dẫn các em ra chỗ khác chơi, rửa mặt, rót nước cho trò uống hoặc ăn một thứ gì đó để các em quên sang chuyện khác” – thầy Luân trao đổi. 

Thầy Luân đang dạy cho học trò học

Những tình huống hầu như không có trong giáo án nên đòi hỏi người thầy phải linh hoạt, sáng tạo và mềm mỏng mà không lý thuyết nào vạch sẵn đường đi. Cứ thế sự công tâm và trái tim thương yêu của người thầy là liều thuốc quý giúp các em vượt qua sóng gió cuộc đời trong độ tuổi hoa niên. Công tác trong trường “chiếc đồng hồ cát” thời gian cũng đã cho thầy nhiều bài học kinh nghiệm về nghiệp vụ sư phạm để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình. Nhớ hồi mới ra trường, Luân có nhiều vết sẹo trên người sau một ngày dạy vất vả do HS còn cào cấu vì bực tức chuyện gì đó. Do vô thức nhiều em tự hành xác mình đập đầu vào tường nếu thầy lơ là một chút là hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Vào đây thấy một số trẻ được đeo bao tay suốt ngày mới biết là để ngăn cản các em không tự hủy hoại đôi tay của mình.

Không chỉ gắn bó với trường, thầy Hạ Đình Luân còn âm thầm làm “cầu nối” để người chị thứ 3 là cô giáo Hạ Thị Bích Phượng về làm GV để “đồng cam cộng khổ” cùng với các đồng nghiệp khác. Biết là GV trường chuyên biệt còn nhiều thiệt thòi nhưng trao đổi với tôi, thầy Luân chỉ mong muốn một ngày gần đây đối tượng GV trường chuyên biệt hay dạy hòa nhập cần có mã ngành để được quan tâm hơn về chế độ và quyền lợi của nghề dạy đặc biệt. Điều trăn trở nhất của thầy là một số PH vẫn chưa thật sự quan tâm đến con cái của mình sinh ra trong cuộc đời này đã phải gánh chịu những thân phận kém may mắn dù đó không phải là ý muốn của các em. “Nhiều cha mẹ thật sự ít quan tâm đến các cháu khuyết tật nhất là khi các cháu đã đến tuổi thành niên. Đây là một thiệt thòi cho HS chúng tôi vì lúc nào trong cuộc đời các em cũng rất cần vòng tay và trái tim yêu thương của gia đình” – thầy Luân đau đáu nỗi niềm.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)