LTS: Ngày Nhà giáo Việt Nam lại về. Trên khắp mọi miền đất nước, những ai đã từng một thời là học sinh đều hướng về ngày lễ trọng đại này với lòng biết ơn sâu sắc. Trong số báo đặc biệt này Báo Giáo Dục TP.HCM xin giới thiệu những trang viết của các tân thủ khoa, á khoa kì thi tuyển sinh ĐH năm 2009.
Người thầy mà tôi gọi là chú
Đỗ Hữu Nhân (thủ khoa ĐH Sư phạm TP.HCM)
Đỗ Hữu Nhân |
Tôi thật sự khâm phục kiến thức toán học và phương pháp dạy học của thầy. Tôi học với thầy khi còn là học sinh cấp hai. Thầy không dạy theo sách giáo khoa mà theo giáo án riêng của mình, những phương pháp giải toán mà tôi nghĩ chỉ có thầy mới có. Đó có thể là phương pháp dùng “kính chiếu yêu” trong giải phương trình, “nhìn mông nhìn eo” trong phân tích đa thức thành nhân tử, hay là phương pháp “đại chiến võ lâm” trong chia đa thức cho đa thức… Tôi chắc rằng, ai chưa từng học thầy thì khó có thể hình dung ra được những phương pháp này là gì. Những phương pháp này đã đi sâu vào tiềm thức của tôi không chỉ bởi tên gọi độc đáo, mà còn là hiệu quả cao mà nó mang lại cho tôi khi giải toán. Học với thầy, tôi cảm thấy môn toán không còn khô khan, mỗi buổi học là một niềm vui. Thầy đã xua tan mọi căng thẳng bằng những câu chuyện tiếu lâm chọc chúng tôi cười chảy cả nước mắt. Tôi càng không thể nào quên được câu nói: “Con ăn gì vậy! Cho thầy ăn với”. Ôi! Sao nó thân thương và gần gũi đến thế. Giữa thầy và chúng tôi không còn khoảng cách nữa. Thầy giống như người cha, người chú, và đôi khi là người bạn của chúng tôi. Thầy không thích được gọi là “thầy”, nên tôi thường gọi thầy là… chú, chú Huỳnh.
Điều đặc biệt hơn hết là chúng tôi còn được thưởng thức những món ăn do chính tay thầy nấu. Nó ngon, và đậm đà như tình cảm của thầy dành cho chúng tôi. Tin thầy bị bệnh đến với tôi thật bất ngờ. Nhìn nụ cười trên khuôn mặt của thầy, tôi ước gì có thể quay lại khoảng thời gian quá khứ, những tháng ngày mà thầy dạy tôi, kể cho chúng tôi những câu chuyện cười. Nếu không thì hãy cho thời gian dừng lại để tôi ngắm kĩ nụ cười ấy, nụ cười hạnh phúc của thầy khi gặp lại những đứa con của mình.
Ngày 20-11 sắp đến rồi, cũng có nghĩa là tôi sắp được gặp lại thầy, người thầy mà tôi thích gọi là “chú Huỳnh”. Và tôi cũng sẽ được thưởng thức lại những món ăn thầy nấu, được ngồi trò chuyện cùng thầy.
Tiết học đầu tiên
Lê Trần Bích Thảo (á khoa ĐH Kinh tế TP.HCM 2009)
Lê Trần Bích Thảo |
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ ngày tôi bước chân vào giảng đường đại học. Đó quả là một chân trời mơ ước để chinh phục tri thức và xây dựng tương lai. Cánh cổng đại học đã rộng mở nhưng với những ai đã từng một lần bước qua mới thực sự biết rằng: con đường dẫn đến cánh cổng ấy không hề dễ dàng. Và con đường tôi đi để tìm kiếm tương lai cho mình cũng vậy, không hề bằng phẳng. Giờ đây khi đã trưởng thành, tôi mới thật sự thấm thía những công sức, những giọt mồ hôi và nước mắt của thầy cô dành cho lũ học trò. Tôi thấy nhớ, nhớ tất cả, nhớ những kỉ niệm dưới mái trường thời trung học. Và bâng khuâng trong dòng hồi tưởng ấy, hình ảnh thầy bất chợt hiện ra. Thầy hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người đã dạy tôi môn toán suốt 3 năm cấp 3 và cũng chính là người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.
Kỉ niệm ngày đầu tiên gặp thầy thật khó quên. Thầy bước vào lớp với vẻ mặt lạnh lùng, gần như vô cảm. Từ cử chỉ, điệu bộ đến lời nói đều rất nghiêm nghị và cứng rắn. Duy chỉ có đôi mắt nhìn xa xăm, đôi lúc lại trìu mến thật khó tả. Trong cảm nhận của tôi, cũng có thể là cả lớp lúc ấy về thầy chỉ gói gọn trong hai từ… “máu lạnh”. Tiết học đầu tiên trôi qua trong không khí thật nặng nề. Tiết học đầu tiên của thầy như thế đấy, thật đặc biệt theo nghĩa riêng của nó. Nhưng rồi dần dần chúng tôi cũng quen với cách dạy của thầy, những giờ học đã trở nên nhẹ nhàng hơn. Nhờ sự nghiêm khắc của thầy, lũ chúng tôi mới chịu “an phận”, tập trung cao độ để lĩnh hội kiến thức. Cái nhìn về thầy cũng bắt đầu thay đổi, tôi kính trọng thầy nhiều hơn; để ý những lúc thầy cười, tuy hiếm nhưng thật hiền từ. Tôi nhớ có lần một đứa bạn của tôi không làm bài trước khi đến lớp, bị thầy trách phạt, đã tỏ thái độ vô lễ với thầy. Thầy rất bực, giơ cao tay định cho bạn ấy một cái tát, nhưng thầy đã kìm lại được. Trông vẻ giận dữ lúc ấy của thầy vừa thấy sợ lại vừa thấy thương. Vì việc này mà nhiều lần thầy đã tự dằn vặt mình. Sau này, đến cuối năm 12, thầy mới tâm sự với cả lớp: “Thầy xin lỗi vì sự việc lần ấy. Vì thầy quá nóng tính và không tự kiềm chế được bản thân nên đã có hành động thật không hay…”. Câu nói đến giờ vẫn vang vọng đâu đây bên tai mỗi lần tôi nghĩ về thầy. Thầy đã dám tự nhận trách nhiệm về mình, mặc dù ai cũng biết thầy không hề có lỗi. Nhưng điều mà bất kì ai sau khi tiếp xúc với thầy đều nhận ra đó chính là tinh thần tận tụy, hi sinh hết lòng vì nghề giáo. “Thầy tôi – một người lái đò cần mẫn trên chuyến đò tri thức, còn lũ chúng tôi là những lữ khách qua sông, hết lớp này đến lớp khác lần lượt rời bến, nhưng thầy vẫn sớm chiều đưa khách sang sông…”.
Những người “bạn đồng hành”
Đặng Nhật Ánh (á khoa ĐH KHXH-NV TP.HCM)
Đặng Nhật Ánh |
Cứ mỗi tháng 11 về, trong tôi lại dâng lên những cảm xúc đặc biệt. Bởi đó là tháng của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, là tháng của sự tri ân, báo đáp nghĩa tình! Ngày 20-11 năm nay, những tân sinh viên như tôi càng mang trong mình sự biết ơn sâu sắc dành cho những thầy cô giáo đã tận tình dạy dỗ trong những năm tháng học sinh. Quãng đời cấp 3 biết bao ước mơ, trăn trở về chính mình vì trước mặt mình giờ đây là bước ngoặt của cuộc đời. Có thể nói bên chúng tôi giờ đây thầy cô là người bạn đồng hành. Với tôi thầy chủ nhiệm Phạm Văn Quý – người cha đáng kính của cả lớp, luôn tôn trọng và cổ vũ ước mơ thi vào ngành báo chí của tôi. Thầy chính là người làm tôi tự tin hơn vào khả năng của mình. Đó là cô Trang Đài giáo viên môn lịch sử, người đã dạy tôi trưởng thành hơn trong suy nghĩ, cho tôi thấy được sự vinh quang của học vấn, cổ vũ tôi thật nhiều trong học tập. Đó là cô Thu Hà dạy văn học, bài học tôi vẫn nhớ nơi cô là sự nghiêm túc trong mọi việc làm, cô dạy tôi rằng sự chín chắn luôn là bạn đồng hành của một nhà báo… Đó là cô Ngọc Thu giáo viên địa lí, cô là giáo viên thân thiện nhất trong tôi, bởi chỉ có cô khoác vai em giờ ra chơi, dặn dò nhớ ăn uống đầy đủ để học tốt, chỉ có cô dù mệt mỏi với công việc, vẫn tươi cười rạng rỡ với mọi người. Và… làm sao tôi nói hết ra đây những người thầy, người cô mà tôi hằng yêu mến, biết ơn? Bởi mỗi người thầy là một cách yêu thương, mỗi người cô là một bài học mới.
365 ngày đều là 20-11
Triệu Thạch Vũ (thủ khoa ĐH Bách khoa TP.HCM)
Triệu Thạch Vũ |
12 năm, cứ đến hẹn lại lên, vào những ngày này, tôi lại háo hức để thăm thầy cô, những người mà tôi được học khi còn ngồi dưới gốc phượng của trường phổ thông. Bây giờ tất cả chỉ là những kỉ niệm đâu đó trong một khoảng trời, trong từng trang lưu bút. “Em đã bước vào đại học rồi thầy ạ!”, câu nói mà tôi vẫn còn ngỡ ngàng. Nhìn lại thầy cô đã cho tôi rất nhiều, sự vô giá mà chỉ có tâm huyết mới có thể truyền đạt được.
Tôi nhớ ngày đầu tiên đi học, tôi đã khóc. Khóc chẳng lí do gì khác là sợ. Mọi thứ xa lạ lắm. Nhưng chính sự dìu dắt của người thầy đầu tiên – thầy T. – đã xoa dịu đi cái sợ sệt, bẽn lẽn của một thằng nhóc buổi đầu đến trường. Tôi lớn dần lên theo năm tháng và hơn nữa theo kiến thức mà bao thế hệ thầy cô đã trang bị cho tôi. Càng lớn tôi càng thấy được tấm lòng và sự yêu nghề mà ta có thể thấy trong hai chữ đầy quen thuộc: nhà giáo. Từ những điều nhỏ nhặt nhất cho đến cách sống, thầy cô đều bảo ban.
Cho đến khi tôi cũng chạm ngưỡng cửa của sự quyết định 12 năm đèn sách cũng là năm học mà tôi cảm thấy nhiều áp lực. Thời gian này tôi hoang mang với vô vàn ý nghĩ: mình sẽ thi trường gì? mình có vượt qua kì thi đại học không?… Ấy vậy mà thầy chủ nhiệm, thầy H. lại đọc được trong mắt học trò mình bao nhiêu là suy nghĩ. Thầy đã bên cạnh để nhắc nhở chúng tôi, chỉ bảo chúng tôi nhiều điều. Những bài giảng mà như thầy đổ cả tâm huyết đời mình vào đó. Các thầy bộ môn luôn mang đến cho tôi cảm giác học tập…
Thầy cô đã cho em quá nhiều, trang bị cho em quá nhiều để hôm nay em vẫn còn ngỡ ngàng mình là thủ khoa. Em cảm ơn thầy cô rất nhiều. Thầy ơi, 20-11 lại đến, nhưng với em 365 ngày đều là 20-11 mà em dành cho thầy cô.
Tôi nghiệm ra một điều, xin mượn một câu nói để viết về những người thầy của tôi: “Dù có trải hết từng trời làm giấy, chặt hết cây trong rừng làm bút, dùng hết nước đại dương làm mực, vẫn không nói hết công ơn của thầy cô”.
Ngọc Anh
Bình luận (0)