Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Người thầy “xưa” nghĩ về “nay”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều chính sách, nhiều chương trình được đưa ra để khẳng định “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng xem ra điều đó vẫn là nỗi mong mỏi của xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
 Điều đó khiến những người công tác trong ngành giáo dục trăn trở. Là một nhà giáo, cán bộ quản lý đã về hưu 18 năm nay nhưng tôi luôn có một suy nghĩ: hãy làm lại giáo dục bắt đầu từ người thầy.
Xưa kia, việc học không phải là sự nhồi nhét kiến thức. Không có kiểu dạy-học thêm tốn kém, với nhiều loại sách luyện thi theo kiểu “ăn sẵn”, thầy và trò “đua” nhau học thuộc.
Không phải người hoài cổ nhưng thực sự “ngày xưa” người thầy được coi trọng và kính nể một cách thực sự bởi họ dạy học với một thái độ nghiêm túc, trách nhiệm cao cả…
Người thầy lo “dạy người” làm hàng đầu; khơi lên khát vọng học tập mà ham mê tự học của học sinh. Hướng dẫn tự học được coi là “mục tiêu cơ bản xuyên suốt của con người mới”. Học sinh dùng kiến thức cơ bản để phát huy năng lực phục vụ Tổ quốc… Từ đó, nhiều tài năng nảy nở.
Khi còn khó khăn trong cuộc sống, người thầy sống với niềm say mê. Nhưng khi đời sống xã hội được cải thiện, sự phân hoá giầu nghèo ngày một rõ rệt, khiến họ khó toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp.
Phải chăng cần có cách suy nghĩ mới, cách làm mới thực sự coi đội ngũ thầy cô giáo là lực lượng quyết định để họ không còn phải toan tính nhiều thứ vì cuộc sống. Nếu chỉ lo chương trình sách giáo khoa với số tiền khổng lồ mà không lo đào tại bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, không chăm lo đủ mức cho cuộc sống và phương tiện làm việc dạy học của giáo viên thì những cải cách đó liệu có không rơi vào bế tắc?
Hơn nữa nguyên lý giáo dục là “học tập kết hợp với lao động sản xuất, giáo dục nhà trường gắn liền với giáo dục ngoài xã hội, để thực sự học đi đôi với hành” chưa được thực hiện, sẽ khó đào tạo được con người mới mà xã hội thực cần.
Từ suy nghĩ đó, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy. Việc làm đó  phải đi trước một bước thì mọi đổi mới giáo dục mới đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thiết thực.
Thế hệ những nhà giáo cán bộ quản lý thời “ngày xưa” vẫn luôn dõi theo bước của ngành giáo dục, mong sự nghiệp giáo dục được chấn hưng một cách toàn diện.
Đã đến lúc những người làm quản lý giáo dục cần lắng nghe tiếng nói thực sự từ phía người trực tiếp đứng lớp; cùng nhau tự mổ sẻ vấn đề một cách thẳng thắn. Bởi hơn ai hết, họ chính là lực lượng chủ yếu để giáo dục được chuyển biến cơ bản, toàn diện.
Nguyễn Đức Thuần
(QĐND Online)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)