Sáng chớm đông, Tây Giang mù sương và mưa rả rích. Thấy trời trở rét, thầy Tuấn cùng nhóm học sinh vội vã ra chèn chắn chuồng gà mới được dựng ở góc sân trường. Bởi ở đó, có những con gà “học bổng” đang ướt lạnh…
10 năm qua, ở “đỉnh trời” Tây Giang, thầy giáo Nguyễn Quang Tuấn (38 tuổi, Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi, H.Tây Giang, Quảng Nam) đã gõ cửa không biết bao nhiêu nhà hảo tâm để giúp học trò nghèo.
“Xin” từ chiếc dép đến gói mì
“Mới nuôi một tháng mà đàn gà lớn khá nhanh. Cứ đà này là sẽ có thể xuất chuồng sớm, mua ít quà bánh cho học sinh ăn tết. Đàn gà này tôi mới xin được từ một nhà hảo tâm dưới Đà Nẵng. Cố gắng chăm sóc để có ít vốn giúp học sinh”, thầy Tuấn khoe.
Đây chỉ là một trong những việc đi “xin xỏ” của thầy Tuấn khi về nhận công tác tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi từ cuối năm 2015. Còn trước đó, khi còn là giáo viên tại Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã Axan, H.Tây Giang), thầy không nhớ mình đã xin được bao nhiêu “dự án” tương tự.
29 tuổi, Tuấn tốt nghiệp chuyên ngành ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng rồi nhận công tác tại xã Axan. Mặc dù biết đến khu 7 (những xã cao nhất Tây Giang) là mảnh đất khó khăn, đồng bào người Cơ Tu còn lắm vất vả, nhưng chỉ đến khi đứng lớp, thầy Tuấn mới cảm nhận được sự thiệt thòi của các em. “Tôi còn nhớ như in cảnh đôi chân các em tím tái vì không có dép, co ro trong những chiếc áo mỏng manh vì rét. Tiết đầu tiên của nghề giáo, tôi đã rơi nước mắt vì thương cho sự nghèo khó…”, thầy Tuấn kể.
Rồi thầy nói tiếp: “Biết sức mình có hạn và phải xoay chuyển từ từ, tôi bắt tay giúp các em từ những gì cần thiết nhất”.
Sáng nhận công tác, thì chiều hôm đó thầy Tuấn vượt 250 km về xuôi, thầm lặng đi xin giày dép, áo quần cũ… Ban đầu, thầy đến từng nhà người quen để xin đồ, rồi dần dần tìm cách kết nối với các nhà hảo tâm để có nhiều quà hơn cho các em. “Thấy các em hớn hở, ngắm nghía đôi dép, hít hà ngửi từng trang sách còn mới, mọi mệt mỏi trong tôi như tan biến. Đó là một động lực lớn lao để tôi tiếp tục… đi xin”, thầy Tuấn tiếp lời. Quan sát thấy học trò thiếu cái gì là thầy Tuấn đi xin cái đó. Từ chiếc bàn chải đánh răng, đôi dép, gói mì tôm, cân gạo… đều được thầy xin từ dưới xuôi rồi gồng gánh mang lên cho các em.
Nuôi gà gây quỹ học bổng
So với Trường Lý Tự Trọng ở “đỉnh trời”, ngôi trường Nguyễn Văn Trỗi ngay trung tâm huyện bớt khó khăn hơn. Nhưng nghèo thì vẫn cảnh nghèo chung, học trò vẫn đến trường trong sự thiếu thốn. Về với trường trong vị trí là người làm công tác quản lý, thầy Tuấn tự thấy mình không thể ngồi yên và lại bắt tay vào những “dự án” mới. Trong đó, nuôi heo, gà để gây quỹ là một “dự án” mà theo thầy, học sinh tham gia được trang bị thêm kiến thức chăn nuôi để sau này có nghề thoát nghèo. “Tôi lại đi xin. Lần này xin được 20 triệu đồng từ một gia đình tại Đà Nẵng liền đầu tư mua 200 con gà, mua thức ăn dưới xuôi lên. Tận dụng bể nuôi cá bỏ hoang, tôi cùng các thầy trong trường dựng bạt làm chuồng nuôi gà”, thầy Tuấn kể. Để rèn luyện cho học sinh, thầy Tuấn ra thông báo “tuyển người chăm gà” và 6 học sinh đã xung phong làm công việc này.
Ngoài giờ lên lớp, nhóm học buổi chiều với 3 em sẽ cho gà ăn và quét dọn chuồng trại vào buổi sáng. Nhóm học buổi sáng sẽ “vào ca” vào buổi chiều cũng với công việc tương tự. 6 học sinh nằm trong “đội chăn nuôi” sẽ được thầy Tuấn thưởng khi đàn gà xuất chuồng. Sau khi lấy lãi để tiếp tục nhân giống và trích một ít để làm quỹ, thầy sẽ đem số tiền 20 triệu đồng gửi lại nhà tài trợ. “Ở Tây Giang, trường nào cũng khó như nhau. Với cách làm này, các trường khác sẽ có vốn chăn nuôi để giúp các học trò như ở trường mình”, thầy Tuấn nói.
Giúp học trò “xuống núi”
|
Ngày thầy Tuấn rời Trường Lý Tự Trọng để nhận công tác tại Trường Nguyễn Văn Trỗi, học trò xoắn xít, ôm thầy giáo khóc như mưa. Với các em, thầy Tuấn chẳng khác gì người cha thứ hai khi đã lặn lội “ăn xin” khắp nơi để lo cho bữa ăn, giấc ngủ. Còn với nhiều học trò ở ngôi trường mới, thầy Tuấn lại như một “người hùng” khi đã giúp các em thực hiện ước mơ được một lần “xuống núi”, được đứng trước biển cả…
“Cuối năm học vừa qua, tôi đã xin bạn bè, các nhà tài trợ một khoản kinh phí để làm phần thưởng cho học sinh. Có tiền, tôi lên kế hoạch đưa các em đi du lịch trong 3 ngày 2 đêm”, thầy Tuấn kể: “Nhưng từ trước đến nay, nhà trường chưa có tiền lệ. Nhiều câu hỏi kiểu như “nhỡ không may có chuyện gì xảy ra thì sao?”, “ai chịu trách nhiệm?” được nhiều người bàn đến. Có người hỏi tôi khi đó thầy dám chịu trách nhiệm không?”. Thầy Tuấn bảo, nếu có chuyện gì thật thì mình chịu không hết tội với gia đình các em.
“Nhưng nếu ai cũng nghĩ vậy thì có khi mãi mãi, có khi cả đời các em không thể nhìn thấy đô thị phồn hoa dù chỉ một lần”, thầy giáo tâm sự.
Chính tình thương học trò đã thôi thúc thầy Tuấn vượt qua những nỗi lo lắng. Thầy thảo một lá đơn trình bày và gửi Phòng GD-ĐT H.Tây Giang xin ý kiến. Vài ngày sau, thầy vui mừng nhận tin báo cấp trên đã đồng ý. Thầy liền chọn 50 em có thành tích học tập tốt vào đoàn tham quan rồi tỉ mỉ lên kế hoạch, các địa điểm sẽ đến… Giữa tháng 5.2016, đích thân thầy Tuấn dẫn đoàn “xuống núi”, về với TP.Đà Nẵng đẹp tươi. Thầy đưa các em tham quan bảo tàng, đi chơi công viên, dẫn các em dạo phố cổ Hội An, đi du thuyền… Lần đầu tiên, các em được trải nghiệm những việc trong đời như: ở khách sạn, ăn nhà hàng, ăn kem… “Khi thấy nhiều em bỡ ngỡ vì đứng trong thang máy, ngỡ ngàng nhìn từng con sóng và lạ mắt với những người nước ngoài mắt xanh tóc vàng… tôi lại thấy thương các em vô cùng. Thấy việc “ăn xin” của mình có gì mà đáng ngại. Miễn việc đó mang lại những điều ý nghĩa cho các em thì tôi sẽ làm tận lực”, thầy Tuấn rưng rưng.
Thầy Tuấn kể tiếp, khi tầm nhìn đã vượt qua những ngọn núi, các em cũng thay đổi nhận thức để thấy được những khát khao đổi thay cho bản làng. Nhiều em khi về lại với trường lớp đã học tập tiến bộ hơn rất nhiều. Có học trò đã kể về những ước mơ sẽ xây dựng Tây Giang tráng lệ như dưới phố cho thầy Tuấn nghe.
Bán giúp nông sản cho dân bản
Bận bịu công tác và “đi xin”, mỗi tháng có khi thầy Tuấn chỉ về nhà một lần. Ngoài việc kết nối với các nhà tài trợ, thầy Tuấn còn tìm đầu ra cho nông sản của bà con người Cơ Tu ở vùng cao khu 7. “Ở dưới phố người ta cần nông sản sạch trong khi bà con Tây Giang làm ra lại không có chỗ tiêu thụ. Thế là tôi đứng ra liên hệ với các cửa hàng để đưa cam, chuối, đu đủ… của người dân về phố”, thầy Tuấn nói và cho biết đã có nhiều chuyến hàng được gửi xe về tận nơi và thu về cho người dân gần chục triệu đồng
|
Hoàng Sơn (TNO)
Bình luận (0)