Hạnh phúc tuổi già của hai vợ chồng là đồng chí
|
“Bước chân lên những chuyến tàu không số, người thủy thủ chỉ biết bẻ lái, vượt qua mọi hiểm nguy địa hình, sự vây bủa của tàu thuyền và máy bay địch quần lượn để tiến về phía trước. Hy sinh cũng là chuyện bình thường…”. Ông Hồ Thăng Nhuận, người 8 lần đi trên chuyến tàu không số chở vũ khí đạn dược vào giải phóng miền Nam, trải lòng.
Ở vào tuổi 90, trông người thủy thủ tàu không số Hồ Thăng Nhuận vẫn còn khỏe khoắn và mẫn tiệp. Chất giọng trầm ấm của ông đưa người nghe một cách tự nhiên ngược về quá khứ hào hùng…
Mỗi lần đi là một lần truy điệu sống
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông con ở huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). 10 tuổi, cậu bé Nhuận đã phải đi ở đợ chăn bò, làm thuê kiếm sống. Tuổi thanh niên, quê hương bị giặc xâm chiếm, Nhuận tham gia du kích rồi vào Đơn vị tình báo K20 (Cục II, Bộ Quốc phòng). Ông được giao nhiệm vụ chở cán bộ chiến sĩ từ Quảng Nam, Đà Nẵng ra Cửa Tùng (Quảng Trị) theo đường biển. Năm 1961, đường Hồ Chí Minh trên biển được mở để phục vụ chiến dịch, ông được cử làm thủy thủ trưởng rồi thuyền phó tại Đoàn 759 (Quân chủng Hải quân) để vận chuyển vũ khí vào miền Nam. “Hôm ấy là ngày 14-5-1963, tui nhận nhiệm vụ trên chuyến tàu không số đầu tiên do thuyền trưởng Vũ Tấn Ích chỉ huy. Dù được làm quen sông nước nhưng chuyến đi ấy đầy âu lo, hồi hộp và cả niềm tự hào khi nhận nhiệm vụ đặc biệt trên một chuyến tàu đi dài cả ngàn cây số mà không hề có dấu vết đường mòn”, ông Nhuận bồi hồi nhớ lại. Ông Nhuận cho biết thêm: “Chuyến tàu chở tới 57 tấn vũ khí, thuốc nổ. Đến khu vực vỹ tuyến 17 thì bị máy bay địch tuần tiễu trên bầu trời phát hiện. Tui nhanh chóng ngụy trang, ngồi buông lưới. Lúc đó hệ thống liên lạc bị nước mưa làm hỏng nên hoàn toàn mất liên lạc với căn cứ. Chưa hết, do không quen địa hình nên anh em bị mắc cạn ở Gành Hào (Bạc Liêu), anh em phải lặn xuống nước moi cát tránh gãy chân vịt tàu. Sau gần chục giờ đồng hồ mới đưa được tàu rời khỏi nơi mắc cạn, đến điểm bàn giao vũ khí đã định. Có chuyến khác, tàu vừa chuẩn bị vào bờ, cách chừng nửa cây số thì máy bay địch quần lượn thả pháo sáng rực cả bờ biển. Anh em nhanh trí nhờ sự hỗ trợ trên bờ đưa tàu ẩn nấp an toàn”.
Ông Nhuận bấm đốt tay, tổng cộng ông có 8 chuyến hải trình trên các con tàu không số chở vũ khí vào Nam, trong đó có 4 chuyến đi với Anh hùng – liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh. “Ngày ấy xuống tàu chỉ biết bẻ lái hướng về mục tiêu phía trước. Bốn bề là biển, tàu thuyền tai mắt của địch, trên đầu máy bay địch quần lượn. Không ai nghĩ được trở về. Nhiều anh em ngã xuống khi tàu bị phát hiện. Mỗi lần đi là một lần truy điệu sống”.
Duyên phận đời người
Ông Hồ Thăng Nhuận kể về những chuyến đi trên con tàu không số
|
Năm 1967, ông Nhuận nhận nhiệm vụ hướng dẫn các đơn vị địa phương rà phá bom ngư lôi, từ trường tại các xã ở đồng bằng sông Hồng. Lần về xã Thái Thụy (Thái Bình), ông tình cờ gặp và cảm mến cô gái Nguyễn Thị Diễn, giáo viên kiêm Xã đội phó xã Thái Thụy lúc bấy giờ. Ngồi cạnh chồng, bà Diễn vui vẻ cho biết: “Hồi ấy tui vừa đi dạy vừa kiêm các nhiệm vụ của xã. Hôm ông ấy về làm nhiệm vụ, nhìn ông ấy đeo khẩu súng ngắn và cái đài National oai phong lắm. Tui cảm ông ấy từ ngày đầu gặp mặt!”. Một năm sau, bà Diễn quyết định gác lại niềm đau, nỗi nhớ dành cho người thanh niên cùng quê từng thề hẹn trước ngày ra chiến trường để nên duyên vợ chồng với ông Nhuận. Thế rồi không ai ngờ được, chàng thanh niên từng có giấy báo tử ấy lại trở về sau ngày cưới của người yêu không lâu. Chuyện cười ra nước mắt, họ nhìn nhau chết lặng. Hiểu cơ sự chiến tranh ly lạc, hai người đồng chí ôm chầm lấy nhau, cảm thông và chia sẻ. “Tui khuyên bà ấy trở lại với người xưa nhưng bà ấy đắn đo và quyết định ở lại cùng tui. Càng nghĩ càng thấy yêu thương bà ấy nhiều hơn”, ông Nhuận bộc bạch.
Có với nhau đứa con đầu lòng, ông Nhuận lại nhận nhiệm vụ lên tàu không số vào Nam. Chuyến đi bí mật. Tin tức khó bề nhận được. Bà Diễn ở nhà chăm con, công tác trong đợi chờ. “Lúc đó, tui đánh cả trăm bức điện, thư nhưng càng mong càng vắng. Đành lập ban thờ đốt nhang. Có khi gần như ngã quỵ, tui nhìn đứa con chập chững để gượng dậy, hi vọng đến ngày toàn thắng để đưa con đi tìm ông ấy”, bà Diễn kể.
“Thật lòng, ai không mong gần gia đình nhưng vì nhiệm vụ. Mỗi chuyến đi đều phải bí mật, xóa mọi dấu vết để đảm bảo an toàn cho đồng đội ở chuyến sau”, ông Nhuận nhẹ nhàng nói.
Hòa bình, ông đưa bà Diễn về Đà Nẵng. Cơ duyên, ông lại chọn đúng mảnh đất nơi con đường mang tên người đồng đội Anh hùng Nguyễn Phan Vinh dựng nhà. Bà tiếp tục nghề giáo, còn ông tham gia việc xã hội, kể cho cháu con nghe bài học về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm. Ở vào tuổi cửu thập cổ lai hi, ông bà có con cháu đề huề. “Đứa con đầu lòng nay là Thiếu tá hải quân, làm nhiệm vụ ở trạm Rađa 545 trên đỉnh Sơn Trà đấy”, ông Nhuận tự hào.
Chiều biển lặng! Người thủy thủ già lặng nhìn những con tàu giương buồm hướng mũi ra khơi, cất giọng trầm bổng: “Biển xóa đi dấu vết. Biển vẫn còn đường mòn!”… Con đường mòn của lòng tự tôn dân tộc, của ý chí kiên cường, của khát vọng hòa bình vẫn luôn còn mãi!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
“Dù thương cha mẹ già nhưng vì nhiệm vụ nên gần chục năm trời, chỉ thi thoảng tui mới gửi thư về và biết tin nhà qua những dòng thư của người anh rể. Mỗi lần nghe có thư từ Bắc vào là ba tui lặn lội đi tìm. Tìm được thư, mẹ tui khóc thì ba bảo, có thư là coi như con đã về rồi. Chiến tranh mà!”, ông Nhuận nói. |
Bình luận (0)