Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người thầy truyền xúc cảm đến học trò

Tạp Chí Giáo Dục

Hơn mười năm dạy âm nhạc ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, người thầy giáo khiếm thị ấy dạy nhạc với tâm nguyện để dạy người, bù đắp cho nhau.

Thầy Nguyễn Văn Thanh và các học trò lớp 2 Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) trong giờ thanh nhạc –  Ảnh: L.Trang

Thầy giáo Nguyễn Văn Thanh đang chăm chú đệm đàn, nghe tiếng bước chân cậu trò nhỏ sau lưng, đằng hắng hỏi: “Đô hả? Hết bệnh chưa? Thầy có băng nhạc mới cho con rồi nè”. Thầy Thanh đã gắn bó với học sinh của mình ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) hơn 10 năm, còn riêng với ngôi trường này thì thầy đã gắn bó hơn nửa đời người.

Quãng đường từ ngôi nhà đơn sơ của thầy giáo Nguyễn Văn Thanh ở xóm “lò mổ cũ”, khu phố 1, thị trấn Củ Chi lên trung tâm TP.HCM bao giờ cũng mất gần hai giờ. Người thầy khiếm thị không thể nhớ nổi mình đã đi bao nhiêu lần trên quãng đường ấy suốt 10 năm đi dạy ở Trường Nguyễn Đình Chiểu, quãng đường quá quen khiến thầy không phải mò mẫm tìm đường hay nhờ bất cứ ai giúp đỡ. Chuyến xe buýt đầu tiên của buổi sáng sớm luôn đưa người thầy với chiếc cặp sách cũ đựng những tập giáo án bằng chữ nổi đến với lớp học nhạc của học trò khiếm thị.

Bù đắp

Hát để tri ân cuộc đời

Phía sau bục giảng còn là hình ảnh một Nguyễn Văn Thanh trên sân khấu ca nhạc. Anh nói: “Tôi hát bằng đam mê với mong muốn chuyển những lời tri ân tới cuộc đời”. Anh được nhiều bằng khen, huy chương trong các cuộc thi như: giải khuyến khích Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1991, HCV tiếng hát HS toàn thành (1992), giải khuyến khích Tiếng hát phát thanh năm 1992, HCV ca múa nhạc quần chúng ngành VH-TT năm 1995…

Với cương vị bí thư Đoàn Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, anh còn nhận được bằng khen của T.Ư Đoàn về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, hai lần nhận bằng khen Chiến sĩ thi đua của Sở GD-ĐT TP.HCM, bằng khen “Vượt khó” của Bộ LĐ-TB&XH…

Buổi học hôm nay chỉ vỏn vẹn 10 học sinh. Ngoại trừ những em bị đa khuyết tật, không thể học nhạc, số học trò có thể học và cảm thụ được tiết tấu ở mỗi khối lớp chỉ chừng đó em. Nhưng không phải vì vậy mà lớp học thiếu đi sự sôi động. “Mừng ngày sinh một đóa hoa, mừng ngày sinh một khúc ca…” – giọng hát trong trẻo, lảnh lót của những học sinh lớp 2 vang lên trong tiếng đệm guitar đều đều của thầy.

Bạn nào cũng xung phong được hát đơn, xin được đứng gần thầy để hát. Khuôn mặt hơi nghếch lên trời, mắt nhắm nghiền đung đưa theo giai điệu bài Xòe hoa. Công Hiển nhịp chân theo phách, tay vỗ đều. Thanh Quy cứ thỉnh thoảng phải dụi mắt vì cay, lách cách với bộ nẹp giấy dùng để viết chữ nổi, cẩn thận gõ những ký hiệu “đồ, rê, mi đen, móc đơn”, rồi khoe thầy: “Con viết xong trước rồi thầy ơi”. Lớp đang rộn ràng với bài nhạc mới thì Đô, cậu học trò lớp 4, xin vào ngồi “dự thính”, đứng lên xin hát một bài rồi đòi thầy thưởng băng nhạc.

Những học trò mê nhạc ngồi quanh thầy Thanh hồn nhiên ca hát. Thầy cũng lắc lư theo giai điệu phát ra từ chiếc đài cũ. Không khí lớp học bỗng chốc trở thành một sân khấu nhỏ, các “nghệ sĩ” biểu diễn bằng tiếng vỗ tay, tiếng đàn, tiếng hát, tiếng cười… Cuối giờ, thầy ngồi tỉ mẩn thâu từng chiếc băng cassette  những bài hát thiếu nhi để tặng trò.

Thầy Thanh kể: “Học trò quậy lắm. Thấy các em mê nhạc, ngày nào cũng đòi tặng băng nhạc, mình tranh thủ làm tặng các em. Nhưng cứ nghe được một, hai bữa là băng đĩa gì cũng hỏng. Lý do là bọn nhỏ cứ thích làm “thí nghiệm”, thấy chỗ nào có dây là lôi ra, chỗ nào có lỗ trống là chọc que vào, riết rồi hỏng hết phải làm lại băng mới”. Chiếc cassette đời cũ trở thành người bạn không thể thiếu với thầy và học sinh.

Thầy Thanh nói: “Ngoài tập cho các em cách cảm thụ âm nhạc, đó còn là cách để bù đắp được làm những gì các em thích, bởi các em thiệt thòi hơn rất nhiều bạn cùng lứa”. Học trò cứ 10 em thì có 3 – 4 em bị hư tai, vì vậy dạy nhạc, dạy các em phân biệt âm thanh, tiết tấu cũng là cách can thiệp sớm để phát huy khả năng còn lại của các em.

Những người ruột rà

Thầy đệm đàn cho trò hát – Ảnh: L.Trang

Sinh năm 1970, đôi mắt thầy Thanh hoàn toàn mất đi ánh sáng sau một cơn sốt lúc 3 tuổi. Gia đình đưa anh vào học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu, không ngờ đó lại là nơi anh gắn bó suốt cuộc đời mình. Mê nghề giáo, anh thi vào khoa lịch sử – chính trị Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Đại học Sài Gòn) nhưng không đủ điều kiện nhập học. Thầy cô thương nhưng chỉ cho học dự thính, không có bằng khi ra trường. Sẵn có năng khiếu âm nhạc, anh thi vào khoa thanh nhạc Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM với dự định trở thành thầy giáo dạy nhạc, bù đắp lại ước mơ trở thành giáo viên lúc nào cũng cháy bỏng trong anh.

Giờ thì người thầy khiếm thị ấy đã coi lớp học như một phần không thể thiếu của cuộc đời mình. Niềm vui dạy học đã giúp thầy không còn mặc cảm vì sự khiếm khuyết của cơ thể, động viên thầy sống tốt hơn nữa, làm nhiều điều cho học trò hơn nữa. Thầy Thanh tâm sự: “Mỗi tuần trung bình có 20 tiết lên lớp, mỗi tiết học lại cảm nhận thêm nhiều điều mới mẻ từ học trò mình. Vì vậy tôi sợ nhất là mùa hè không được đi dạy, không được gặp học trò, chân tay cứ thừa ra, nhớ học trò nên chỉ mong mau mau tới năm học mới”.

Chuyện cả nhóm học trò khiếm thị “đùng đùng” rủ nhau bắt xe buýt đi Củ Chi thăm thầy rồi ở lại đàn hát với vợ chồng thầy một đêm đã trở nên quen thuộc với người dân ở khu phố 1, thị trấn Củ Chi. Vợ thầy Thanh cũng khiếm thị, cũng học tại Trường Nguyễn Đình Chiểu và bây giờ làm việc tại một cơ sở của trường.

Dạy nhạc là để dạy người, thầy Thanh nghĩ như vậy. Nhiều học trò thân thiết với thầy Thanh như anh em ruột rà. Có em đa tật, những lúc trở trời, mưa nắng đột ngột hay bị hưng phấn quá độ, thừa hành vi, nhưng đã vào lớp học nhạc là chú tâm lạ lùng, hầu như bài nào cũng thuộc và hát rất hay. Có học trò đã ra trường, tốt nghiệp cao đẳng thanh nhạc nhưng mãi vẫn chưa xin được việc làm, thỉnh thoảng lại ghé thăm nghe thầy chơi nhạc, nói chuyện để xốc lại tinh thần.

Đó cũng là điều khiến thầy Thanh trăn trở, áy náy nhất: “Động viên trò học nhạc để khi ra trường có được một công việc cống hiến cho xã hội, nhưng bây giờ nhu cầu giáo viên khiếm thị ít quá, các em không có việc làm, đó là nỗi buồn lớn nhất”. 

LƯU TRANG

Bình luận (0)