Nếu làm một phép so sánh để chỉ sự khác biệt giữa giáo dục xưa và ngày nay e rằng sẽ tốn không ít ngôn từ, giấy mực. Chỉ hiểu một cách đơn giản rằng, khi xã hội thay đổi thì mọi chuẩn mực và giá trị của cuộc sống cũng thay đổi theo. Và giáo dục, trong đó trọng tâm là người thầy cũng không ngoại lệ.
Học sinh chủ động nghiên cứu trong tiết học tại thư viện. Ảnh: N.Tuấn
Từ thời cổ đại, nhà triết học Hy Lạp Socrates đã từng cho rằng “Giáo dục là làm cho con người tìm thấy chính mình”. Mà hành trình tìm kiếm chính mình của con người thì không bao giờ dừng lại. Cho nên giáo dục luôn thay đổi theo lịch sử, thời gian. Không vận động thích ứng, giáo dục sẽ khô cứng và lụi tàn. Trong sự vận hành thay đổi ấy, nhà giáo có nhiều điều kiện để hoàn thiện, phát triển song cũng không ít trở ngại, khó khăn…
Triết lý giáo dục thay đổi và bức tranh “thiếu sáng” của giáo viên
Ngày trước, việc học là để làm quan, vì “một người làm quan trăm họ được nhờ”. Rất ít người biết chữ Nho, nên vị trí người dạy chữ được tôn vinh, “nhất tự vi sư”. “Thương cho roi cho vọt” cũng vì thế mà được xã hội chấp nhận. Ngày nay, với công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão, triết lý dạy học đã thay đổi. Những câu nói, đại loại như câu “không thầy đố mày làm nên”, đã được hiểu mở rộng ra nhiều phương diện. “Thầy” là bạn, là cuộc sống, là mạng xã hội. Người Hàn Quốc có triết lý: “Giáo dục thay đổi số phận”. Ta hiểu “số phận” ở đây là dành cho người được giáo dục – người học. Nhưng cũng phải hiểu là người thầy – số phận người dạy học.
Cách đây chưa lâu, GS. Trần Ngọc Thêm đã có lý cho rằng tục ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” không còn phù hợp khi đưa vào treo trong nhà trường. Nhiều bắt bẻ vì cho rằng đây là ý kiến sai, song theo tôi có phần đúng của nó. Không đưa vào nhà trường không có nghĩa là bỏ rơi phần dạy “lễ nghĩa”. Mà bối cảnh xã hội thay đổi, cần ưu tiên hơn cho việc giáo dục những vấn đề cần kíp khác. Nhà bác học của Thuyết tương đối A. Einstein cho rằng: “Nhà trường phải luôn luôn có chủ trương tạo cho học trò một cá tính cân đối chứ không nên biến chúng thành một nhà chuyên môn”. Cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phải luôn định hướng giáo dục học sinh theo phương châm “mở”, chứ không nên “đóng khung” theo một kiểu mẫu, nguyên tắc nào.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, tính từ ngày 1-1-2020 đến ngày 30-6-2022, số công chức, viên chức 63 tỉnh/thành và các bộ/ngành nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, trong đó viên chức là 35.523 người. Số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu thuộc hai ngành giáo dục và y tế. Trong đó có 16.427 người thuộc ngành giáo dục, chiếm gần một nửa.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhà giáo nghỉ việc. Thống kê của Bộ GD-ĐT từ diễn đàn của các cơ quan ngôn luận báo chí thời gian qua cho thấy có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó có các tác nhân chính như thu nhập của giáo viên không đủ sống; công việc nặng nề, áp lực từ nhiều phía; mất niềm vui với công việc. Giáo viên đuối sức trước sự thay đổi quá nhanh của công nghệ số. Trong đó, việc giáo viên bị giới hạn “quyền” được giáo dục học sinh là một điều đáng suy nghĩ. Hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM cân nhắc với giáo viên trong cuộc họp: “Thầy cô dạy dỗ học sinh trong một bối cảnh rất “nhạy cảm”. Chưa bao giờ nghề giáo chịu nhiều rủi ro như hiện nay khi thầy cô đứng trên bục giảng, trao đổi trên trang mạng xã hội, kể cả giao tiếp với phụ huynh, nói năng hàng ngày”. Còn một số giáo viên thì nói vui với nhau rằng thời buổi công nghệ 4.0 thì giáo viên dạy học thời nay cũng phải có nhiều cái… “không”. Dân chủ hóa trường học như cánh cửa mở vội mất cả bản lề. Nhà giáo bị tước quyền, không dám mạo hiểm, nguy cơ biến thành thợ dạy!
Đừng để ngành giáo dục – người thầy “đơn thương độc mã”!
Nếu cho tôi một điều ước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, tôi sẽ mong ước có sự chung sức, chung lòng của toàn thể xã hội và cha mẹ học sinh để cùng với ngành giáo dục cộng đồng trách nhiệm, thực hiện thành công nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ. Vì sao tôi ước như thế? Bởi vì, nhìn vào thực tế hiện nay, tôi thấy ngành giáo dục đang quá “đơn thương độc mã”. Mà việc “trồng người” là cả một quá trình rất lâu dài, cần có sự tác động định hướng, hợp lực đồng bộ từ nhiều phía, trong đó cốt lõi là ba nhân tố gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu mất đi một vai trò sẽ như chiếc kiềng thiếu chân, khó có thể đứng vững được. Một đứa trẻ ngoan trong gia đình sẽ dễ trở thành một trò ngoan khi vào trường học. Câu tục ngữ “học ăn học nói, học gói học mở” là ngụ ý chỉ việc học đầu tiên của trẻ từ môi trường gia đình. Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều giáo viên dạy lớp 1 và nghe họ tâm sự bằng kinh nghiệm quan sát rằng: “Nhìn trẻ sinh hoạt, nói năng như thế nào, sẽ đoán được hoàn cảnh giáo dục của gia đình các em như thế ấy”. Nhà trường chỉ dạy học sinh điều tốt chứ không ai dạy điều xấu cả; dạy học sinh phải ứng xử lịch sự, có văn hóa. Nhưng một số các em chỉ chấp hành tốt trong khuôn khổ nhà trường. Còn khi về nhà, ra xã hội, các em “hồn nhiên” ứng xử thiếu văn hóa, nói tục, chửi thề. Tại sao vậy? Vì môi trường xấu từ gia đình và xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến thói quen của các em. Oái oăm là, một khi giới trẻ có những biểu hiện gì xấu, người ta thường quy chụp trách nhiệm cho giáo dục, cho nhà trường. Người ta hay phê bình người khác nhưng lại thiếu ý thức tự phê. Nếu ai cũng có ý thức tự phê để răn mình, để làm gương, tôi đồ rằng con trẻ chúng ta sẽ có phương hướng để trưởng thành, cộng đồng sẽ văn minh tiến bộ. Nhà trường dạy trò phải tôn trọng Luật Giao thông nhưng ra đường các em chứng kiến cảnh người lớn vượt đèn đỏ. Nhà trường dạy trò phân loại rác thải, nhưng về nhà các em chứng kiến cảnh người ta vô tư vứt rác xuống rạch, xuống kênh… Nhiều người có suy nghĩ rằng trách nhiệm giáo dục con người là nhà trường, nhà trường phải thế này, phải thế nọ để dạy học sinh. Vì thế mà nhiều cha mẹ không có sự hợp tác, cộng đồng trách nhiệm đã đành, lại còn tạo nên tâm thế đối lập với nhà trường. Chuyện một phụ huynh cầm dao vào trường bắt thầy hiệu trưởng phải quỳ gối xin lỗi xảy ra mới đây tại Hà Tĩnh báo động nạn bạo lực học đường ở mức kinh khủng. Rồi việc đòi nợ, khủng bố nhà trường… Tất cả cho thấy trường học không còn là nơi an toàn cho giáo viên. Việc nhận các khoản tài trợ giáo dục từ phụ huynh sẽ giúp nhà trường có điều kiện hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của nhiều phụ huynh chỉ thấy toàn tiêu cực. Mối dây liên kết giữa nhà trường, xã hội và phụ huynh thiếu bền chặt bấy lâu nay là cũng vì thế.
Giáo dục quả là một công việc nặng nề, khó khăn, cần sự đồng cảm, sẻ chia trách nhiệm, chứ không nên chỉ nhìn bằng con mắt phán xét. Có lần vào tận phòng học đón con đang học tiểu học, tôi chứng kiến cảnh quần quật của cô giáo chủ nhiệm với gần 50 học sinh. Công việc ấy trong từng ngày học, suốt từ tháng này sang năm khác, mà mỗi em một tính nết, một thói quen. Tôi thật sự cảm kích và thán phục cho cô giáo vô cùng. Nếu cho chúng ta dạy dỗ chỉ một em thôi, chúng ta cũng khó có thể làm nổi. Xin mượn câu chuyện nhỏ này gửi đến mọi người để mong có được sự đồng cảm, đồng tâm, đồng sức, đồng lòng trong việc giáo dục con em của chính chúng ta!
Trần Ngọc Tuấn
Bình luận (0)