Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người thợ đam mê sáng chế

Tạp Chí Giáo Dục

Với niềm đam mê sáng chế khoa học, ông Trương Minh Hải (56 tuổi, trú tại khối 10, phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh) đã biến các vật liệu từ sắt thép phế thải, động cơ xe máy hỏng… thành những chiếc máy gặt lúa hữu ích, giúp nông dân giảm bớt chi phí và sức lao động.

Máy gặt thông minh

Ông Hải vốn là thợ cơ khí từng làm việc tại Công ty Thủy lợi 4. Sau khi về hưu, năm 2000 ông vay vốn thành lập Xưởng cơ khí Minh Hải ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh, chuyên đại tu sửa chữa, gia công xích đĩa xe máy và các loại máy móc cơ khí khác…

Ông Hải đang nghiên cứu một số bộ phận để hoàn chỉnh chiếc máy gặt lúa thông minh.

Năm 2009, ông Hải chính thức bắt tay vào thực hiện niềm đam mê chế tạo máy gặt lúa thông minh. Ông lân la tìm đến các xưởng cơ khí, tiệm sửa xe máy trong và ngoài tỉnh, những người mua bán đồng nát để thu mua sắt thép thải loại, động cơ xe máy hỏng mang về xưởng rồi ngày đêm tự mày mò sửa chữa, nghiên cứu, chế tạo.

Sau gần 5 tháng, hình hài chiếc máy gặt lúa đầu tiên cũng hình thành và đem ra thử nghiệm ở vụ mùa hè thu 2009. Tuy nhiên, lần thử nghiệm này không đạt yêu cầu. Không nản chí, ông Hải tiếp tục mang về nghiên cứu, bổ sung thêm các chi tiết máy bị lỗi cho ăn khớp với nhau. Kết quả lần thử nghiệm sau đó máy đã gặt được lúa với công suất 8 sào lúa gặt xong trong vòng gần 2 giờ.

Ông Hải cho biết, cấu tạo của các bộ phận trên máy gặt lúa này khá đơn giản (máy rộng 1,2m, dài 2,5m, cao 80cm, nặng 100kg…), phía trước có 4 chiếc răng nhọn lớn, xung quanh có các vòng quay bánh răng, thân máy được làm từ các vật liệu như mảnh tôn, sắt thép cứng (đa phần là vật liệu phế thải bỏ đi). Bên trong là động cơ xe máy, được kết nối bởi các sợi xích quay quanh trục. Bánh xe cũng được chế tạo từ sắt vụn. Chỉ cần đổ xăng cho động cơ chạy là có thể gặt được, với tiền xăng khoảng 5.000 đồng/sào. Máy gặt 1 đường lúa được 1m, sau 3m thì máy tự gom lúa lại nên rất tiện lợi, nhanh chóng… “Hiện đã có một số khách hàng trong và ngoài tỉnh đến đặt mua máy, nhưng do đang làm thử nghiệm nên tôi chưa quyết định bán…”, ông Hải chia sẻ.

Chi phí thấp

Được biết, trên thị trường hiện nay một chiếc máy gặt đập liên hoàn có giá từ trên 35 triệu đến hàng trăm triệu đồng, tùy theo từng loại, tiền thuê gặt khoảng 180.000 – 200.000 đồng/sào. Nhưng với chiếc máy gặt của ông Hải chế tạo giá thành chỉ khoảng 7 – 8 triệu đồng/máy, với tiền gặt chỉ 30.000 đồng/sào, tiết kiệm được chi phí rất lớn so với đi thuê hoặc mua máy gặt đập liên hoàn và giảm được công sức lao động. Hơn nữa máy còn có thể gặt được những ruộng sâu, nhỏ lẻ mà máy gặt đập liên hoàn không thể vào được.

Đến nay, ông Hải đã chế tạo được 3 chiếc máy gặt lúa thông minh và đang trong quá trình thử nghiệm sau cùng để chuẩn bị cho “xuất xưởng” hàng loạt, ngoài ra ông còn sáng chế thêm nhiều loại máy khác như vừa bàn giao một máy cày vun luống đất cho Nông trường chè 20-4 ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh. Hiện ông Hải cũng đang tìm cách nâng cấp cho chiếc máy gặt lúa thêm công năng gieo, trỉa hạt.

Sản phẩm máy gặt lúa thông minh của ông Hải từng tham dự chương trình “Nhà sáng chế” do VTV2 Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Ngoài ra, ông Hải nhiều lần được UBND TP Hà Tĩnh, Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen thưởng về thành tích sáng chế khoa học…

DƯƠNG QUANG

(SGGP)

Bình luận (0)