Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Người thổi hồn cho “Tinh văn diễn ca”

Tạp Chí Giáo Dục

“Tinh văn din ca” là chui các chương trình âm nhc kch ngh truyn thng nhm lan ta các giá tr ngh thut truyn thng min Bc như: ca trù, quan h, hát xm, hát then, hát ru 3 min, ngâm thơ, chu văn, kch chính s… đến gn hơn vi gii tr. Ngưi đã góp phn to nên s thành công rc r cho chui chương trình này chính là nhà giáo, ngưi dn chương trình, ThS. Trn Đăng Kim Trang.

Nhà giáo – MC Kim Trang cùng các nghệ sĩ trong một tiết mục “Tinh văn diễn ca”

1. “Tinh văn diễn ca” do đạo diễn Tây Phong cùng một số thành viên sáng lập với ý tưởng thông qua những áng thơ văn, điển cố phong phú của Việt Nam để dàn dựng các chương trình âm nhạc, kịch nghệ tổng hợp. Từ đó giúp cho người xem trải nghiệm các cung bậc cảm xúc theo từng câu chuyện, từng số phận của các nhân vật trong các đêm diễn. Đó có thể là câu chuyện tôn vinh về đức hạnh, sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam, hay chí anh hùng, lòng nhân ái của một nhân vật lịch sử…

 

Từ khi ra đời đến nay, “Tinh văn diễn ca” đã có 5 số diễn. Khởi đầu là đêm diễn với chủ đề “Gặp xuân” được tổ chức vào mùng 5 Tết Giáp Thìn 2024. Tiếp đến lần lượt là diễn ca số 2 chủ đề “Phù ảo”, số 3 chủ đề “Mẫu”, số 4 chủ đề “Phù sinh”, số 5 chủ đề “Vọng nguyệt”. Với sự phong phú chủ đề, đa dạng nội dung, dàn dựng công phu, biểu diễn chuyên nghiệp, “Tinh văn diễn ca” được xem là “nơi lưu giữ cái hồn của văn hóa nghệ thuật dân gian vùng Bắc bộ tại TP.HCM”.

 

Ngoài sự góp mặt của các nghệ sĩ, nghệ nhân dày dặn kinh nghiệm về biểu diễn những loại hình cổ nhạc vùng Bắc bộ, còn có một người đã góp phần tạo nên sự thành công rực rỡ cho chuỗi chương trình này chính là nhà giáo, người dẫn chương trình, ThS. Trần Đăng Kim Trang (Trưởng bộ môn Kiến thức cơ bản Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP.HCM).

Đạo diễn Tây Phong cho biết: “Một chương trình muốn biết nó có tồn tại và phát triển hay không, có lẽ phải cần thời gian trả lời. Hiện tại với những kết quả đạt được là dấu hiệu tốt để “Tinh văn diễn ca” có thể tự tin đi tiếp trên con đường đã chọn. “Tinh văn diễn ca” sẽ cố gắng hết sức và cũng mong mỏi chương trình được lan tỏa và tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn, nhất là khán giả học sinh – sinh viên”.

2. Nói về cơ duyên đến với “Tinh văn diễn ca”, nhà giáo Kim Trang cho biết: “Trong vài lần trò chuyện với một đồng nghiệp, anh vừa là nhà giáo, vừa là nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc – thạc sĩ, nghệ sĩ Mai Thanh Sơn. Anh cũng là một trong những thành viên sáng lập “Tinh văn diễn ca” anh kể cho tôi nghe về ý tưởng của chương trình và ngỏ ý mời tôi tham dự với vai trò người dẫn chương trình. Tôi vốn dĩ rất yêu thích âm nhạc truyền thống nên tôi đồng ý ngay và như cá gặp nước. Tôi sinh ra và lớn lên ở TP.HCM nhưng ông bà ba mẹ đều là người gốc Huế. Tôi yêu mảnh đất Huế và vùng Bắc bộ qua văn chương từ bà, từ mẹ đọc cho nghe mỗi tối, đến những chuyến đi công tác sau này qua những miền đất này luôn tạo cho tôi cảm giác rất gần gũi, mến thương vô cùng. Tôi thích đọc tập bút ký “Hà Nội 36 phố phường” của nhà văn Thạch Lam; “Nếp cũ – con người Việt Nam”, “Làng xóm Việt Nam”, “Cầm ca Việt Nam” của nhà văn Toan Ánh; “Chuyện cũ Hà Nội” của nhà văn Tô Hoài; đến những bài thơ, bài hát tình tự về tình yêu mộc mạc, chân thành dành cho mảnh đất Bắc bộ của Nguyễn Bính, Tế Hanh, Nguyễn Khuyến, Phạm Duy, Đỗ Anh Quân, Phó Đức Phương… Đó là hành trang quý giá luôn bên tôi và theo tôi trên mọi giảng đường, trong từng tiết mục khi làm biên tập chương trình và cả từng lời dẫn khi làm MC.

Nhà giáo – MC Kim Trang trong chương trình “Tinh văn diễn ca” số 3 chủ đề  “Mẫu”

Nhà giáo Kim Trang chia sẻ thêm: “Tinh văn diễn ca” được xây dựng trên những điển cố, điển tích, các áng thơ văn cổ kim của dân tộc, những câu chuyện dân gian, lịch sử… Với tôi, vừa là giảng viên, nghiên cứu học thuật và dẫn chương trình nên tôi có lợi thế về khả năng diễn ngôn trước khán giả, nắm bắt cảm xúc của người xem, ngữ điệu, ngôn ngữ hình thể, xử lý tình huống… Khi đảm nhận vai trò MC trong những chương trình về văn hóa, lịch sử của dân tộc như “Tinh văn diễn ca”, tôi đã biến những kiến thức học thuật thành lời dẫn, mang những câu chuyện lịch sử, những điển tích văn hóa, đặt hết cảm xúc của mình vào trong những lời dẫn ấy và đem đến gần trái tim khán giả. Tôi mong khán giả đến với “Tinh văn diễn ca” sẽ hiểu thêm, yêu hơn những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc bởi đó là “quốc hồn, quốc túy” của đất nước.

 

3. Sau 5 số “Tinh văn diễn ca”, nhà giáo Kim Trang hào hứng: “Chương trình đã mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua từng tiết mục, từ cảnh trí sân khấu gần gũi, nghệ sĩ tham gia cống hiến hết mình, trang phục phù hợp, những thành viên ban tổ chức hết sức tâm huyết… Chính vì thế hiện nay, chương trình đã có một lượng khán giả nhất định. Điều đáng mừng nhất là chương trình lần 5 được tổ chức vào tháng 7-2024 vừa qua đã mở rộng đối tượng tham dự là sinh viên với giá vé rất ưu đãi (50.000 đồng/vé), các bạn sinh viên đến xem rất hào hứng, có bạn còn thu âm, ghi chép lại những nội dung của “Tinh văn diễn ca” biểu diễn. Khán giả đã thể hiện sự tôn trọng với chương trình từ tiết mục đầu tiên đến tiết mục cuối cùng, sau chương trình khán giả trẻ còn ở lại chia sẻ tâm tư tình cảm của các em với các nghệ sĩ. Đó là một động lực rất lớn để “Tinh văn diễn ca” bước tiếp và bền bỉ cống hiến cho âm nhạc dân tộc trong những chương trình tiếp theo. Đối với tôi, mỗi nghệ sĩ góp mặt đều là những người thổi hồn cho chương trình. Bởi mỗi một loại hình nghệ thuật với nghệ sĩ xuất hiện trên sân khấu cùng cung đàn nhịp phách, âm thanh, ánh sáng sẽ là những mảnh ghép tạo nên bức tranh đa sắc, đa âm của “Tinh văn diễn ca”. Và với tôi, là người dẫn dắt câu chuyện, kết nối cảm xúc giữa khán giả cũng là một trong những mảnh ghép ấy…”.

Phiêu Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)