Y tế - Văn hóaThư giãn

Người thợ kim hoàn với ngón “đậu” tuyệt chiêu

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ nhân Trần Hữu Nhơn đang làm tác phẩm Quán Thế Âm bằng kỹ thuật “đậu” – Ảnh do Nguyễn Duy Hiền cung cấp
Nghề kim hoàn ngoài hai kỹ thuật phổ biến và tương đối dễ làm là “trơn” và “chạm”, thì “đậu” là ngón nghề tuyệt chiêu mà ở VN hiện chỉ còn mỗi nghệ nhân Trần Hữu Nhơn (ở đường Đào Duy Anh, TP Huế) nắm giữ.

Nghề danh giá

Nghề kim hoàn trước đây là nghề đứng đầu trong bách nghệ và không phải dành cho mọi người. Vàng bạc là thứ của cải và trang sức có giá trị bậc nhất mà xưa kia chỉ giới thượng lưu, vương tôn, gia đình đại phú gia… mới có. Do khách hàng là người giàu sang nên nghề thợ vàng vì thế cũng là nghề danh giá.

Theo Hội Mỹ nghệ kim hoàn và đá quý VN, ông tổ của nghề kim hoàn VN là Cao Đình Bộ, xuất thân từ làng Kế Môn, thuộc xã Điền Môn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên – Huế. Ông Bộ được thầy của mình là một người Hoa truyền nghề và danh tiếng của ông lan truyền đến tận triều đình. Năm 1790, vua Quang Trung triệu hai cha con ông cùng một số thợ bạc ở làng Kế Môn vào triều để lập cơ vệ Ngân Tượng, nơi chuyên nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ vàng bạc và đồ trang sức cung điện.

Trước công đức và những đóng góp lớn lao đó, ông được triều đình phong chức Lãnh binh, cùng gia đình sống tại làng Cao Hậu, huyện Hương Trà. Đến khi Nguyễn Ánh lập nên triều Nguyễn, lấy niên hiệu Gia Long vào năm 1802, những thành tựu văn hóa dưới triều Quang Trung đều bị phá hủy, chỉ duy nhất ngành Ngân Tượng được giữ lại. Hai cha con ông Cao Đình Bộ và Cao Đình Hương cũng như nhóm thợ làng Kế Môn vẫn được vua Gia Long trọng dụng, cấp bổng lộc và giữ nguyên tước cũ để tiếp tục nghề trong cung điện.

Sau khi ông Bộ qua đời, ông Cao Đình Hương kế tục chức quan quản lý Ngân Tượng của cha nhưng do sợ hoài bão của cha về nghề sẽ bị thất truyền, ông quyết định từ quan về nhà để tìm người nối nghiệp. Cảm phục tài nghệ và danh tiếng của Cao Đình Hương, quan Thượng thư bộ Lại lúc bấy giờ là Trần Minh, cùng vợ là Huỳnh Thị Ngọc (dưới thời Gia Long) mời ông về dinh phủ dạy nghề cho ba người con trai và ba người cháu. Từ đây, nghề kim hoàn mới được truyền bá qua hai dòng họ Trần – Huỳnh, và mãi sau này mới tiếp tục truyền bá rộng rãi trong dân gian.

Duyên phận với “vàng”

Nghệ nhân Trần Hữu Nhơn, không phải là hậu duệ chính thống của nghề kim hoàn. Năm 4 tuổi chẳng may cha mất sớm, mẹ gửi ông sang ở với người cậu ruột là Hoàng Tấn Ích ở làng Minh Hương (thuộc xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế bây giờ). Người cậu này chính là hậu duệ của gia tộc họ Huỳnh (tức Hoàng) có nghề kim hoàn nhưng đã sa sút, chỉ còn giữ lại một xưởng bạc làm ăn cầm chừng. Cũng nhờ mối duyên tiền định này nên một người cháu “ngoại tộc” như ông mới được học nghề kim hoàn.

Xưởng bạc của cậu ở làng, lui tới cũng chỉ có vài món nghề gia công đơn điệu. Có nghề, ông xin cậu cho đến đầu quân ở tiệm vàng Vĩnh Mậu do ông Trần Duy Tùng làm chủ để vừa làm vừa nâng cao tay nghề. Ở Huế thời đó có ba hiệu vàng nổi tiếng là An Phú, Vĩnh Hòa và Vĩnh Mậu tập trung hàng chục thợ giỏi làm việc. Với tư chất thông minh lại cần cù chịu khó, ở tiệm vàng Vĩnh Mậu, Trần Hữu Nhơn được truyền dạy những kỹ thuật khó của nghề thợ vàng, trong đó có “đậu” – một kỹ thuật đỉnh cao chỉ có những người thợ giỏi mới làm được.

Khi tay nghề đã vững, ông xin ra riêng và lập nên hiệu vàng Vĩnh Long. Bằng tay nghề giỏi, làm ăn uy tín, ông đã gây dựng Vĩnh Long thành thương hiệu vàng bạc lớn ở Hu

 

Ngón “đậu” độc nhất vô nhị

Ông Nhơn bên tượng Quán Thế Âm đặt trong nhà mình -Ảnh: B.N.L

Ông Nhơn cho biết, nghề kim hoàn có tất cả ba kỹ thuật cơ bản gồm: trơn, chạm và đậu. Trơn là kỹ thuật tạo hình cơ bản mà người thợ nào cũng làm được. Chạm là dùng vật nhọn để khắc vẽ lên sản phẩm. Đậu là kỹ thuật  thủ công kéo kim loại ra từng sợi nhỏ để làm một tác phẩm, kỹ thuật này đã gần như bị thất truyền, ở Huế hiện chỉ còn mình ông làm được…

Năm 2007, khi TP Huế chọn 3 nghề kim hoàn, đúc đồng và điêu khắc để tôn vinh trong Festival nghề truyền thống Huế, ông Nhơn đã bắt tay thực hiện tác phẩm bức tượng Phật bà Quán Thế Âm bằng kỹ thuật “đậu” để tham gia. Ông nói: “Tôi làm tác phẩm này để nhắc nhở mọi người rằng trong nghề kim hoàn còn có ngón nghề “đậu” rất độc đáo mà bây chừ chẳng còn ai theo đuổi nữa”. Ròng rã hai tháng trời chỉ bằng hai tay mà không có một chút máy móc nào giúp sức, bức tượng Phật bà Quán Thế Âm đã hoàn thành.

Bức tượng được làm từ 6 lạng bạc “đậu” trên mặt kính, nên có thể nhìn thấy từ cả hai mặt. Sau khi trưng bày tại Festival, bức tượng này được ông Nhơn đặt ở nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Ông cho biết thêm, khi trưng bày tại Festival làng nghề, nhiều người đã ngỏ ý muốn “thỉnh” bức tượng nhưng ông cương quyết không bán.

“Trước đây, nghề kim hoàn chỉ truyền cho những người trong họ tộc, sau khi thực hiện hoài bão của tổ sư là Cao Đình Bộ, nghề đã được truyền bá rộng rãi và phát triển, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Nghề kim hoàn vì thế cũng chẳng có gì bí truyền ngoài bí quyết nghề nghiệp là chữ tín với khách hàng. Một người thợ giỏi ngoài năng khiếu, sự khéo tay, quan trọng nhất là đức tính chịu khó kiên trì rèn luyện. Ngày nay hàng thủ công mỹ nghệ được sản xuất bằng công nghệ hiện đại nên không còn nhiều người đi sâu theo nghề như trước nữa. Thợ giỏi vì thế vắng hẳn đi”, ông bày tỏ nỗi lòng.

Hiện gia đình ông có hai người con trai đang nối nghiệp cha, nhưng kỹ thuật “đậu” vẫn chưa thể làm được. Ông Nhơn đang dành thời gian cuối đời để truyền lại kỹ thuật này cho con, bởi như ông nói: “Lỡ mai mốt, đời người vô thường, tôi nhắm mắt, kỹ thuật này thất truyền thì tiếc vô cùng”.

Bùi Ngọc Long – Minh Phương (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)