Ông Tuyến bên bộ salon bằng gốc cây khô của mình |
Về xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), hỏi thăm người giàu có nhất vùng ai cũng giới thiệu đó là ông Nguyễn Quang Tuyến. Bởi ngoài làm kinh tế giỏi, người lính Cụ Hồ này còn nổi danh khắp vùng nhờ việc sưu tầm và sản xuất salon làm từ rễ, gốc cây khô tưởng chừng đã bỏ đi …
Những năm đầu dựng xây
Ngồi cùng tôi trong căn nhà rộng kê đầy những bộ salon gỗ còn thơm mùi dầu bóng, ông Tuyến ôn lại chuyện xưa. Sau khi giải ngũ trở về năm 1979, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào suất phụ cấp thương binh loại ¾ của ông nên khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhiều đêm thức trắng tìm cách mưu sinh, cuối cùng ông Tuyến và vợ quyết định rời quê đi kinh tế mới (KTM). Theo ông, chỉ có đi KTM mới hy vọng thoát nghèo. Bởi ở quê, ông không có đất cắm dùi, muốn làm gì cũng khó…
Đầu năm 1981, vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Quang Tuyến dắt díu 7 đứa con từ quê Nam Định vào Ninh Loan lập nghiệp. Lúc ấy, tài sản của họ chẳng có gì ngoài đôi bàn tay cần mẫn và đức tính chịu thương chịu khó của những con người một đời cực khổ, chắt chiu. Những năm đó, vùng KTM Ninh Loan còn rất hoang vu, thưa thớt bóng người. Vợ chồng người cựu chiến binh bắt đầu những năm tháng làm thuê, cuốc mướn cho bà con trong vùng để có tiền trang trải cuộc sống. Nhờ chăm chỉ làm việc mà họ dành dụm đủ tiền mua đất và khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất. Khi đã có trong tay trên 12ha đất sản xuất, ông Tuyến đứng ra thành lập trang trại kết hợp sản xuất, chăn nuôi theo mô hình kinh tế V-A-C. Ở những vùng đất đồi, ông Tuyến trồng cà phê và các loại cây ăn trái lâu năm; vùng trũng đào ao ông thả cá; kết hợp trồng rau màu vừa giải quyết cái ăn trước mắt vừa làm thức ăn cho cá và chăn nuôi lợn, gà.
Hơn 30 năm cần cù lao động, xây dựng cơ nghiệp trên quê hương mới, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Quang Tuyến đã trở thành gia đình giàu có nhất vùng. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập trên 400 triệu đồng từ kinh tế trang trại. Bảy người con của ông đều có điều kiện học tiếp lên cao đẳng, đại học và đã có 3 đứa ra trường thành đạt.
Với bản chất người lính, ngoài chí thú làm ăn, ông Tuyến còn tích cực tham gia công tác của địa phương. Trong 30 năm lập nghiệp tại Ninh Loan, ông Tuyến có đến 27 năm tham gia các hoạt động như: 16 năm làm kế toán ngân sách xã, công tác tại văn phòng Đảng ủy xã Ninh Loan, trưởng ban công tác mặt trận…
“Thổi hồn” vào những “thứ bỏ đi”
Vốn có óc thẩm mỹ và ưu thích đồ gỗ, khi rảnh rỗi, ông Tuyến thường sưu tầm làm ra các vật dụng sinh hoạt gia đình từ gốc và rễ cây khô. Từ năm 2007 đến nay, ông đã lặn lội vào các vườn cà phê tìm mua và sưu tầm trong rừng, ven suối mang về những gốc cây khô, gốc cây chết rục đã nhiều năm, rễ cây hình thù kỳ quái… Ngày qua ngày, ông cùng mấy người thợ của mình say mê đục, đẽo, bào, gọt, đánh bóng… “thổi hồn” vào những gốc cây vô tri vô giác ấy, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt. Ngôi nhà rộng rãi của ông trở nên chật chội hơn khi trưng bày rất nhiều bộ salon gỗ rất đẹp và đắt giá. Ai đến nhà người cựu chiến binh này cũng phải trầm trồ khen ngợi. Trong số các “tác phẩm” ấy, giá trị nhất là bộ salon Chín đầu rồng uốn lượn được ghép, chạm trổ rất khéo và tỉ mỉ. Đặt cạnh là bộ salon tái hiện cảnh hưu, nai, chim muông đang uống nước tại suối… vừa kỳ công vừa rất chắc chắn phù hợp sở thích của những người thích chơi đồ gỗ sành điệu. Ông Tuyến cho biết: “Công nghệ đồ gỗ tại xưởng của tôi chỉ mới phát triển được hơn 3 năm trở lại đây nhưng bạn bè và khách hàng từ Đà Lạt, TP.HCM, Bình Dương và nhiều địa phương khác đã biết danh nên tìm đến đặt hàng. Một bộ salon đơn giản, gọn nhẹ nhất cũng không dưới 10 triệu đồng. Giá trung bình từ 25 – 50 triệu đồng/bộ; có bộ giá trên 100 triệu đồng”.
Nhờ việc sản xuất công nghệ đồ gỗ phát đạt, ông đã góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động trong vùng (chủ yếu là thanh niên). Giờ đây, ngoài thu nhập ổn định và khá cao từ kinh tế trang trại (có diện tích 12ha), công nghệ đồ gỗ cũng đem lại khoản thu lớn cho kinh tế gia đình người cựu chiến binh tài hoa này.
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng
Dân cư thuộc xã Ninh Loan phần lớn là người ở các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đi xây dựng KTM từ những năm 1980. Đến nay, xã đã có nhiều hộ kinh tế ổn định. Song, vươn lên trở thành giàu có như gia đình cựu chiến binh Nguyễn Quang Tuyến thì không nhiều. Mô hình kinh tế của người cựu binh này, đặc biệt là công nghệ sưu tầm, sản xuất bàn, ghế từ gốc và rễ cây khô của ông đang được đông đảo đồng đội cũ và nhân dân khắp nơi học hỏi. |
Bình luận (0)